Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tuyển sinh 2022: Trúng tuyển rồi có nên mạo hiểm bỏ qua để xét phương thức khác?

Tạp Chí Giáo Dục

Tính đến thời điểm này, nhiều thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm như điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực… Các chuyên gia cho rằng nếu thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng thì rất có thể mất cơ hội đậu.

Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho biết kinh nghiệm mọi năm, có rất nhiều thí sinh trúng tuyển bằng phương thức học bạ tại trường nhưng chỉ 40% trong số đó nhập học, số còn lại chọn tiếp tục xét tuyển bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT và không phải ai cũng đậu.

Tuyển sinh 2022: Trúng tuyển rồi có nên mạo hiểm bỏ qua để xét phương thức khác? - ảnh 1

Thí sinh đã trúng tuyển sớm nên cân nhắc nếu muốn chọn phương thức xét tuyển khác. K.H

“Các trường đều đã phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức. Chẳng hạn, Trường ĐH Cần Thơ dành 60% trong tổng số 7.560 chỉ tiêu để xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, 40% còn lại là xét điểm học bạ, tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển… Nếu các em đã đậu bằng phương thức xét học bạ rồi nhưng lại không xác nhận bằng cách đăng ký thành "nguyện vọng 1" trên hệ thống xét tuyển chung, nghĩa là các em từ chối ngành học và phương thức đã trúng tuyển đó để tiếp tục xét bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều đó vô tình sẽ khiến số lượng thí sinh xét tuyển bằng phương thức thi tốt nghiệp THPT tăng lên trong khi chỉ tiêu vẫn giữ nguyên, dẫn đến tỷ lệ chọi cao và có thể điểm chuẩn cũng sẽ cao”, thạc sĩ Duy Khang nhìn nhận.

Vì thế, để có khả năng trúng tuyển ở phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT, theo thạc sĩ Khang, thí sinh phải tham khảo điểm chuẩn ngành học, trường học mình mong muốn xét tuyển những năm trước, liệu điểm của mình có phù hợp không.

“Mỗi trường có quy định khác nhau về tính điểm như nhân hệ số, có trường sử dụng điểm miễn tiếng Anh có trường thì không… Thí sinh cần tìm hiểu thật kỹ thông tin tuyển sinh của những trường mà mình mong muốn. Đối với những ngành được xét bằng nhiều tổ hợp thì thí sinh chỉ cần chọn tổ hợp mà mình có điểm cao nhất để đăng ký. Cuối cùng là việc sắp xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng theo thứ tự nguyện vọng nào mong muốn học nhất thì xếp cao nhất”, thạc sĩ Khang đưa ra lời khuyên.

Nhìn nhận về vấn đề có nên “mạo hiểm” bỏ qua ngành học đã trúng tuyển có điều kiện, thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng nếu thí sinh thấy ngành học đó phù hợp với bản thân thì nên xác nhận bằng cách đăng ký thành nguyện vọng 1 trên hệ thống chung để được trúng tuyển chính thức, nếu không có thể vụt mất cơ hội.

Thạc sĩ Thoa lý giải: “Không ít em đậu bằng phương thức học bạ rồi nhưng do không được tư vấn, định hướng kỹ nên bỏ qua để xét tuyển bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT mà không biết rằng chỉ tiêu của phương thức này tại nhiều trường chỉ chiếm từ 40-60%. Trong tình huống nếu tất cả thí sinh đều dồn vào thì cơ hội trúng tuyển sẽ chỉ dành cho những ai có điểm thi cực cao. Chính vì vậy, thí sinh cần cân nhắc thật kỹ, không nên mạo hiểm bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển sớm nếu như ngành học đó đã phù hợp và điểm thi tốt nghiệp THPT không quá cao”.

Thạc sĩ Thoa khẳng định dù trúng tuyển bằng phương thức nào thì tân sinh viên cũng được học chung một chương trình, học phí, học bổng và bằng tốt nghiệp là như nhau.

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)