Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh đại học 2020: Chỉ dùng tối đa 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành

Tạp Chí Giáo Dục

Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng với ngành giáo viên mầm non, dù dựa vào kết quả thi THPT quốc gia hay không, các trường cũng chỉ được dùng tối đa 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành.

Tư vấn tuyển sinh tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2019 – Ảnh Lê Anh Hoa

Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Đây là quy chế tuyển sinh hợp nhất các loại hình đào tạo, gồm tuyển sinh đạo tạo chính quy, tuyển sinh đào tạo vừa làm vừa học, bằng thứ 2, chương trình tiên tiến, chất lượng cao, theo đặt hàng, liên thông. Quy chế này không áp dụng đối với việc tuyển sinh đi học nước ngoài, đào tạo từ xa.
Về cơ bản, quy chế tuyển sinh năm 2020 giữ ổn định như thời gian qua, kể từ năm 2017. Nét mới nổi bật của quy chế là các trường có đào tạo ngành giáo viên sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp với ngành này nữa; ngay cả với trình độ cao đẳng, cũng chỉ tuyển sinh ngành giáo viên mầm non.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục – Đào tạo), quy định này được dự thảo quy chế đưa vào nhằm phù hợp với Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ ngày 1.7.2020. Ngoài ra, có một số quy định tuy đã được áp dụng từ các năm qua, nhưng trong dự thảo quy chế này đã được diễn đạt chặt chẽ, tường minh hơn.

Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định "điểm sàn" của khối ngành sức khỏe, sư phạm

Theo dự thảo quy chế, các trường chỉ tuyển sinh khi đáp ứng đủ các điều kiện được phép đào tạo theo quy định hiện hành.
Căn cứ phương thức tuyển sinh mà trường lựa chọn, các trường xác định và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (thường gọi là "điểm sàn") trong đề án tuyển sinh, trừ nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên do Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do các trường quy định phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh. Các trường chịu trách nhiệm giải trình với Bộ Giáo dục – Đào tạo và xã hội về chất lượng đầu vào do trường quy định.
Tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh các hình thức, loại hình đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường và trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục – Đào tạo trước 10.3 hàng năm và chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án. Việc tuyển sinh của các trường được thực hiện theo đề án tuyển sinh đã công bố, phù hợp với quy định hiện hành.
Đề án tuyển sinh của trường phải đảm bảo một số yêu cầu, trong đó phải cung cấp đầy đủ các thông tin về tuyển sinh và các điều kiện đảm bảo chất lượng (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo, tỉ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong một năm kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất so với năm tuyển sinh).
Trong đề án phải nêu rõ quy định chỉ tiêu tuyển sinh theo các hình thức tuyển sinh khác nhau (nếu có); ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo; quy định rõ về việc trường có sử dụng hay không sử dụng kết quả miễn thi bài thi môn ngoại ngữ, điểm thi được bảo lưu theo quy định tại quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh

Các trường có quyền lựa chọn phương thức tuyển sinh cho đơn vị mình, nhưng phải nói rõ về từng phương án trong đề án tuyển sinh. Các trường tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT quốc gia; các trường có thủ tục sơ tuyển, tổ chức thi đánh giá năng lực, tổ chức thi năng khiếu và các hình thức thi khác kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, đều phải thực hiện quy trình xét tuyển mà Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định.
Với những trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, nếu sử dụng kết quả thi tuyển sinh của trường khác hoặc của tổ chức khảo thí uy tín trên thế giới để xét tuyển thì phải quy định cụ thể trong đề án tuyển sinh của trường. Những trường này có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một ngành hoặc nhóm.
Nếu tuyển sinh không dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, các trường phải đảm bảo các yêu cầu sau: không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi; đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch trong tuyển sinh; không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội.
Các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh; thực hiện các quyền và nhiệm vụ tương ứng với từng phương thức mà Bộ Giáo dục – Đào tạo đã quy định.

Mỗi tổ hợp tuyển sinh đều phải có ít nhất 1 môn văn hoặc toán

Dù tuyển sinh theo phương thức nào thì trường đều phải thực hiện việc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển theo các nguyên tắc sau:
Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong 2 bài thi/môn thi toán hoặc ngữ văn để xét tuyển;
Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp);
Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi toán, ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.
Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.

Quý Hiền (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)