Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh đại học 2020: Bộ GD-ĐT xác định điểm sàn ngành sư phạm, y dược

Tạp Chí Giáo Dục

Không giới hạn nguyện vọng

Ngày 8-5, Bộ GD-ĐT công bố quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2020, trong đó, vẫn không giới hạn số lượng nguyện vọng thí sinh đăng ký như mọi năm.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm trước

Bộ GD-ĐT xác định điểm sàn ngành sư phạm, y dược

Về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, căn cứ kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định. Cụ thể, căn cứ phương thức tuyển sinh, các trường xác định và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trong đề án tuyển sinh. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do các trường quy định phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Giám đốc ĐH, học viện, hiệu trưởng trường ĐH, CĐ tuyển sinh ngành giáo dục mầm non (gọi chung là hiệu trưởng) chịu trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với Bộ GD-ĐT, cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan.

Không dùng hơn 4 tổ hợp để xét một ngành

Việc công bố các tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc: Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi toán, ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo. Không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp). Hiệu trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định tổ hợp tuyển sinh.

Các trường, ngành có thi năng khiếu sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi/môn thi toán hoặc ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển. Tùy yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.

Không giới hạn nguyện vọng

Theo quy chế, thí sinh được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký… Đối với mỗi thí sinh, nếu ĐKXT vào nhiều trường/ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Thí sinh ĐKXT vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ngoài các quy định này còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ liên quan.

Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của tổ hợp xét tuyển, cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định và được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.

Tổ chức thi riêng phải tuân thủ các yêu cầu bảo đảm chất lượng

Theo quy chế, các trường tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, bao gồm thi các môn văn hóa hoặc thi đánh giá năng lực hay hình thức thi khác… phải tuân thủ các yêu cầu bảo đảm chất lượng sau:

a) Có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh.

b) Đảm bảo về cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn đáp ứng yêu cầu để tổ chức tốt kỳ thi riêng, bao gồm từ lãnh đạo bộ phận chuyên trách, cán bộ xây dựng cấu trúc đề thi, cán bộ phát triển câu hỏi và ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa/tự luận, cán bộ chấm thi, cán bộ đánh giá, thẩm định các tham số của câu hỏi thi và đề thi, đến các cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên.

c) Xây dựng được cấu trúc đề thi phù hợp cho tuyển sinh ĐH; công bố trước khi thí sinh đăng ký dự thi ít nhất là 15 ngày. Nội dung các câu hỏi thi đánh giá được các năng lực cốt lõi để học tập ở bậc ĐH của thí sinh, không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục, văn hóa của Việt Nam. Trong đó nội dung các câu hỏi để đánh giá trình độ văn hóa phải nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT.

d) Đảm bảo ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa/tự luận đủ lớn để tổ chức thi, có giải pháp đảm bảo sự tương đương của các đề thi và phải thực hiện quy trình để đảm bảo đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi được bảo mật trước, trong và sau khi thi.

e) Đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kỳ thi, phù hợp với quy mô và hình thức tổ chức thi…

Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác trong các đợt tiếp theo (nếu có).

Các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin điện tử của trường trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển ít nhất 15 ngày. 

Trước ngày cuối của tháng 3, tháng 6, tháng 9, tháng 12 và theo lịch tuyển sinh đợt 1, các trường phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển lẫn danh sách thí sinh nhập học theo tất cả các phương thức lên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT để loại số thí sinh đã nhập học này ra khỏi danh sách xét tuyển các đợt tiếp theo.

Mê Tâm

Bình luận (0)