Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2011: Trường ngoài công lập có bị hạn chế nguồn tuyển?

Tạp Chí Giáo Dục

Hai đợt thi chính của mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 kết thúc với đa số nhận định đề thi của cả thí sinh lẫn giáo viên rằng đề thi năm nay có nhiều môn tuy có khó hơn các mùa thi trước, nhưng tính phân loại của đề lại không nhiều.
Nhận định này cho thấy hệ quả hầu như tất yếu đó là việc tìm ra học sinh giỏi cho các trường nhóm trên sẽ trở nên khó hơn. 
Điểm ở mức trung bình
Thời điểm này các trường đang thực hiện công tác chấm thi. Ông Trần Khắc Thạc – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi – cho biết, trường sẽ cố gắng hoàn thành việc chấm thi trong tuần này. Nhận định sơ bộ ban đầu thì điểm thi như mọi năm, không có biến động gì đột biến. Có rất ít điểm 9-10, điểm phổ biến ở mức từ 4 – 6, 7 điểm. Điều này cho thấy đầu vào thí sinh ổn định như các năm trước.
Ông Nguyễn Thanh Chương – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông Vận tải – thì cho biết, kết quả chấm thi ban đầu cho thấy số TS đạt từ 3-5 điểm lại chiếm số đông, điểm 7-8 không nhiều, điểm 10 chưa có. Ông Vũ Đỗ Long – Phó Chủ nhiệm khoa Toán, trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia HN) cho biết, phổ điểm chính của TS khối A trường này là 4 – 7 điểm. Điểm 9-10 rất ít, trung bình chỉ có một bài thi điểm 9 trong một túi bài thi.
Kết quả sơ bộ tại một số trường nhóm trên cũng cho thấy số thí sinh đạt điểm cao không nhiều như mọi năm. Trường ĐH Ngoại thương cho biết, đã chấm xong môn toán và văn. Thống kê ban đầu chỉ có 27 bài thi đạt điểm 10 môn toán, trong đó có 2 bài điểm 10 khối A, 25 điểm 10 còn lại là khối D, ít hơn hẳn năm trước. Phổ điểm trung bình môn toán ở cả khối A, D đều ở mức 7 – 9 điểm. Đối với môn văn, điểm cao nhất là 9,5 điểm. Đến thời điểm này, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cũng đã chấm xong tất cả các môn của 2 khối A, D…
Đề thi năm nay có ủng hộ trường ngoài công lập?     Ảnh: Giang Huy
Đề thi năm nay có ủng hộ trường ngoài công lập? Ảnh: Giang Huy
Nguồn tuyển cho ngoài công lập có hạn chế?
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, chủ trương quán triệt xuyên suốt của bộ với hội đồng ra đề thi là ra đề không quá khó, phức tạp, nội dung nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu lớp 12, đặc biệt nhấn mạnh tính phân loại, phân hóa cao để có phổ điểm thi hợp lý. Thí sinh đạt điểm tuyệt đối và điểm thấp dưới trung bình ít đi nhưng thí sinh đạt điểm trung bình có thể tăng lên.
Theo ông Ga, như vậy đầu vào của các trường rộng ra, các trường dễ dàng tuyển thí sinh vào ngành nghề phù hợp với yêu cầu của trường mình. Cũng theo ông Ga, điểm sàn năm nay sẽ không thấp hơn so với mọi năm (năm 2010 điểm sàn khối A, D là 13 điểm, khối B, C là 14 điểm). Nhưng kết quả như thế nào thì phải có đầy đủ thông số điểm thi, hội đồng điểm sàn của bộ mới ra quyết định được.
Có thể thấy điểm thi hay điểm sàn dù thế nào cũng không ảnh hưởng đến các trường top trên, nhưng là mối quan tâm lớn của các trường nhóm dưới. Với phổ điểm ở mức trung bình như năm nay thì tình trạng xét tuyển của năm 2010 sẽ tái diễn, các trường nhóm giữa sẽ để điểm trúng tuyển ở mức tối thiểu, đẩy khó khăn về nguồn tuyển cho các trường nhóm dưới và trường ngoài công lập không tổ chức thi. Vì vậy có thể nói, điểm sàn là vấn đề khiến các trường ngoài công lập không tổ chức thi lo lắng nhất.
Phân tích cụ thể hơn về thực tế này, ông Nguyễn Quốc Hợp – Trưởng phòng Đào tạo ĐHDL Văn Hiến cho rằng: “Thông thường các trường ngoài công lập luôn phải xét tuyển sau những trường công lập, uy tín tốp trên. Nếu TS có trình độ đạt ở tầm điểm sàn chuẩn của bộ nhiều thì sẽ trở nên thuận lợi cho các trường ngoài dân lập. Ngược lại, nếu kết quả thi của TS ở mức thấp chiếm đa số, đặc biệt là điểm dưới sàn nhiều mà bộ vẫn muốn giữ phổ điểm sàn đẹp thì đương nhiên việc tuyển sinh của các trường ngoài công lập sẽ trở nên rất khó khăn”.
Trong khi đó, thực tế tuyển sinh vài mùa gần đây cho thấy, khi đề thi khó, lượng TS đạt điểm sàn không nhiều thì đầu vào không đủ, các trường phải hoặc “bắt tay” nhau để duy trì ngành đào tạo hoặc ngược lại, nhiều trường phải chấp nhận “khai tử” các ngành học do thiếu nguồn đào tạo.
Theo Thể Uyên – Ngân Anh
(Laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)