Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tuyển sinh 2022: Đừng tham gia quá nhiều kỳ thi riêng

Tạp Chí Giáo Dục

Tính đến thời điểm hiện tại, mùa tuyển sinh 2022 đã có gần 10 kỳ thi riêng dành cho thí sinh muốn vào các trường đại học (ĐH) bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT. Mỗi kỳ thi riêng lại yêu cầu thí sinh một mức độ năng lực, tư duy khác nhau. Chính vì vậy, thí sinh cần thật tỉnh táo và biết lựa chọn kỳ thi phù hợp.

Một thông tin bất ngờ nhất đối với các thí sinh dự thi vào khối trường công an năm nay đó là vừa qua, đại diện Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết Bộ này sẽ tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển kết hợp.

Tuyển sinh 2022: Đừng tham gia quá nhiều kỳ thi riêng ảnh 1

Phần trắc nghiệm thi đánh giá năng lực vào các trường công an bao gồm kiến thức về khoa học tự nhiên, kiến thức xã hội, ngoại ngữ phù hợp với tổ hợp đăng ký xét tuyển vào các học viện, trường ĐH Công an; tập trung kiểm tra kiến thức trong chương trình THPT hiện hành, độ khó cao hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT để tăng khả năng phân loại thí sinh;Theo thông tin mà Đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn, Trợ lý tuyển sinh Cục Đào tạo, Bộ Công an chia sẻ, kỳ thi đánh giá năng lực của Bộ sẽ được tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bài thi này sẽ có cấu trúc 2 phần gồm phần trắc nghiệm và phần tự luận.

Phần tư duy logic tập trung kiểm tra các kỹ năng ghi nhớ, tư duy phán đoán, suy luận, đánh giá, nhận xét của thí sinh phù hợp với lĩnh vực công tác công an.

Ở phần tự luận, thí sinh sẽ được lựa chọn một trong hai nội dung là Văn học, nghị luận xã hội hoặc giải Toán. Đề thi minh họa sẽ được Bộ Công an công bố công khai cho thí sinh và xã hội biết trong thời gian tới.

Kỳ thi đánh giá năng lực được Bộ Công an tổ chức với mục đích lấy kết quả xét tuyển kết hợp để tuyển sinh vào các trường ĐH, Học viện trực thuộc. Với phương thức này, kết quả bài thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT sẽ chiếm 40% tổng điểm xét tuyển; kết quả bài thi đánh giá năng lực chiếm 60% tổng điểm xét tuyển.

Trong trường hợp do dịch bệnh, không tổ chức được bài thi đánh giá năng lực, điểm xét tuyển được thực hiện như năm 2021, trong đó kết quả học bạ THPT chiếm 25% tổng điểm xét tuyển; kết quả thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT chiếm 75% tổng điểm xét tuyển.

Nếu vì dịch bệnh không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, không tổ chức bài thi đánh giá năng lực của Bộ Công an, các trường sẽ sử dụng kết quả học bạ THPT làm điểm xét tuyển tương tự như xét tuyển các thí sinh được đặc cách tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh xét tuyển trong năm 2021.

Bên cạnh đó, năm nay, hai trường ĐH Sư phạm lớn ở hai miền đất nước cũng tổ chức kỳ thi riêng để lựa chọn thí sinh phù hợp. Với kỳ thi đánh giá năng lực của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường lưu ý các bài thi đánh giá năng lực của trường có sự khác biệt so với các đề thi đánh giá năng lực khác.

Cụ thể, bao gồm các bài thi 8 môn đơn lẻ gồm Văn, Toán, tiếng Anh, Hóa, Sinh, Lý, Lịch sử, Địa lý. GS Nguyễn Văn Minh cho hay ở tất cả các bài thi, thí sinh sẽ phải thi hai hình thức, trắc nghiệm và tự luận. Trong đó, 7 môn (trừ môn Văn), thí sinh thi 70% trắc nghiệm, 30% tự luận. Còn môn Văn, thí sinh thi 30% trắc nghiệm, 70% tự luận.

Đa dạng phương thức xét tuyển nhưng chỉ có 1 cơ hội nhập học

Thông tin về tình hình đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2022, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM cho biết số liệu cập nhật tính đến 14h30 ngày 24/2 đã có 57.628 thí sinh đăng ký. Thí sinh có xu hướng chờ gần cuối đợt mới đăng ký nên dự kiến tổng số đăng ký dự thi đợt 1 năm 2022 sẽ khoảng 70.000-80.000 thí sinh.

TS Nguyễn Quốc Chính cũng đưa ra lời khuyên với thí sinh cần đọc kỹ hướng dẫn để đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển chính xác.

Ghi nhận cho thấy các trường ĐH đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh vào trường bằng nhiều cách thức khác nhau.

Tuy vậy, vấn đề thí sinh cần lưu ý là dù các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển nhưng chỉ tiêu dành cho các phương thức được chia theo tỉ lệ khác nhau. Điều này đòi hỏi thí sinh cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường ĐH để lượng sức xem phù hợp với phương thức nào nhất, từ đó có sự lựa chọn chính xác để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường, vào ngành học mà mình yêu thích; tránh tình trạng bị rối khi tiếp cận cùng lúc nhiều phương thức khác nhau.

TS Nguyễn Quốc Chính lưu ý thí sinh đăng ký dự thi các kỳ thi riêng cần dựa trên nguyện vọng vào trường, không nên kỳ thi nào cũng thử sức. Ví dụ, thí sinh có nguyện vọng vào trường ĐH Sư phạm TPHCM thì nên thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường; thí sinh muốn vào các trường của ĐH Quốc gia TPHCM thì nên thi thêm kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức…

Theo TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam, do có nhiều phương thức xét tuyển nên số chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ bị cắt giảm dẫn đến điểm chuẩn của phương thức này khá cao, tình trạng nhiều thí sinh điểm cao nhưng có thể vẫn trượt ĐH sẽ tiếp tục tái diễn. Do vậy, thí sinh cần chiến lược đăng ký nguyện vọng phù hợp, có thể đăng ký nguyện vọng xét tuyển ở các phương thức xét tuyển khác nhau.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)