“Đừng bỏ trứng vào cùng một giỏ” là lời khuyên được các chuyên gia đưa ra với thí sinh lớp 12 khi đặt nguyện vọng vào các trường đại học trong Chương trình tư vấn sức khỏe mùa thi và chọn nguyện vọng thông minh năm 2022 tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) mới đây.
Quan tâm đến yếu tố trường học khi đặt nguyện vọng
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) tổ chức.
Nên đặt từ 5-10 nguyện vọng
“Các bạn chắc chắn đã từng nghe giải cứu dưa hấu, giải cứu vải… nhưng giải cứu thí sinh thì các bạn đã nghe chưa”, ThS. Võ Ngọc Nhơn (HUTECH) mở đầu buổi trò chuyện của mình với học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
ThS. Nhơn kể, trong mùa tuyển sinh năm trước, có những thí sinh đạt 29,5 điểm, thậm chí là 30 điểm nhưng vẫn rớt tất cả các nguyện vọng. Các trường đại học phải tổ chức một cuộc giải cứu những thí sinh này.
“Câu chuyện thật như đùa này là bài học để các bạn đừng chủ quan khi đặt nguyện vọng. Thậm chí là càng học sinh giỏi thì lại càng không nên chủ quan. Bởi thực tế, những trường hợp thí sinh đạt 29,5 điểm hay 30 điểm vẫn rớt một phần là do sự chủ quan, tự tin quá chỉ đăng ký 1, 2 nguyện vọng trong khi sức cạnh tranh của những nguyện vọng này quá cao…”, ThS. Nhơn chỉ rõ.
Đặc biệt, theo ThS. Nhơn, điểm mới của mùa tuyển sinh năm nay là sau kỳ thi tốt nghiệp THPT thí sinh mới đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học. Đồng thời, dù xét tuyển bằng hình thức nào thì thí sinh cũng phải đăng ký trên hệ thống đăng ký nguyện vọng.
“Đến thời điểm này có thể nhiều em đã an tâm cầm chắc một tấm vé vào trường đại học với nhiều phương thức như điểm thi đánh giá năng lực, điểm học bạ. Tuy nhiên, năm nay dù trúng tuyển các em vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên cổng thông tin.
Thí sinh nên cân nhắc khi đặt nguyện vọng
Ngoài ra, giống như mọi năm, năm nay thí sinh vẫn được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau, không hạn chế số lượng nguyện vọng, nhưng phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Lời khuyên ở đây là các em không nên đăng ký quá ít nguyện vọng nhưng cũng không nên đăng ký quá nhiều, chỉ từ 5-10 nguyện vọng là phù hợp. Thứ tự nguyện vọng nên cân nhắc với ngành học, trường học mà mình yêu thích nhất là nguyện vọng 1”, ThS. Nhơn khuyên.
Liên quan đến việc sắp xếp nguyện vọng, ThS. Vương Văn Khởi (UEF) chia sẻ, thí sinh cần phải tính toán, cân nhắc thật kỹ.
“Năm 2021 có nhiều bạn tính toán đặt nguyện vọng dôi dư đến 5 điểm so với điểm chuẩn của ngành, của trường nhưng vẫn rớt vì mỗi năm mức độ đề thi mỗi khác. Vì vậy, khi đặt nguyện vọng các em cần nhìn mức điểm chuẩn của trường trong vòng 3 năm. Cạnh đó cần phải chú ý mã trường, mã ngành. Tốt nhất là các em nên vào website của các trường đại học để đảm bảo thông tin chính xác nhất, hạn chế xem thông tin ở các trang web tuyển sinh để tránh sai sót…”, ThS. Khởi nhấn mạnh.
“Đừng bỏ trứng vào cùng một giỏ”
Trong câu chuyện lựa chọn nguyện vọng, ThS. Vương Văn Khởi cho hay, thông thường thí sinh thường gặp các sai lầm sau:
Chọn ngành học theo định hướng gia đình nhưng lại chưa quan tâm đến tố chất, năng lực bản thân có phù hợp với ngành học đó hay không. Ví dụ, bản thân sợ máu nhưng gia đình lại định hướng ngành y; Chọn ngành học theo lựa chọn của bạn bè nhưng đôi khi nguyện vọng đó chỉ phù hợp với bạn bè mà không phù hợp với bản thân mình; Chọn ngành học theo xu hướng…
“Những năm 2010, ngành tài chính ngân hàng cực kỳ hot với phân khúc điểm chuẩn ở các trường đại học rất cao vì đây là ngành học mang tính xu hướng thời điểm đó. Dù vậy đến năm 2014 thì tỷ lệ sinh viên tài chính ngân hàng thất nghiệp nhiều nhất vì tỷ lệ cạnh tranh trong công việc cao. Nếu trong quá trình học, sinh viên không xác định được mục tiêu thì chắc chắn sẽ bị đào thải…”, ThS. Khởi nêu ví dụ.
Qua những sai lầm trong lựa chọn ngành học khi đăng ký nguyện vọng, chuyên gia này khuyên rằng khi lựa chọn nguyện vọng thí sinh cần quan tâm đến năng lực của bản thân. Cần xác định được công việc mình muốn trở thành trong tương lai, muốn theo đuổi trước khi chọn ngành học. Trên thực tế có những công việc học nhiều ngành đều có thể làm được nhưng cũng có công việc đặc thù thì chỉ được đào tạo trong một ngành nhất định. Kế đó chọn bậc học, chọn phương thức tuyển sinh…
Từ câu chuyện nghề nghiệp của bản thân mình, TS. Đào Lê Hòa An – chuyên gia tư vấn tâm lý chia sẻ với các thí sinh rằng, câu chuyện học ở đâu, trường nào không quan trọng là bạn học như thế nào. “Không phải bạn đậu vào trường top với điểm số cao là bạn đã thành công mà các bạn cần giải được bài toán thực sự mình phù hợp với công việc nào nhất để lựa chọn ngành học, trường học có đào tạo ngành đó, quan trọng là chọn môi trường đại học phù hợp. Ở đây câu chuyện về tầm nhìn xa, chọn nghề nào trong tương lai sẽ quyết định việc các em lựa chọn nguyện vọng một cách thông minh nhất”, TS. Đào Lê Hòa An chia sẻ. |
“Từng có trường hợp thí sinh đăng ký 29 nguyện vọng nhưng cả 29 nguyện vọng lại vào cùng 1 trường. Như vậy, nếu thí sinh “không may” trúng tuyển vào ngành học mà mình không yêu thích thì sẽ học như thế nào trong suốt 4 năm? Nguyên tắc quan trọng khi đặt nguyện vọng là “đừng bỏ trứng vào cùng một giỏ” – tức là không đặt tất cả các nguyện vọng vào cùng 1 trường hoặc đặt tất cả các nguyện vọng chỉ bằng một phương thức, mà nên tập trung đặt nguyện vọng vào một số ngành học”, ThS. Khởi bổ sung.
Chia sẻ thêm, ThS. Võ Ngọc Nhơn cho hay, việc chọn trường học khi đăng ký nguyện vọng cũng là câu chuyện thí sinh cần quan tâm, cân nhắc. Với thí sinh trường chuyên, trúng tuyển đại học không khó nhưng khó là chọn trường phù hợp.
“Trong cùng 1 ngành học thì 70% chương trình đào tạo ở các trường đại học là giống nhau, 30% còn lại là theo đặc thù của trường. Vì vậy, khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần cân nhắc chọn trường phù hợp để tăng lợi thế trúng tuyển.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)