Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tuyển sinh đại học 2022: Biết điểm chuẩn, thí sinh phải làm gì để trúng tuyển?

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi biết điểm chuẩn các phương thức tuyển sinh riêng, thí sinh cần thực hiện những bước tiếp theo trong quy trình xét tuyển để chính thức trúng tuyển đại học (ĐH) năm nay.

Tuyển sinh đại học 2022: Biết điểm chuẩn, thí sinh phải làm gì để trúng tuyển? - ảnh 1

Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH đã công bố điểm chuẩn (còn gọi là điểm đủ điều kiện trúng tuyển, trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) của các phương thức xét tuyển sớm. Các phương thức này xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, kết quả các chứng chỉ quốc tế, kỳ thi riêng do trường tổ chức…

Tuy nhiên, những thí sinh đạt đủ điểm chuẩn, muốn chính thức trúng tuyển vào trường vẫn cần thực hiện thêm những bước trong quy trình xét tuyển. Những bước này đã được các trường thông báo rõ khi công bố điểm chuẩn.

Ba bước cần làm để chính thức trúng tuyển

Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), lưu ý những bước thí sinh cần làm để chính thức trúng tuyển:

Thứ nhất, thí sinh tra cứu kết quả đủ điều kiện trúng tuyển vào từng ngành và chương trình, làm theo hướng dẫn của trường cho tới khi xác nhận nhập học. Danh sách đủ điều kiện trúng tuyển sẽ được nhà trường cập nhật lên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT. Thí sinh có thể theo dõi thông báo hướng dẫn của trường qua các kênh khác nhau.

Thứ hai, thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT và chỉ chính thức trúng tuyển khi được công nhận tốt nghiệp THPT năm 2022, đồng thời đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các trường có quy định riêng.

Thứ ba, thí sinh cần thực hiện việc đăng ký và sắp xếp lại nguyện vọng xét tuyển theo quy chế tuyển sinh trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thời gian thực hiện đăng ký xét tuyển nguyện vọng từ ngày 22.7 đến 17 giờ ngày 20.8. Nếu thí sinh nằm trong danh sách đủ điều kiện trúng tuyển và muốn nhập học ở phương thức nào thì đăng ký là “Nguyện vọng 1” trên hệ thống.

Cần lưu ý, nếu muốn chính thức trúng tuyển vào ngành đã dự kiến trúng tuyển thì thí sinh phải đăng ký đúng ngành học và phương thức đã đủ điều kiện trúng tuyển. Nếu muốn thay đổi ngành học thì phải đăng ký xét tuyển nguyện vọng ở những phương thức còn thời hạn xét tuyển, chẳng hạn Trường ĐH Kinh tế – luật thì chỉ còn phương thức 3 xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022.

Tuyển sinh đại học 2022: Biết điểm chuẩn, thí sinh phải làm gì để trúng tuyển? - ảnh 2

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học bằng điểm học bạ. Đ.N.T

Lưu ý gì khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển?

Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, lưu ý thêm về việc đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển.

Cụ thể, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trong thời gian từ ngày 22.7 đến 17 giờ ngày 20.8.

Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD-ĐT hoặc trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý thông tin (nhập, sửa, xem) thông tin của thí sinh trên hệ thống.

Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các cơ sở đào tạo được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Thí sinh cần nắm rõ mã phương thức xét tuyển và tên phương thức xét tuyển ở từng trường.

Tất cả các nguyện vọng xét tuyển của thí sinh theo các phương thức xét tuyển của cơ sở đào tạo được xử lý trên hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi đảm bảo điều kiện trúng tuyển.

Riêng với thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp nhưng chưa thực hiện đăng ký thông tin cá nhân trên hệ thống, cần thực hiện đăng ký để được cấp tài khoản sử dụng cho việc đăng ký xét tuyển.

Cụ thể, từ ngày 12.7 đến ngày 18.7, thí sinh tự do phải thực hiện: tải mẫu phiếu đăng ký thông tin cá nhân và kê khai thông tin trên phiếu; nộp phiếu tại điểm tiếp nhận theo quy định và hướng dẫn của sở giáo dục và đào tạo nơi thí sinh thường trú để nhận thông tin tài khoản. Từ tài khoản này thí sinh thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển, xác nhận nhập học và các yêu cầu khác (nếu có) theo quy định tuyển sinh hiện hành của Bộ GD-ĐT.

Theo Hà Ánh/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)