Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tuyển sinh 2023: Dẹp ma trận phương thức xét tuyển

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn các trường rà soát các phương thức xét tuyển, loại bỏ những phương thức không phù hợp, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như gây khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Sẽ không xét tuyển sớm

Mới đây, tại giao ban trực tuyến về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) Bộ GD&ĐT cho biết, thống kê số liệu từ các phương thức tuyển sinh được các trường ĐH đưa ra trong năm 2022 cho thấy: Phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp vẫn chiếm ưu thế với thí sinh nhập học chiếm 52,3% tổng số thí sinh nhập học; phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ với số thí sinh nhập học chiếm 36,2%. 16 phương thức còn lại tỉ lệ thí sinh nhập học đều dưới 10% tổng số thí sinh nhập học.

Tuyển sinh 2023: Dẹp ma trận phương thức xét tuyển ảnh 1

Năm 2023, các phương thức tuyển sinh sẽ không còn “loạn”. Ảnh: Như Ý

Bộ GD&ĐT khẳng định, số liệu cho thấy, nhiều phương thức xét tuyển không hiệu quả, gây nhiễu loạn thông tin cho thí sinh, thậm chí gây mất công bằng.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, bộ tiếp tục nâng cấp, bổ sung chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn. Do đó, các trường hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn các phương thức khác nhau, một mặt đảm bảo hiệu quả và quan trọng nhất tuyển sinh phải đảm bảo tin cậy, công bằng giữa các thí sinh.

Theo bà Thủy, Bộ GD&ĐT rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh, trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT – tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.

Bà cho biết, tổng số thí sinh nhập học toàn quốc năm 2022 đạt xấp xỉ 80% tổng chỉ tiêu, trong đó 113 cơ sở đào tạo (50,4%) đã tuyển được trên 80% chỉ tiêu.

Theo bà Thủy, mùa tuyển sinh năm nay vẫn còn tồn tại, hạn chế, thí sinh gặp một số rắc rối trong quá trình thao tác trên hệ thống, nhiều nhất là chọn nhầm phương thức xét tuyển do một số trường đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển. Các em còn gặp khó khăn trong truy nhập hệ thống thanh toán lệ phí trực tuyến.

“Đặc biệt, có gần 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. Đây là con số cần phải nghiên cứu”, bà Thủy nói.

Hướng tới không cần đăng ký phương thức xét tuyển

Về công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo, PGS Nguyễn Thu Thủy cho hay về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và hỗ trợ tốt hơn cho thí sinh trong quá trình xét tuyển.

GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội nhìn nhận, qua một số sai sót của thí sinh trong năm 2022, cần tăng cường hướng dẫn, giám sát dữ liệu của các Sở GD&ĐT, trường THPT. Đồng thời hướng dẫn thí sinh về quy tắc tuyển sinh để tránh những sai sót đáng tiếc. GS Tú đề xuất, lịch trình tuyển sinh năm 2023 trở lại như trước (trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19). Qua đó, tạo thuận lợi cho các trường trong công tác đào tạo.

Bà Thủy cho hay, các cơ sở giáo dục ĐH hoàn thiện Đề án tuyển sinh năm 2023. Lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, căn cứ kết quả tuyển sinh năm nay, các trường cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả phương thức tuyển sinh. Trên cơ sở đó, triển khai trong năm tới đạt hiệu quả hơn. Bộ sẽ làm việc với một số trường có dấu hiệu không bình thường về tuyển sinh.

Về những khó khăn, vướng mắc mà các cơ sở đào tạo có đề cập, Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp thu và từng bước hoàn thiện. Từ đó, tháo gỡ khó khăn cho các trường với những giải pháp khả thi.

Ông Sơn lưu ý các trường ĐH xem xét giảm phương thức tuyển sinh không hiệu quả. Đồng thời đề nghị các trường rà soát lại, phân tích kết quả tuyển sinh và kết quả học tập của sinh viên để có điều chỉnh trong năm 2023. “Cố gắng làm thế nào để đơn giản hóa cho thí sinh. Năm 2023 trên phần mềm, thí sinh không cần phải lựa chọn phương thức”, ông Sơn nói. Theo ông, thí sinh chỉ chọn ngành, chương trình đào tạo, hệ thống chung và hệ thống của các trường phải có cách lọc để thí sinh căn cứ đăng ký vào ngành sẽ tự động xét phương thức nào có cơ hội trúng tuyển cao nhất.

Bộ GD&ĐT cho biết, trong 3 năm liền, bốn lĩnh vực Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)