TS. Nguyễn Đức Nghĩa |
Thời gian cho kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009 đang đến gần, Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Đức Nghĩa (ảnh), Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM và là Ủy viên Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009 một số vấn đề liên quan đến kỳ tuyển sinh sắp tới.
PV:Thưa TS, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ theo phương thức 3 chung đã được thực hiện từ năm 2002, đến nay đã được 8 năm. Không biết trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009 sắp tới có điểm gì mới?
TS. Nguyễn Đức Nghĩa: Theo kết luận của Thứ trưởng thường trực Bành Tiến Long sau Hội nghị tuyển sinh 2009 được tổ chức vào ngày 8-1-2009 vừa qua thì về cơ bản công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 vẫn giữ ổn định theo giải pháp 3 chung như năm 2008. Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả và kinh nghiệm của những kỳ tuyển sinh “3 chung” trước đây, trong kỳ tuyển sinh 2009 này cũng có một số điểm mới như sau:
1. Khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh (đối với các trường đóng tại các vùng dân tộc thiểu số và các trường được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương).
– Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1,0 điểm, nhưng không quá 1,5 điểm, để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết.
– Đối với các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 điểm, nhưng không quá 1,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao.
2. Cấu trúc đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT. Đề thi được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
a) Đối với các môn: toán, vật lí, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lí, đề thi mỗi môn gồm 2 phần:
– Phần chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao;
– Phần riêng ra theo từng chương trình: chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài; thí sinh nào làm cả hai phần riêng thì bài làm bị coi là phạm quy, cả 2 phần riêng đều không được chấm. Chỉ chấm điểm phần chung.
b) Đối với các môn ngoại ngữ: đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng.
3. Điều kiện dự thi:
Đã tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề và tương đương (gọi chung là THPT).
4. Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, công bố công khai mức thu học phí hàng tháng đối với khóa tuyển sinh năm 2009 (hoặc năm học, khóa học) trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2009.
Cùng với những điểm thay đổi mới sẽ áp dụng trong thực tế đó, một số thông tin về thay đổi trong tuyển sinh đã được đưa ra trước đây, ví dụ như học sinh tốt nghiệp trung học nghề không được dự thi ĐH, không tổ chức kỳ thi CĐ… thì hiện nay sẽ thực hiện như thế nào, ông có thể giải thích rõ hơn?
-Một số thông tin dự kiến được tung ra trước đây nay cũng được trả lời rõ ràng hơn, ví dụ như:
* Theo qui chế tuyển sinh mới vừa ban hành ngày 4-2-2009, học sinh tốt nghiệp trung học nghề vẫn được đăng ký dự thi, điều này phủ định một số thông tin trước Hội nghị tuyển sinh rằng các học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề không được đăng ký dự thi ĐH.
* Vẫn tổ chức kỳ thi cao đẳng vào đợt thứ ba ngày 15 và 16-7-2009. Điều này có nghĩa là việc xét tuyển vào các trường CĐ không tổ chức thi hoặc còn thiếu chỉ tiêu có thể dựa trên kết quả thi ĐH của hai đợt thi đầu hoặc kết quả của chính đợt thi CĐ, miễn là điểm thi của thí sinh đạt các yêu cầu về điểm sàn và điểm xét tuyển của từng đợt thi và khối thi.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2008 tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai |
* Một điểm cũng cần lưu ý nữa về đề thi, đó là ngoại trừ môn ngoại ngữ chỉ có một phần chung dành cho tất cả các học sinh, không có phần riêng; nhưng đối với các môn thi tuyển sinh còn lại: toán, vật lí, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lí, đề thi mỗi môn gồm 2 phần:
– Phần chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao;
– Phần riêng ra theo từng chương trình: chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài; thí sinh nào làm cả hai phần riêng thì bài làm bị coi là phạm quy, cả 2 phần riêng đều không được chấm, chỉ chấm điểm phần chung. Riêng về đề thi, Cục Khảo thí cũng đã công bố cấu trúc đề thi các môn thi tuyển sinh ĐH-CĐ và đã được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
* Về khung điểm ưu tiên, việc thay đổi khung điểm ưu tiên này thật ra không phải là một sự thay đổi chung quá lớn so với năm 2008, mà chỉ nhằm khống chế một số ít trường không được hạ quá thấp điểm chuẩn đầu vào, đảm bảo chất lượng đào tạo, bởi vì trong mùa tuyển sinh 2008, nhiều trường đã vận dụng Điều 33 của Quy chế tuyển sinh cũ (năm 2008) để xác định trúng tuyển quá thấp. Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng sự thay đổi khung này chỉ áp dụng cho các trường đóng tại các vùng dân tộc thiểu số và các trường được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
Có một chỗ học ĐH, CĐ là niềm mơ ước không chỉ của thí sinh mà còn của phụ huynh. Vậy thí sinh hi vọng gì ở kỳ tuyển sinh 2009 này?
– Dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009 sẽ tăng khoảng 12% so với năm 2008. Tất nhiên số thí sinh dự thi cũng tăng cơ học, nhưng với mức tăng chỉ tiêu như vậy, cơ may trúng tuyển vào ĐH-CĐ của thí sinh cũng tăng lên khá nhiều. Đó là chưa kể chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp cũng tăng đến 17%. Chúng tôi mong muốn thí sinh theo dõi, thu thập thông tin đầy đủ về kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ sắp tới trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các buổi tư vấn hướng nghiệp để có thể chọn lựa đúng đắn ngành nghề, trường đăng ký dự thi, vừa phù hợp với nguyện vọng sở thích, vừa phù hợp với năng lực học tập của mình.
Xin cảm ơn tiến sĩ.
Trần Thanh Quang (thực hiện)
Bình luận (0)