Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, học ngành nào là phù hợp?
"Trong bối cảnh chuyển đổi số, ngành nào là cần thiết?", là câu hỏi được nhiều thí sinh trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề đặc biệt lưu tâm.
PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, khối ngành toán tin, toán ứng dụng là những ngành cần cho việc chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực chuyển đổi số. Đây cũng là những ngành được nhiều trường đại học đào tạo. Riêng trong khối ngành công nghệ thông tin có những chuyên ngành như khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, an ninh mạng… rất cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số.
PGS.TS Trần Trung Kiên cũng lưu ý chuyển đổi số đang diễn ra ở mọi lĩnh vực xã hội nên không có nghĩa chỉ làm việc ở các cơ sở chuyên về công nghệ thông tin mới cần thiết với mục tiêu chuyển đổi số. Ở mỗi ngành nghề cần phải có hiểu biết kiến thức chuyên ngành, những đòi hỏi mang tính đặc thù của mỗi ngành nghề với mục tiêu chuyển đổi số.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho hay, quy định về tuyển sinh của Bộ GD&ĐT vẫn tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho thí sinh. Theo đó, thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng khác nhau và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT cũng như căn cứ vào phương thức tuyển sinh do các trường công bố.
Những vấn đề thời sự đang diễn ra trong xã hội sẽ tác động đếu những điều chỉnh về ngành đào tạo. Nhiều cơ sở đào tạo năm nay cũng sẽ chọn kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh đa dạng.
Còn PGS.TS Phạm Văn Thuần, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Hàng Hải Việt Nam, chia sẻ nếu như bức tranh hoạt động nghề nghiệp của năm 2020 thường gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 thì bức tranh năm 2021 tới đây được cụ thể hơn với định hướng liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, đến phát triển dịch vụ logistics, phát triển kinh tế biển… Những mục tiêu phát triển của Chính phủ sẽ là những định hướng quan trọng cho các học sinh trong việc chọn trường, chọn nghề.
Điểm IELTS như vé gửi xe
Việc chuẩn bị chứng chỉ ngoại ngữ, nhất là chứng chỉ IELTS hay TOEFL để tham gia xét tuyển sinh cũng được nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, có điểm IELTS chưa chắc đã đỗ mà thí sinh phải lưu ý trong đề án tuyển sinh của các trường ĐH ngoài IELTS ra còn điều kiện khác không.
"Điểm IELTS như vé gửi xe thôi, còn các điều kiện khác thì mới bước vào được trường" – bà Phương nêu ví dụ về tình hình tuyển sinh với sự đa dạng hóa các phương thức xét tuyển của nhiều trường đại học hiện nay.
Trong khi đó, xét tuyển thẳng với chứng chỉ ngoại ngữ cũng được trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện thời gian gần đây. Năm 2021, trường dự kiến vẫn giữ phương thức này. Tuy nhiên, thí sinh phải đặc biệt chú ý điều kiện đi kèm. Đó là xét tuyển thẳng căn cứ kết quả thi chứng chỉ khảo thí ACT, SAT, A-Level và IELTS đối với thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên, cụ thể như sau: Xét tuyển thẳng vào tất cả các ngành / chương trình đào tạo đối với thí sinh có chứng chỉ ACT, SAT, A-level đạt ngưỡng quy định của Trường.
Như vậy, với chứng chỉ IELTS, thí sinh phải đạt 6.5 trở lên (hoặc tương đương) và chỉ được xét tuyển thẳng vào 2 ngành là Ngôn ngữ Anh, Kinh tế quản lý. Điều kiện đi kèm nữa là điểm trung bình chung học tập 3 năm THPT phải đạt từ 8.0 trở lên.
Bình luận (0)