Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tuyển sinh 2022: Tuyệt đối không đăng ký 1 nguyện vọng

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi các trường công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn), các chuyên gia cho rằng điểm chuẩn năm nay được dự báo khó lường, nên thí sinh cần cẩn trọng khi đặt nguyện vọng xét tuyển. Đặc biệt, thí sinh lưu ý không được đặt một nguyện vọng dù điểm thi rất cao.

Điểm sàn xác lập kỷ lục mới

Trong thông báo của Trường Đại học (ĐH) Quy Nhơn có đến 6 ngành sư phạm (Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Địa lý) có điểm sàn lên đến 28,5 điểm. Mức điểm này là kỷ lục của năm nay. Những ngành còn lại từ 15 đến 20 điểm.

Trước đó, điểm sàn của Trường ĐH Ngoại thương cao nhất mới chỉ 23,5 điểm. Lý giải về điểm sàn 6 ngành trên, ông Lê Xuân Vinh, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Quy Nhơn, cho biết, do năm nay Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu đào tạo dựa trên đặt hàng của các địa phương nên 6 ngành chỉ có 8 – 9 chỉ tiêu. Nhà trường xác định điểm sàn cao để thí sinh dưới mức điểm này có lựa chọn khác phù hợp với sức học hơn.

Năm nay, thí sinh không có cơ hội tham gia xét tuyển đợt bổ sung nhiều nên đây là cách để thí sinh không bị trượt oan. Trong khi đó, có những ngành gần với những ngành trên chỉ tiêu rất lớn. Ví dụ, nếu không đủ điểm sàn để xét tuyển ngành Sư phạm Toán, thí sinh có thể tham gia xét tuyển Sư phạm Tin; hoặc nếu không đủ điểm sàn vào ngành Sư phạm Lịch sử, Địa lý thì có thể tham gia xét tuyển ngành Sư phạm Khoa học xã hội. Tương tự với hai ngành Sư phạm Vật lý, Hoá học và ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên…

Những năm trước, chỉ tiêu những ngành trên của Trường ĐH Quy Nhơn khá lớn, như ngành Sư phạm Toán có 84 chỉ tiêu, ngành Sư phạm Ngữ văn 57 chỉ tiêu, ngành Sư phạm Hoá học 31 chỉ tiêu, các ngành Sư phạm Vật lý, Sư phạm Địa lý, Sư phạm Lịch sử từ 21 – 29 chỉ tiêu. Điểm chuẩn những ngành này năm 2021 cao nhất là ngành Sư phạm Toán 25 điểm, kém điểm sàn năm nay 3,5 điểm.

Tuyển sinh 2022: Tuyệt đối không đăng ký 1 nguyện vọng ảnh 1

Thí sinh đã có đủ thông tin của các trường để tham gia đăng ký nguyện vọng Ảnh: Nghiêm Huê

Mùa tuyển sinh năm 2021, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy có 165 thí sinh đạt 27 điểm và 3 thí sinh đạt 28 điểm trở lên (tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào.

Cụ thể, có 51 thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường khối dân sự và 114 em xét tuyển vào trường Công an, quân đội. Trong 114 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội, có 97 em chỉ đăng ký một nguyện vọng. Còn 51 em đăng ký vào các trường khối dân sự, có 10 em chỉ đăng ký một nguyện vọng.

Vì thế, thí sinh dù đạt điểm thi cao không nên đặt 1 nguyện vọng khi tham gia xét tuyển để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lưu ý, các trường phải bảo đảm công bằng cho thí sinh giữa các phương thức xét tuyển khác nhau.

Hiện có khoảng 20 phương thức xét tuyển vào các trường ĐH và chủ yếu tập trung vào một số phương thức như: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, học bạ, tuyển thẳng… Sự đa dạng này phần nào gây khó khăn cho thí sinh trong việc nắm bắt thông tin.

Ngoài ra, bổ sung nhiều phương thức tuyển sinh khiến việc phân bổ chỉ tiêu không hợp lý, có sự tăng giảm mạnh qua các năm khiến thí sinh không có sự chuẩn bị kịp thời. Nhiều trường thậm chí tuyển sinh không đúng với chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức xét tuyển, dẫn đến thiếu công bằng đối với thí sinh.

Năm nay, đã có những ngành điểm trúng tuyển theo kết quả học THPT cao bất thường, có thí sinh 30 điểm cũng không đỗ vào ngành học đã lựa chọn.

Không được “chết” vì tiêu chí phụ

Đang thực hiện quy trình đăng ký nguyện vọng trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, Nguyễn Quang Anh ở Hà Nội rất bất ngờ khi trước đó em đã trúng tuyển 3 nguyện vọng vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhưng đến khi mở tài khoản trên hệ thống của Bộ GD&ĐT kiểm tra thì chỉ còn trúng tuyển duy nhất một nguyện vọng. Các nguyện vọng còn lại lúc trước tưởng đỗ đã không còn trong danh sách trúng tuyển. Một số thí sinh khác cũng chung thắc mắc như Quang Anh nên khá lo lắng, băn khoăn.

Trả lời vấn đề này, GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho hay, đợt xét tuyển sớm của trường theo hai phương thức: xét tuyển kết hợp không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Phương thức này được công bố từ đầu tháng 7, trong khoảng thời gian Bộ GD&ĐT cho phép cập nhật thông tin của thí sinh lên hệ thống (kết thúc ngày 21/7).

Phương thức xét tuyển kết hợp sử dụng điểm thi công bố sau ngày này nên phải đến tháng 9, khi Bộ GD&ĐT mở cổng đăng ký thì nhà trường mới cập nhật được thông tin cho thí sinh. Vì vậy, thí sinh nếu trúng tuyển và muốn học thì chỉ cần đăng ký đó là nguyện vọng 1 vào trường là yên tâm.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội nhắc lại, mùa tuyển sinh năm trước, dù đã cảnh báo và tư vấn rất kỹ về tiêu chí phụ nhưng vẫn có nhiều thí sinh mắc lỗi và nếu nhà trường không xử lý kịp thời thì các em có thể bị trượt tất cả nguyện vọng.

Cụ thể, trong quá trình xét tuyển, lọc ảo 67 thí sinh đủ điểm để trúng tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng khi rà soát, hậu kiểm không đủ điều kiện về điểm trung bình học bạ THPT 6 học kỳ.

Về nguyên tắc, nhà trường có thể từ chối nhập học những thí sinh này vì chưa đủ điều kiện. Khi đó, các em sẽ không còn cơ hội trúng tuyển vào nguyện vọng kế tiếp. Nhưng ĐH Bách khoa Hà Nội đã có công văn gửi Bộ GD&ĐT ngay trong thời gian xét tuyển đợt 1, để hệ thống không xác định những thí sinh này trúng tuyển, tạo cơ hội xét tuyển ở những nguyện vọng kế tiếp.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)