Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh các lớp đầu cấp: Cách nào ngăn chặn việc… “chạy trường”?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đang giới thiệu về các trường THPT

Chiều 26-3, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức buổi họp báo nhằm thông báo một cách chi tiết việc tuyển sinh các lớp đầu cấp. Gần 30 câu hỏi đã đặt ra và được Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh trả lời khá chi tiết. Tuy nhiên có một câu hỏi vẫn còn bỏ lửng làm nhiều người băn khoăn: “Sở GD-ĐT thành phố có biện pháp gì trong việc “chạy trường” bằng cách “chạy hộ khẩu”?”.
“Chạy hộ khẩu”
Năm học 2008-2009, trong kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp vấn đề này đã được đặt ra, nhưng để triệt tiêu không phải là chuyện đơn giản. Dù UBND TP.HCM rất cương quyết trong việc “chạy trường” bằng nhiều biện pháp. Đến nay vẫn chưa thể thống kê bao nhiêu trường hợp chuyển hộ khẩu để được học đúng tuyến theo ý muốn – một hình thức “chạy trường”. Tại buổi họp duyệt tuyển sinh đầu cấp năm học 2009-2010, do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Ngai đã đặt vấn đề này với bà Thu Hà và mong UBND thành phố có biện pháp ngăn chặn. Như vậy, việc triệt tiêu tiêu cực “chạy trường” bằng hình thức “chạy hộ khẩu” ngoài tầm tay của ngành GD-ĐT. Chính vì thế, khi trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở GD-ĐT chỉ nói: “UBND thành phố sẽ giải quyết nếu có hiện tượng “chạy trường” bằng cách “chạy” hộ khẩu”. Theo quy định đối với học sinh vào lớp 1, hộ khẩu ở đâu thì học ở đó. Kẽ hở của quy định này tạo đất sống cho việc “chạy” hộ khẩu.
Triệt tiêu tiêu cực
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT: “Học sinh ở ngoại thành lại muốn vào học các trường ở các quận trung tâm; học sinh các quận trung tâm lại muốn học các trường tên tuổi. Chính điều này tạo nên hiện tượng “chạy trường”. Thành phố quy định không nhận học sinh trái tuyến. Trong khả năng, quyền hạn và trách nhiệm, Sở GD-ĐT cũng như hội đồng tuyển sinh các quận – huyện chắc chắn không để xảy ra hiện tượng tiêu cực “chạy trường”. Việc “chạy trường” là bài ca muôn thuở và muốn loại bỏ hiện tượng này không hẳn là không làm được. Bởi trình độ giáo viên giữa các quận – huyện hay giữa các trường với nhau không có độ chênh đáng kể. Chỉ cần đầu tư cơ sở vật chất trường lớp và trang thiết bị đồng đều, hiện tượng này không còn đất sống. Đơn cử một số trường, sau khi được xây mới, được đầu tư trang thiết bị số học sinh xin vào trường tăng đột ngột. Những trường ở ngoại thành như Mầm non Tuổi Ngọc (quận 8), Tiểu học An Phú (huyện Củ Chi), Tiểu học Hiệp Bình Phước (Thủ Đức), Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn và Nguyễn Công Trứ (quận 8) hay các quận ven như Mầm non Vành Khuyên (Thủ Đức) THCS Hoa Lư (quận 9)… là những minh chứng. Thậm chí, có một trường mầm non đang trong giai đoạn xây dựng nhưng phụ huynh đã tìm cách xin con vào trường. Họ chấp nhận để con họ chịu đựng học ở cơ sở ọp ẹp của chính ngôi trường này một thời gian, sau đó sẽ được học trong một ngôi trường mới!
Nhưng để xây mới hay sửa chữa, nâng cấp các trường học không nằm trong quyền hạn của ngành GD-ĐT mà của nhiều sở ngành khác. Năm 2003, Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo các quận huyện quy hoạch đất đai xây dựng trường lớp. Không biết hơn 5 năm việc thực hiện chỉ đạo này đã đến đâu? Huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh đất mênh mông nhưng vẫn thiếu trường lớp? Trong khi huyện Củ Chi, quận 7 xây mới nhiều trường rất hoành tráng và hiện đại.
Các quận huyện tuyển dụng giáo viên
Năm học 2008-2009, dù Sở GD-ĐT tổ chức hai lần tuyển dụng giáo viên nhằm cung ứng cho các quận huyện với con số hàng ngàn người, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ. Để giải quyết khâu này, một số huyện như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và quận Thủ Đức đã liên kết đào tạo với Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Thêm vào đó, năm học 2009-2010, Sở GD-ĐT giao việc tuyển dụng giáo viên các bậc từ mầm non đến THCS cho các quận huyện nên tình trạng thiếu giáo viên hy vọng khắc phục.
Cuối buổi họp, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Ngai trao đổi với các nhà báo trong việc khuyên học sinh chọn đăng ký 3 nguyện vọng vào lớp 10. Thầy Ngai nói: “Việc chọn trường để đăng ký 3 nguyện vọng các em chú ý đến cự ly giữa nơi ở với trường đăng ký, dựa vào sức học và cần nghiên cứu điểm chuẩn vào lớp 10 của các trường để có lựa chọn tốt nhất”. Giám đốc Huỳnh Công Minh nhấn mạnh: “Sở GD-ĐT sẽ chuyển bảng giới thiệu các trường THPT công lập, các TTGDTX nằm trên địa bàn TP.HCM đến tất cả học sinh lớp 9. Bảng giới thiệu này khái quát tương đối khá rõ chất lượng đào tạo mỗi trường cho phụ huynh tham khảo để có sự chọn lựa và đăng ký nguyện vọng phù hợp”.
T.T.Q

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)