Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây (Vĩnh Long) năm nay tuyển sinh 19 ngành. Theo thông báo về điểm xét tuyển của trường thì tất cả 19 ngành đều lấy điểm sàn là 14 điểm, tương đương mỗi môn đạt 4,6 điểm.
Tại Trường ĐH Kiên Giang, ngoại trừ các ngành đào tạo giáo viên theo quy định của Bộ GD&ĐT có điểm sàn tối thiểu là 19 điểm, các ngành còn lại trường lấy điểm sàn là 14 điểm. 14 điểm/tổ hợp 3 môn thi cũng là điểm sàn của 17 ngành học tại Trường ĐH Kinh tế – Kỹ thuật Bình Dương. Riêng ngành Dược học, điểm sàn theo quy định của Bộ GD&ĐT. Như vậy, 14 điểm là mức điểm sàn thấp nhất đến thời điểm hiện tại, tức chưa đầy 5 điểm mỗi môn, chủ yếu là các trường đại học địa phương.
Thí sinh được các chuyên gia tư vấn tuyển sinh tại ngày hội tìm hiểu ngành nghề, phương thức xét tuyển Ảnh: Nguyễn Dũng
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Trường ĐH Dầu khí Việt Nam (Bà Rịa – Vũng Tàu), Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, Trường ĐH Tài chính – Kế toán (Quảng Ngãi)… có nhiều ngành dù lấy điểm sàn xét tuyển là 15, song bao gồm điểm ưu tiên khu vực, đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT nên với điểm thi chưa đầy 5 điểm mỗi môn, thí sinh vẫn đủ điều kiện nộp hồ sơ.
Trong khi đó, ngành Sư phạm Toán học (Trường ĐH Sài Gòn) hiện có điểm sàn cao nhất cả nước với 24,5 điểm. Đây là tổng điểm ba môn theo tổ hợp xét tuyển (không nhân hệ số), cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng (nếu có). Tiếp theo là một số ngành ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM), Trường ĐH Luật TPHCM, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Ngoại thương… lấy mức điểm sàn 24 điểm.
Ở tốp giữa, ngoại trừ điểm sàn theo quy định của Bộ GD&ĐT với khối ngành sức khỏe (19 – 22,5), các trường công lập như Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TPHCM) lấy điểm sàn tất cả các ngành 22 điểm; Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM… điểm sàn ngành cao nhất là 22 điểm; Trường ĐH Kinh tế – Luật TPHCM, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Trường ĐH Kiến trúc TPHCM điểm sàn ngành học cao nhất 21 điểm; Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Mở TPHCM, Trường ĐH Công Thương TPHCM, Học viện Hàng không Việt Nam ngành cao nhất có điểm sàn 20 điểm…
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia đến 17 giờ ngày 30/7.
Theo thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, đây là giai đoạn khó khăn đối với các thí sinh đứng trước ngưỡng cửa phải ra quyết định. “Nhiều thí sinh vẫn chưa thực sự hiểu rõ về điểm sàn và điểm chuẩn của các trường, dẫn đến băn khoăn về cơ hội trúng tuyển khi điểm của mình chỉ vừa bằng điểm sàn. Bên cạnh đó, một số em còn băn khoăn lựa chọn ngành học, trường học giữa các phương thức trúng tuyển sớm với xét điểm thi tốt nghiệp THPT…”, ông Tư nói.
Để tránh trượt oan, ông Tư nhắc nhở thí sinh nhất định không được chủ quan. Sau khi hoàn tất quy trình lần 1, các em nên thoát phần mềm và đăng nhập lại để kiểm tra toàn bộ thông tin một lần nữa rồi mới bấm vào kết thúc quy trình…
Theo Nguyễn Dũng/ TPO
Bình luận (0)