Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh đại học năm 2012: “Ba chung” sẽ có điều chỉnh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trước những đề nghị  đổi mới phương thức thi cử cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ, đặc biệt là kiến nghị bỏ "ba chung", Bộ GD-ĐT khẳng định kỳ  thi tiếp theo sẽ vẫn thực hiện phương thức nói trên, tuy nhiên sẽ có sự cải tiến, điều chỉnh cho kỳ thi gọn nhẹ, hiệu quả, giảm căng thẳng và bảo đảm quyền lợi công bằng cho thí sinh.
Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Phương Đông. Ảnh: Khánh Nguyên
Vẫn có điểm sàn
Với khẳng định nói trên, quy định về điểm sàn, vốn được các trường ngoài công lập cho là trở ngại lớn trong tuyển sinh của họ, sẽ được giữ nguyên. Tuy vậy, theo GS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì với tốc độ phát triển hiện nay của hệ thống giáo dục ĐH, "ba chung" đang khiến các trường mất tính tự chủ. Hiệp hội đưa ra ý kiến thay "ba chung" (chung đề, chung đợt thi, chung kết quả xét tuyển) bằng "hai chung" (chung đề, chung đợt thi) ngay trong kỳ tuyển sinh năm 2012, rồi tiến tới bỏ hẳn vào những năm sau. Về sự cải tiến theo hướng này, đại diện một số trường ĐH ngoài công lập cho rằng điều đó sẽ không gây quá nhiều thay đổi, có thể giúp thí sinh thích ứng dần. Thí sinh vẫn thi cùng đợt và có phương thức đánh giá chung nhưng việc chọn lựa đầu vào thì mỗi trường tự tiến hành với các tiêu chí riêng của mình. Như vậy, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ còn phải tập trung lo cho kỳ thi phổ thông, còn việc tuyển sinh là trách nhiệm của các trường.
Thế nhưng, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, một khi vẫn còn thi "ba chung" thì nhất định phải có điểm sàn, tức là chung kết quả xét tuyển. Điểm sàn là ngưỡng tối thiểu mà các thí sinh cần vượt qua để có thể học ĐH, giúp bảo đảm chất lượng. Nếu không qua sự sàng lọc mà cho thí sinh ở điểm nào cũng vào học ĐH thì chất lượng đầu vào sẽ  thấp, ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, nguồn nhân lực nước ta đang bị "lệch pha", tức là có quá nhiều sinh viên đại học nhưng ít người học nghề và TCCN. Bởi vậy, sẽ tốt hơn nếu những em không có khả năng học đại học chọn theo học các hệ đào tạo khác để có công việc phù hợp với mình.
Nhìn lại thực trạng tuyển sinh vừa qua, ở nhiều trường có nhiều ngành học, thậm chí là những ngành xã hội đang rất cần nhưng vẫn phải ngừng đào tạo do không tuyển được thí sinh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định: Điều này thể hiện sự bất cập trong việc chọn ngành nghề của học sinh bởi các em thường chọn thi vào những ngành nghề dễ tìm được việc làm, như kinh tế, quản lý, ngân hàng, tài chính. Do đó, sắp tới, Bộ sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách để thu hút học sinh vào học những ngành học mà xã hội có nhu cầu. "Điều quan trọng nhất vẫn là việc làm của học sinh học những ngành nghề này, nên xã hội cũng như các đơn vị sử dụng lao động phải tuyển dụng lao động cho phù hợp, để làm sao tuyển đúng người, đúng ngành, bố trí công việc phù hợp".
Chưa có phương án cụ thể
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, từ mùa tuyển sinh sau, Bộ sẽ thí điểm việc cho phép một số trường có đủ điều kiện cần thiết được tự tổ chức tuyển sinh theo phương án riêng. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, phương án tuyển sinh mới phải đáp ứng được ba yêu cầu. Thứ nhất, không để tái diễn tình trạng luyện thi tràn lan. Thứ hai, phải bảo đảm tổ chức kỳ thi nghiêm túc, công bằng. Thứ ba, phải có cơ chế để nhà trường, xã hội, cơ quan chức năng có thể kiểm tra, giám sát. Hiện tại, Bộ GD-ĐT đã đề nghị hai ĐH Quốc gia và một số trường ĐH trọng điểm nghiên cứu và đề xuất phương án tuyển sinh thích hợp. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ cùng các trường thảo luận để tìm ra phương án đáp ứng được yêu cầu để triển khai. Với một số ngành quan trọng, xã hội có nhu cầu nhưng không được thí sinh ưu ái như sư phạm, nông – lâm – ngư, khoa học cơ bản… Bộ sẽ bàn bạc, tham khảo ý kiến của các trường để có biện pháp giải quyết vĩ mô.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, chưa có đề án đổi mới tuyển sinh nào được các trường trình lên Bộ để phê duyệt, song sự chủ động trong tuyển sinh cũng sẽ là một trong những quyền của đơn vị được giao thí điểm về tự chủ. Trong dự thảo Luật Giáo dục ĐH cũng nhấn mạnh đến quyền này, theo đó, các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ, tự  chịu trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công bố công khai chỉ tiêu đồng thời với các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH. Mới đây, Bộ cũng cho phép các trường được tự chủ trong mở ngành đào tạo hệ CĐ nếu ngành đó đã được phép đào tạo ở bậc ĐH. Điều này sẽ giúp cho các trường chủ động trong kế hoạch đào tạo, có thể điều chỉnh công tác tuyển sinh theo tình hình thực tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo Quỳnh Phạm
(HNM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)