Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh CĐ 2017: Nhiều quy định không cần thiết

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều quy định dự kiến áp dụng đối với tuyển sinh CĐ năm 2017 được các trường cho là không cần thiết như: xét tuyển quanh năm, áp dụng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, thí sinh được rút hồ sơ chuyển đổi nguyện vọng, điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước…

Thí sinh làm thủ tục đăng ký xét tuyển vào CĐ năm học trước

Những quy định này nằm trong Dự thảo quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ TC, CĐ mà Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố. Theo một số trường, đây đều là những điều mà Bộ GD-ĐT đã gỡ bỏ do không hiệu quả.

Chỉ cần tuyển từ tháng 6 đến tháng 12

Dự thảo cho phép các trường CĐ tổ chức một hoặc nhiều đợt tuyển sinh trong năm nhưng thực tế các năm qua, có trường chỉ sử dụng phân nửa thời gian này đã tuyển đủ và cũng có trường ngưng tuyển trước thời hạn dù không đạt chỉ tiêu do… khan hiếm thí sinh.

Ông Phan Bửu Toàn (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn) chỉ ra, từ trước đến nay các trường CĐ nghề đều đã được tuyển sinh nhiều đợt trong năm. Tuy nhiên, thực tế nhà trường chỉ xét tuyển từ tháng 6 và “chốt sổ” vào tháng 10, do những tháng còn lại… không có người học.

Theo ông Toàn, thay vì chỉ tổ chức đào tạo một khóa trong năm như trước thì gần đây trường thực hiện song song 2 khóa, các khóa này sẽ tốt nghiệp cách nhau vài tháng. Với cách này, nhà trường vất vả hơn, các bộ phận phòng, khoa phải cùng theo dõi tiến độ của 2 khóa khác nhau chứ không chỉ một như trước kia, tuy nhiên phù hợp với tình hình tuyển sinh nhiều đợt.

Trong khi đó, TS. Trần Mạnh Thành (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt) đề xuất “gom” thời gian tuyển sinh từ tháng 6 đến tháng 12 đối với CĐ vì tuyển quanh năm sẽ phân tán thí sinh, khó tập trung đào tạo hay tổ chức lớp. Theo ông Thành, ngay cả quy định cũ của Bộ GD-ĐT trước đây, trường CĐ được tuyển đến hết tháng 11 nhưng nhiều trường vẫn không thể kéo dài tới hạn chót do cạn nguồn tuyển.

Không nên có điểm sàn CĐ

Các trường cũng điểm qua nhiều quy định được cho là không cần thiết (thực tế, Bộ GD-ĐT đã áp dụng trước đây và gỡ bỏ do không hiệu quả) như: áp dụng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước; thí sinh được rút hồ sơ chuyển đổi nguyện vọng trong quá trình xét tuyển; các trường cập nhật dữ liệu, 3 ngày một lần công bố danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển theo kết quả thi từ cao xuống thấp; chỉ đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tại trường…

Nên thêm xét tuyển trực tuyến

TS. Trần Mạnh Thành (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt) đề nghị bổ sung thêm hình thức xét tuyển trực tuyến nhằm hạn chế đi lại, tốn kém cho người học thay vì chỉ cho phép nộp trực tiếp và qua bưu điện như trong dự thảo. Trước đây, Bộ GD-ĐT cũng chỉ “bó buộc” ở 2 hình thức này, sau đó đã bổ sung thêm nộp trực tuyến.

Đại diện một trường CĐ nghề nhìn nhận, từ trước đến nay các trường CĐ nghề vẫn tuyển sinh và đào tạo không có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, ngay cả Bộ GD-ĐT năm ngoái cũng đã bỏ sàn CĐ. Không ấn định điểm sàn, các trường sẽ tuyển sinh thuận lợi hơn.

Ông Phan Bửu Toàn nhận định, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ tổ chức dưới dạng các bài thi tổ hợp, trong đó có chú trọng đánh giá năng lực học sinh. Các em vượt qua kỳ thi này đã có thể đáp ứng được việc học CĐ. Do vậy, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào không nhất thiết phải quy định mức điểm 5,5 mà chỉ cần tốt nghiệp THPT là phù hợp.

Đồng quan điểm, TS. Trần Mạnh Thành đề cập thêm: “Năm ngoái, Bộ GD-ĐT cũng đã bỏ quy định điểm sàn đối với xét CĐ, chỉ áp dụng đối với bậc ĐH. Bên cạnh đó, bộ cũng bỏ quy định điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn đợt trước. Trong điều kiện như vậy mà nhiều trường còn “thoi thóp” không tuyển đủ, nếu giờ quy định trở lại các trường sẽ rất khó khăn”.

Vấn đề thí sinh được phép rút hồ sơ chuyển đổi nguyện vọng trong quá trình xét tuyển, theo ông Thành, sẽ gây ra những xáo trộn mặc dù không nhiều như trước. Nhất là những trường hằng năm có lượng người học đăng ký đông, thí sinh cứ rút ra nộp vào liên tục, việc kiểm soát sẽ rất vất vả.

“Bên cạnh đó cũng nên hết sức cân nhắc việc thống kê từ trên xuống danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển vì hoạt động này có thể gây rối, tăng áp lực cho người học trong khi toàn bộ số em đăng ký chưa chắc em nào cũng thực sự nhập học”, ông Thành nói.

Bài, ảnh: Mê Tâm

Bình luận (0)