Ở khu vực phía Bắc, có 3 cơ sở giáo dục ĐH công bố điểm chuẩn bằng phương thức xét tuyển học bạ là Trường ĐH Luật Hà Nội, Trường ĐH CMC và Học viện Phụ nữ Việt Nam. Trong đó, điểm chuẩn phương thức xét tuyển học bạ của Trường ĐH Luật Hà Nội ngành có điểm chuẩn cao nhất là Luật Kinh tế (tổ hợp A01) với 30,30 điểm; thấp nhất là ngành Luật (đào tạo tại Phân hiệu Đắk Lắk) với 22,43 điểm (tổ hợp C00). Các ngành còn lại dao động từ 22,53 đến 28,73 điểm.
Thí sinh có nhiều lựa chọn xét tuyển sớm, trường ĐH lo ảo. Ảnh: Mạnh Thắng
Trường ĐH CMC điểm chuẩn từ 22 – 23,5 điểm. Học viện Phụ nữ Việt Nam ngành có điểm trúng tuyển cao nhất theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT là ngành Truyền thông đa phương tiện với mức 25 điểm, các ngành còn lại điểm chuẩn từ 18 – 22 điểm.
Khu vực phía Nam đã có 13 cơ sở giáo dục ĐH công bố điểm chuẩn. Trường ĐH Văn Lang có điểm chuẩn từ 18 – 24 điểm tùy ngành học. Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn điểm chuẩn các ngành là 18-19 điểm. Đặc biệt có trường điểm chuẩn học bạ chỉ ở mức 5 điểm/môn như Trường ĐH Hùng Vương TPHCM chỉ 15 điểm/tổ hợp đối với tất cả các ngành đào tạo.
Trường hợp xét tuyển theo thang điểm khác thang điểm 30, cơ sở đào tạo phải xác định mức điểm ưu tiên tương ứng như thang điểm 30 theo quy chế tuyển sinh. Cơ sở đào tạo quy định các tiêu chí phụ đối với thí sinh có năng lực vượt trội (nếu có) phải đảm bảo điểm trúng tuyển không lớn hơn 30 điểm, bao gồm điểm ưu tiên, điểm thưởng (nếu có). Như vậy, với quy định mới, từ năm 2023 sẽ không có thí sinh có điểm xét tuyển vượt quá 30, các ngành điểm cao việc cạnh tranh sẽ công bằng hơn.
Đại diện Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết, mức điểm trúng tuyển có 3 thành phần điểm gồm: điểm học bạ, điểm ưu tiên và điểm khuyến khích. Nhà trường đã tịnh tiến điểm ưu tiên khu vực theo văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, để bảo đảm không thí sinh nào quá 30 điểm. Tuy nhiên, trường lại có điểm khuyến khích, điểm khuyến khích không phải điểm ưu tiên, do vậy thí sinh trên 30 điểm do có điểm khuyến khích.
Về phía Bộ GD&ĐT, đại diện Vụ Giáo dục ĐH khẳng định, dù các trường tuyển sinh bằng phương thức nào, cộng điểm ưu tiên, khuyến khích ra sao, năm nay, bắt buộc điểm trúng tuyển phải quy về thang 30 và không được phép vượt ngưỡng 30/30 điểm.
Do đó, đại diện Trường ĐH Hà Nội cho biết sau khi kiểm tra lại công văn hướng dẫn tuyển sinh, cách hiểu tính điểm ưu tiên, điểm thưởng ban đầu của nhà trường chưa đúng với hướng dẫn của Bộ. Trường đã hạ điểm chuẩn ngành Luật kinh tế của tổ hợp xét tuyển A01 từ 30,3 xuống 30 điểm.
Trường ĐH có chỉ tiêu tăng bất thường
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại đề án tuyển sinh 2023 của Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM có nhiều điểm bất thường, lệch pha so với các trường ĐH khác. Cụ thể, bản đề án của Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM dài 31 trang và không có một dòng nào công khai danh sách giảng viên, cơ sở vật chất của trường. Trong khi đó, từ những năm trước, Bộ GD&ĐT yêu cầu khi công bố đề án tuyển sinh, các trường ĐH phải thực hiện 3 công khai: đội ngũ, cơ sở vật chất và tài chính.
Mặt khác, cũng tại đề án tuyển sinh năm nay của Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến đã tăng phi mã so với hai năm gần đây. Năm 2021, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM là 1.610 và có 1.812 thí sinh trúng tuyển nhập học. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 của trường là 5.050.
Tuy nhiên, sở dĩ năm 2021 chỉ tiêu của trường thấp là do năm 2020 trường tuyển vượt gần gấp đôi so với chỉ tiêu (chỉ tiêu 2.868, tuyển 4.506) nên bị Bộ GD&ĐT xử phạt, buộc phải cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021. Năm 2022, trường được tăng chỉ tiêu bình thường. Nhưng sau 1 năm, chỉ tiêu năm nay của trường lại dự kiến tăng gấp đôi với trên 10.000 chỉ tiêu. Riêng ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng năm nay của trường cao hơn tổng chỉ tiêu của toàn trường năm 2022 với 5.480 chỉ tiêu (tăng gần 8 lần chỉ tiêu ngành này năm 2022).
Việc chưa công khai danh sách giảng viên, cơ sở vật chất trong khi chỉ tiêu tăng phi mã đã khiến dư luận đặt nghi ngờ về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của trường.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD&ĐT cho biết đã yêu cầu nhà trường rà soát lại tất cả thông tin và có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT. Nếu cần thiết, Bộ sẽ thanh kiểm tra nhà trường.
Những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục ĐH gặp khó khăn trong tuyển sinh. Năm 2022, điểm chuẩn của Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM đã “rơi tự do” đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT khi có những ngành giảm tới 10 điểm, trong đó có cả ngành "hot" như Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. |
Bình luận (0)