Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh đại học các năm tới sẽ ra sao?

Tạp Chí Giáo Dục

Dù chưa có những phương án cụ thể nhưng các trường đại học đều chủ động lên kế hoạch tuyển sinh khi có những thay đổi về kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn sau năm 2021.
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2020, một trong những phương thức xét tuyển của nhiều trường đại học  /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2020, một trong những phương thức xét tuyển của nhiều trường đại học. ĐÀO NGỌC THẠCH
Xu thế đa phương thức
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: “Vấn đề nhiều người quan tâm là những năm tới kỳ thi tuyển sinh ĐH sẽ ra sao? Theo tôi, cách thức tuyển sinh các trường vẫn sẽ chủ động và theo xu thế đa phương thức như năm 2020”.
Cụ thể, theo ông Thắng, một số trường tiếp tục thực hiện các kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Sử dụng kết quả học tập THPT sẽ là cách được nhiều trường lựa chọn với tỷ trọng lớn chỉ tiêu. Tuy nhiên, ông Thắng vẫn cho rằng một số trường đòi hỏi tố chất đặc biệt của người học rất cần thiết có cách đánh giá riêng để tuyển đúng người, chẳng hạn như các trường đào tạo khối ngành sức khỏe liên quan đến sức khỏe con người, ngành đào tạo giáo viên hay các ngành khoa học kỹ thuật mũi nhọn…
Riêng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ông Thắng hình dung năm 2021 sẽ tiếp tục tuyển sinh dựa vào các phương thức đã ổn định những năm gần đây như: ưu tiên xét tuyển, kết quả đánh giá năng lực… Trường vẫn áp dụng những phương thức tuyển mà tất cả thí sinh đều có khả năng tham dự, như kỳ thi tốt nghiệp.
Đồng quan điểm này, PGS-TS Vũ Đức Lung, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cũng cho rằng các trường ĐH sẽ chủ động trong phương án tuyển sinh, có khả năng tiếp tục sử dụng nhiều cách thức tuyển trong năm tới.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng dự kiến sẽ tăng tỷ lệ xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT lên khoảng 30%. Đồng thời giảm tỷ lệ xét điểm thi tốt nghiệp THPT còn khoảng 60% và xét tuyển các phương thức khác 10%.
Vẫn giữ các cách tuyển sinh hiệu quả
Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trường đã xây dựng phương án tuyển sinh theo lộ trình các năm tới. Tuy nhiên, trong thời điểm này chưa thể công bố vì phương án còn phải trình lên Hội đồng trường xem xét, thông qua.
Tuy nhiên, thạc sĩ Quốc cho biết dù phương án tuyển sinh có thay đổi ra sao, thí sinh cứ an tâm vì việc tuyển sinh của trường luôn xây dựng những phương thức xét tuyển phù hợp với môi trường của học sinh hiện nay. Dự kiến việc tuyển thẳng vẫn phải giữ nguyên để các em có học lực xuất sắc có thể học khối ngành sư phạm. Việc xét tuyển học bạ qua 2 năm gần đây cũng sẽ được xem xét để đánh giá chất lượng nguồn tuyển ra sao, từ đó có quyết định duy trì hay không. Trên bình diện của trường, việc tuyển sinh sẽ không có sự thay đổi lớn.
Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, trường có phương thức xét tuyển theo kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM nên đã có cách xét tuyển yên tâm về chất lượng đầu vào.
Có thể tổ chức kỳ thi riêng
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trong năm nay, từ trường công đến tư đang áp dụng phương thức xét tuyển học bạ và xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Nhiều khả năng trong năm sau, hai phương thức tuyển sinh này vẫn sẽ được các trường sử dụng.
“Ngoài ra, các trường có truyền thống về khoa học cơ bản có thể sẽ có kỳ thi riêng vì đã có thuận lợi về giáo viên các môn thi. Các trường không mạnh về mặt này vẫn phải xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Vì theo quy định của Bộ GD-ĐT hiện nay thì để tổ chức thi riêng, các trường ĐH phải đáp ứng điều kiện khá ngặt nghèo”, tiến sĩ Quốc Anh chia sẻ.
Theo Hà Ánh – Đăng Nguyên/TNO

 

Bình luận (0)