Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh bất cập làm học sinh bỏ học

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, bằng nhiều nguồn đầu tư, cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn TP.Cần Thơ đã có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, mỗi khi bước vào năm học mới vẫn phát sinh tình trạng bất cập làm cho học sinh phải bỏ học!
V.T.S chuyển từ quận Ô Môn về một trường THCS trên địa bàn quận Ninh Kiều là một ví dụ. S. chuyển hộ khẩu về quận Ninh Kiều do hoàn cảnh gia đình. Có hộ khẩu tại phường nhưng khi S. xin vào học trường THCS ở phường mình cư trú thì gặp phải nhiều khó khăn. Ngay hôm nộp hồ sơ vào trường, S. được hỏi: “Hồ sơ này do ai gửi?”. Điều đáng nói là quận Ninh Kiều nói riêng và cả TP.Cần Thơ nói chung đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS nhưng học sinh có yêu cầu chuyển trường vào học tại một trường THCS “bình thường” trên địa bàn quận Ninh Kiều cũng không dễ dàng(!?)
Tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2010-2011 ở TP.Cần Thơ với hai hình thức xét tuyển và thi tuyển. Những học sinh tham gia thi tuyển sẽ được 2 nguyện vọng: nguyện vọng 1 vào trường đăng ký dự thi; nguyện vọng 2 đăng ký vào học trường THPT khác trên địa bàn.
Cụ thể trên địa bàn quận Ninh Kiều, Trường THPT Châu Văn Liêm là trường đạt chuẩn quốc gia, lâu năm… nên thu hút học sinh khá, giỏi đăng ký dự thi vào lớp 10 rất nhiều. Ngược lại, Trường THPT Phan Ngọc Hiển chỉ là lựa chọn phụ của học sinh khá, giỏi. Trong khi điểm tuyển của Trường THPT Châu Văn Liêm là 25,5 điểm thì điểm tuyển của Trường THPT Phan Ngọc Hiển chỉ có 8,5 điểm – một sự chênh lệch khá lớn. Điều đáng nói là rất nhiều học sinh có điểm thi từ 20-24 điểm (cao hơn điểm chuẩn của Trường THPT Phan Ngọc Hiển khá nhiều) nhưng vẫn không được vào Trường THPT Phan Ngọc Hiển.
Được biết quan điểm của Trường THPT Phan Ngọc Hiển là ưu tiên cho những học sinh chọn nguyện vọng 1 vào trường từ đầu. Như vậy, có hàng loạt học sinh đạt trên điểm chuẩn tuyển sinh vào Trường THPT Phan Ngọc Hiển vẫn phải học trường dân lập hoặc bổ túc. Khách quan mà nói, khi chọn trường để thi, học sinh THCS khó đánh giá đầy đủ năng lực bản thân, bên cạnh đó là thi tuyển nên khó biết chắc mình có được vào học hay không (vì thế mới có nguyện vọng 2).
Đáng lo ngại hơn nữa là một số học sinh không đủ điểm vào nguyện vọng 1, còn nguyện vọng 2 thì không được nhận vào học sẽ có khả năng bỏ học.
Xã hội đang khuyến khích việc học, nhưng trong nhiều trường hợp cụ thể mà điển hình như đã nêu, khiến nhiều phụ huynh và học sinh méo mặt than: được học sao khó quá!
Bảo Ngọc

Bình luận (0)