Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh đại học – cao đẳng 2016: Một mùa xét tuyển kỳ lạ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đến thời điểm này, kỳ xét tuyển đại học – cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2016 đã gần như kết thúc khi nhiều cơ sở đào tạo dù tuyển không đủ chỉ tiêu vẫn không muốn kéo dài thêm các đợt xét tuyển tiếp theo. Nhiều vấn đề bất ổn của việc xét tuyển năm nay đã được phơi bày, nhưng liệu có được Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) khắc phục cho mùa xét tuyển năm 2017? 

Thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 2 vào Trường ĐH Y Dược TPHCM trúng tuyển với điểm thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1

Đậu – rớt nhờ may rủi 

Xét tuyển ĐH-CĐ năm nay đậu và rớt nhờ vào sự may rủi chứ không phải do kết quả điểm thi quyết định. Nhận định này được phần lớn các trường đồng tình.

Thực tế cho thấy, kỳ thi “2 trong 1” với hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển ĐH-CĐ được thí sinh (TS) và xã hội ủng hộ khi việc thi cử nhẹ nhàng hơn trước đây. Năm 2016, các trường ĐH-CĐ lại vỡ trận vì TS ảo, đậu rớt là do sự may mắn. Chưa bao giờ trong lịch sử tuyển sinh mà các trường y, ngoại thương, các trường khối quân đội… phải xét tuyển đợt 2 và càng lạ hơn khi điểm chuẩn (điểm trúng tuyển) đợt 2 lại thấp hơn điểm chuẩn đợt 1. Bản thân TS đậu vào các ngành dược, răng hàm mặt của Trường ĐH Y Dược TPHCM ở đợt xét tuyển thứ hai cũng tỏ ra bất ngờ vì ở đợt xét tuyển thứ nhất nhiều TS cao điểm hơn đã bị rớt. Trong khi đó, nhiều TS đã bị rớt ở đợt 1 tỏ ra không hài lòng vì cảm thấy cách xét tuyển không công bằng. 

Ngoài sự may rủi thì quy định cách xét tuyển năm 2016 của Bộ GD-ĐT tạo ra cái ảo quá sức tưởng tượng của các trường. Trường ĐH Công nghiệp TPHCM tổng chỉ tiêu tại cơ sở chính là 6.350, có đến hơn 13.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển nhưng đến nay phải tiếp tục xét tuyển đợt 3 vì TS ảo quá nhiều. Ở đợt xét tuyển thứ hai, điểm trúng tuyển thấp hơn đợt 1 nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu. Trường ĐH Cần Thơ cũng có đến 12.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 nhưng vẫn phải xét tuyển 1.300 chỉ tiêu cho đợt 2, vậy mà kết thúc chỉ có 1.200 hồ sơ đăng ký xét tuyển…

Theo Tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: “Kỳ xét tuyển ĐH-CĐ năm 2016 không lộn xộn, không có hiện tượng TS rút ra rút vào gây rối loạn như năm 2015. Tuy nhiên, cái ẩn đằng sau của kỳ xét tuyển năm nay là gây nên sự bất ổn khi TS đậu không bằng khả năng mà đậu bằng sự may rủi (đối với TS trúng tuyển đợt xét tuyển thứ hai), bởi điểm chuẩn đợt 2 giảm rất nhiều so với điểm chuẩn đợt 1. Xét tuyển đợt 2 là sự bất cập lớn vô cùng và không hợp lý khi TS điểm cao lại rớt đợt 1 ở ngành mình yêu thích, nhưng TS điểm thấp hơn lại đậu ở đợt 2. Điều này cho thấy quy định xét tuyển năm nay có 2 mặt: Một mặt là dân chủ quá đáng khi cho TS nộp 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng; một mặt lại hạn chế dân chủ khi không cho các trường công bố thông tin để TS có sự tính toán vì sợ lộn xộn”. 

Tiếp tục đổi mới?

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, về quan điểm chung, năm 2017 và những năm tiếp theo, Bộ GD-ĐT tiếp tục đổi mới thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Mục tiêu là tuân thủ Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH. Thứ trưởng cũng khẳng định đổi mới thi cử sẽ có lộ trình và bước đi thích hợp, “không gây sốc cho TS và xã hội, tiến tới phương án thi, tuyển sinh ổn định, bền vững, thực hiện lâu dài”.

Với chủ trương của Bộ GD-ĐT thì năm 2017 vẫn giữ kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả xét tuyển ĐH-CĐ. Tuy nhiên, có thể chỉ còn một loại cụm thi và giao việc tổ chức thi cho các sở GD-ĐT dưới sự tham gia giám sát của các trường ĐH, CĐ. Bộ sẽ ban hành quy chế thi và có thể ra đề thi.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng khiến TS không khỏi lo lắng khi tiếp tục đưa ra dự kiến kỳ thi THPT quốc gia 2017 có thể sẽ có nhiều đổi mới về nội dung thi. Dự kiến sẽ thay thế việc tổ chức thi theo từng môn như trước đây bằng 5 bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Hiện Bộ GD-ĐT vẫn đang cân nhắc hai phương án: Một là học sinh THPT phải thi đủ 5 bài thi mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT. Hai là thí sinh chỉ thi 4 bài gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và lựa chọn thêm một trong hai bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Duy nhất bài thi Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận, các bài còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Về tuyển sinh ĐH-CĐ, Bộ GD-ĐT khẳng định việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ sẽ được giao tự chủ thực sự cho các trường, không có sự tham gia sâu của bộ vào những công việc cụ thể như hiện hành.

Theo TS Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), nếu năm 2017, Bộ GD-ĐT vẫn duy trì kỳ thi “2 trong 1” với một loại cụm thi hoặc đổi mới nội dung thi thì phải đảm bảo kỳ thi sao cho đáng tin cậy. Ở khâu xét tuyển phải đảm bảo làm sao cho thỏa mãn, hợp lý và đừng để TS cảm thấy bị rớt oan như năm 2016.

THANH HÙNG/SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)