Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tuyển sinh 2021: Vẫn mất cân đối ngành nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm qua, 16/5, hết hạn đăng ký nguyện vọng (NV) xét tuyển đại học (ĐH) bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trên toàn quốc. Số liệu thống kê từ Bộ GD&ĐT cho thấy, lựa chọn ngành nghề của thí sinh đang có sự mất cân đối nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng nguồn nhân lực quốc gia sau này.

Tuyển sinh 2021: Vẫn mất cân đối ngành nghề

Ðổ xô vào kinh tế

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến 17h ngày 16/5, tổng số NV thí sinh đăng ký năm nay là 3.821.449. Trong đó, số lượng NV1 là 791.990, NV2 là 690.551, NV3 là 579.968, NV4 là 455.949, NV5 là 350. 231, các NV còn lại là 952.761.

Theo Bộ GD&ĐT, nhóm ngành thí sinh đăng ký đông nhất là Kinh doanh và Quản lý với gần 1,3 triệu NV, kế đến là nhóm ngành Khoa học xã hội và Hành vi, Máy tính và Công nghệ, Nhân văn. Nhóm ngành ít thí sinh lựa chọn nhất là cao đẳng sư phạm mầm non đang có tỷ lệ chọi và số lượng NV đăng ký thấp nhất là 1/0,66, tức số thí sinh đăng ký chưa đủ so với chỉ tiêu.

Tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, dù 15/6 mới hết hạn nhận hồ sơ xét tuyển học bạ nhưng đã có trên 37.000 thí sinh đăng ký. PGS. TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng nhà trường, nói rằng điều bất ngờ của năm nay là nhóm ngành Kinh tế của trường lên ngôi. Những ngành lọt vào top 5 có số lượng thí sinh đăng ký nhiều nhất gồm: Logistics, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử. Còn những ngành như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật ô tô như năm 2020. Nhiều ngành như Công nghệ Vật liệu, Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Kỹ nghệ gỗ… vẫn ít thí sinh đăng ký.

“Nhìn bức tranh lựa chọn của thí sinh, ở cấp trường không đáng lo ngại nhưng ở cấp quốc gia, thật sự đáng lo vì sự mất cân đối này. Kỷ nguyên số cần nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ mà các em đăng ký ít quá. Ùa vào kinh doanh và kinh tế thì cung quá cầu nên sẽ dễ dẫn đến tình trạng thất nghiệp khi ra trường”, ông Dũng nhìn nhận.

Theo ông, vấn đề này cần chiến lược ở cấp quốc gia, còn nếu chỉ dựa vào hoạt động tư vấn hướng nghiệp của các trường THPT thì không bao giờ giải quyết được, vì thầy cô còn lo dạy học và bản thân họ cũng không hiểu rõ về ngành nghề. Chính vì vậy nên mới có tình trạng khi lên tư vấn tại các tỉnh Tây Nguyên, ông Dũng nhận thấy có 80% học sinh lựa chọn học Kinh tế và Luật.

TS.Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, nói rằng, theo công bố của Bộ GD&ĐT, hai nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý, Máy tính và Công nghệ thông tin luôn được đánh giá là nhóm ngành “hot”, được nhiều thí sinh quan tâm. Nhìn chung, đây vẫn là xu thế lựa chọn của nhiều thí sinh trong những năm qua và chắc sẽ còn trong vài năm tới. Tuy nhiên, cần phân tích rõ về số lượng NV đầu (1, 2, 3…) thì mới đánh giá khách quan, chính xác hơn về sự lựa chọn này.

Ngoài ra, cần phải tính thêm yếu tố hai nhóm ngành trên có tổng số bao nhiêu ngành. Dù vậy, tổng số NV của nhóm ngành cũng phản ánh tương đối về xu hướng của thí sinh. TS. Bình cho rằng đang có sự mất cân đối ngành nghề trong lựa chọn của thí sinh nên cần phải có dự báo, khuyến cáo cho thí sinh. Ngoài ra, các ngành nghề cần có sự cân bằng hơn về chế độ đãi ngộ phù hợp, điều kiện làm việc với công việc đặc thù thì mới dễ thu hút được thí sinh.

Vừa mừng vừa lo

PGS.TS Phạm Mạnh Hà, trường ĐH Khoa học giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, nhìn vào số lượng trung bình NV năm nay có thể thấy thí sinh đã có sự tập trung, dự tính nghề nghiệp khá tốt. Đặc biệt, tỷ lệ lựa chọn nhóm ngành Khoa học giáo dục và giáo viên cao hơn những năm trước.

Ông Hà phân tích, do chuẩn giáo viên yêu cầu từ tiểu học phải đạt từ đại học trở lên nên thí sinh lựa chọn ĐH, kể cả với giáo viên mầm non. Mặt khác, do đang thực hiện đổi mới giáo dục nên nhiều ngành nghề mới phụ trợ cho trường học được mở ra, thu hút nhiều người học, như tham vấn học đường, công tác xã hội trường học, quản trị trường học, đánh giá đảm bảo chất lượng, công nghệ giáo dục… Những ngành trên không chỉ hỗ trợ cho hoạt động nhà trường mà còn giúp đa dạng hóa thị trường việc làm.

Điều khiến PGS.TS Phạm Mạnh Hà, trường ĐH Khoa học giáo dục, băn khoăn là lĩnh vực dịch vụ xã hội nhu cầu rất lớn nhưng chỉ tiêu lại rất thấp (2.808 chỉ tiêu). Điều này có thể hiểu ở hai khả năng. Thứ nhất, các trường chưa nhanh nhạy nắm bắt xu hướng hoặc đang chạy theo nhu cầu của người học. Thứ hai, có thể các trường chưa chuẩn bị được nguồn nhân lực để mở những ngành này.

Một nguyên nhân nữa khiến khối ngành đào tạo giáo viên hút thí sinh là do chính sách hỗ trợ kinh phí và có địa chỉ việc làm của Chính phủ. Thí sinh lựa chọn ngành này yên tâm từ khi học đến khi ra trường.

Theo ông Hà, không ngoài dự báo, lĩnh vực công nghệ liên quan cuộc cách mạng 4.0 nên học sinh đăng ký nhiều. “Điều này cũng không nên vội mừng. Vì để học được ngành công nghệ đòi hỏi sự sàng lọc, những tố chất đặc thù liên quan đến tư duy rất cao, không phải ai cũng thành công. Tuy nhiên, do thí sinh được nghe truyền thông nhiều liên quan đến cuộc cách mạng số, thấy hấp dẫn nên đăng ký, dẫn tới tỷ lệ chọi tương đối cao”, ông Hà nói. Còn về nhóm ngành Kinh doanh và quản lý, PGS Hà nhận định, lượng đăng ký bao giờ cũng cao. Đây là những ngành dễ học, nhiều trường dạy, ra trường cũng làm đa dạng ngành nghề. Nhưng tỷ lệ chọi rất lớn nên thí sinh trượt nhiều, phải lựa chọn ngành nghề khác, dẫn đến bất cập đối với những thí sinh không xác định được rõ năng lực của mình.

Theo Nghiêm Huê/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)