Dư luận quan tâm học sinh Ngô Văn Hiếu giúp đỡ bạn đến trường 10 năm, thiếu 0,25 điểm đỗ vào Trường ĐH Y Hà Nội nhưng không được đặc cách. Từ câu chuyện này có thể đặt vấn đề về tiêu chí tuyển sinh đại học.
Đôi bạn Ngô Văn Hiếu – Nguyễn Tất Minh. ẢNH: PHÚC NGƯ
Ràng buộc bởi quy chế và điểm số
Hình ảnh giúp người bạn khuyết tật đến trường suốt 10 năm trời dù nắng hay mưa, thể hiện ý chí và tình thương bạn bè cao quý, đó là hình ảnh nhân văn và là biểu tượng cho truyền thống giáo dục Việt Nam. Trường ĐH Y Hà Nội, theo đúng quy chế, không xét các yếu tố khác ngoài điểm thi. Điều này không thể trách Trường ĐH Y Hà Nội được.
Tuyển sinh ở Việt Nam, kể cả các trường đặc thù như y khoa cũng chỉ dựa vào điểm số. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết các trường tự chủ trong việc tuyển sinh. Mỗi trường sẽ có các tiêu chí khác nhau để xét tuyển đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mình, các tiêu chí này được thể hiện trong đề án tuyển sinh và được thông báo công khai trước khi thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển.
“Trường chưa đề xuất, nên chúng tôi không biết trong đề án tuyển sinh của trường có tiêu chí nào để làm căn cứ cho trường xét đặc cách em Ngô Văn Hiếu. Tuy nhiên, Vụ Giáo dục ĐH sẽ ủng hộ nếu như trường có tiêu chí phù hợp, quan trọng là phải có căn cứ, phải thực hiện đúng quy chế tuyển sinh”, bà Thủy nói.
Còn theo GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, sau khi dư luận bàn tán trường hợp Ngô Văn Hiếu, nhà trường đã quan tâm và chủ động xem xét. Tuy nhiên, sau khi xem lại nội dung đề án tuyển sinh của trường, không thấy có bất kỳ tiêu chí nào để có thể vận dụng xét trúng tuyển đặc cách với thí sinh này.
Các nước khác sẽ giải quyết thế nào?
Ở Mỹ và các nước khác trong trường hợp này sẽ giải quyết thế nào? Khi tuyển sinh vào ĐH họ chú trọng vào điểm số hay con người? Câu chuyện từ các nước cũng có thể là một góc nhìn khác cho tuyển sinh của Việt Nam trong tương lai.
Tuyển sinh ĐH Mỹ khác nhiều so với ĐH Việt Nam. Trường ở Mỹ tuyển sinh viên là “chọn lựa con người chứ không chọn điểm”. Chính vì thế hồ sơ ĐH bao gồm nhiều yếu tố phản ảnh một cách tốt nhất và trung thực nhất về con người của sinh viên. Các yếu tố bao gồm: điểm học tại trường, điểm thi SAT-ACT, bài luận văn, thư đánh giá của hai giáo viên, trích dẫn hoạt động xã hội, thành tích trong việc học và sinh hoạt ngoại khóa.
Ðối với học sinh nộp đơn vào các ĐH danh tiếng trong top 25 hay top 50 ở Mỹ thì các yếu tố về hoạt động xã hội, thành tích học và sinh hoạt ngoại khóa là cực kỳ quan trọng. Những điểm này tạo sự khác biệt trong hàng ngàn hồ sơ ĐH mà học sinh phải cạnh tranh với nhau để vượt qua vòng xét tuyển. Cách làm hồ sơ vào ĐH Mỹ tạo cho học sinh mạnh mẽ, có nhiều trải nghiệm khi tìm hiểu trường ĐH và chọn ngành học.
Hồ sơ vào ĐH Mỹ có nhiều yếu tố vì thế học sinh sẽ cân bằng các yếu tố và làm cho nó tốt nhất có thể có. Các yếu tố này học sinh Mỹ đều chuẩn bị từ lớp 9 – 10. Tôi vẫn còn nhớ đứa cháu trong nhà, khi còn lớp 9, mỗi lần tham dự trình diễn piano là xin ảnh và ghi thời gian biểu diễn, hỏi ra mới biết để chuẩn bị cho hồ sơ ĐH sau này.
Nhiều học sinh Việt Nam du học tại Mỹ, có điểm học tập rất cao trên 4.0 và SAT rất ấn tượng trên 1.450 nhưng đều trượt toàn bộ các trường trong top 35 của Mỹ. Và nhiều học sinh châu Á du học tại Mỹ cũng có kết quả tương tự. Yếu tố điểm cao của học sinh châu Á không còn là thế mạnh khi nộp đơn vào các ĐH danh tiếng Mỹ.
Nên có tỷ lệ 2 – 5% chỉ tiêu xét tuyển đặc cách với thí sinh đặc biệt?
Tại hội nghị tổng kết chương trình phối hợp giữa ngành giáo dục và T.Ư Đoàn tổ chức sáng 8.10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đặt vấn đề: “Vừa rồi công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, dù các trường đã tự chủ nhưng chúng ta cứ căng cứng quá về điểm”.
Bà Minh phân tích: “Ví dụ trường hợp thí sinh thiếu 0,25 điểm dù hoạt động rất nhân văn cõng bạn tới trường, có tài năng thực sự… Chúng ta phải xem trong phối hợp, có đề nghị với Bộ GD-ĐT hay có chỉ đạo với các nhà trường nên có tỷ lệ 2 – 5% chỉ tiêu để xét tuyển với chế độ đặc cách và giao đặc quyền cho các trường mà vẫn đảm bảo tuyển sinh chung”.
Ông Huỳnh Công Ba, Trưởng phòng Công tác chính trị và học sinh – sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng cần có quy chế phối hợp để những thanh niên đặc biệt có thể được xét tuyển thẳng trong những trường hợp cần thiết. Người được đặc cách phải là những nhân tố điển hình, xuất sắc trong các phong trào tình nguyện, có những hành động nhân văn lan tỏa cộng đồng… Ngoài kết quả học tập, những thí sinh này có thể tính cộng điểm trong quá trình xét tuyển vào các trường ĐH. Khi đó, những tấm gương sống đẹp vì cộng đồng được ghi nhận và tiếp tục truyền lửa cho thế hệ trẻ trong giảng đường ĐH.
Hà Ánh
|
Cần thay đổi cách thức xét tuyển ĐH
Trở lại vấn đề Ngô Văn Hiếu giúp bạn học trong 10 năm đến trường, và nhiều tấm gương đẹp khác của học sinh, chúng ta cần phải cổ vũ và phát huy những hình ảnh đẹp này như là một phần của truyền thống giáo dục Việt Nam.
Chọn học sinh vào ĐH, ngoài việc đánh giá năng lực học tập thì cần có những đức tính nhân văn, kỹ năng sống, sự hiểu biết về ngành học, sinh hoạt ngoại khóa. Bộ hồ sơ ĐH như vậy đòi hỏi các trường ĐH làm việc nhiều hơn, và có hội đồng xét tuyển chuyên nghiệp. Cách thức xét tuyển chọn theo phương cách này tuy đa dạng nhưng vẫn đảm bảo tính công bằng, vẫn đề cao năng lực học tập và sáng tạo.
Nền giáo dục Việt Nam cần thay đổi tư duy giáo dục, thay đổi cách thức thi cử, thay đổi cách thức xét tuyển ĐH. Cần có một nền giáo dục khoa học và sáng tạo thì mới đào tạo ra những thế hệ sinh viên có đầy đủ phẩm chất về chuyên môn và tính nhân văn. Một thế hệ mới hòa nhập trong cuộc thay đổi của đất nước. (còn tiếp)
Ý kiến
Cần thay đổi cách thức tuyển sinh ĐH
ẢNH: NVCC
Vấn đề sâu xa hơn cần bàn ở đây không phải là chuyện đặc cách hay không, mà là đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại cách thức tuyển sinh ĐH hiện tại, vốn đã không còn phù hợp với thực tế, và thậm chí lạc hậu so với dòng chảy chung của giáo dục hiện đại. Ở các nền giáo dục tiên tiến, việc tuyển sinh ĐH không chỉ dựa vào điểm số, dù hệ thống đánh giá điểm số của họ được xây dựng một cách minh bạch, khoa học như kỳ thi chuẩn hóa SAT của Mỹ chẳng hạn. Tuy nhiên, việc xét tuyển được thực hiện một cách toàn diện, trên từng hồ sơ của cá nhân, với nhiều tiêu chí như bài luận cá nhân, các hoạt động xã hội, thư giới thiệu…
Bùi Việt Lâm (Giám đốc truyền thông Trường ĐH Fulbright Việt Nam)
|
Có thể sẽ thêm quy định để tuyển người phù hợp
ẢNH: ĐÀO NGOC THẠCH
Với những ngành đòi hỏi đặc thù, cần phải có năng lực đặc biệt thì đúng là cần có kiểm tra riêng để xem người đó có phù hợp ngành nghề hay không chứ nếu căn cứ vào điểm số thôi thì sẽ khó tìm ra những điều này.
Chắc chắn là nhiều hình thức tuyển sinh sẽ phải thay đổi. Các trường được quyền thêm vào phương thức tuyển sinh những quy định mới để tìm ra thí sinh phù hợp. Chẳng hạn, để tuyển sinh ngành báo chí, có thể yêu cầu thí sinh gửi thêm những bài viết, bài báo đã đăng ở trong trường, trên báo trong thời gian đi học… để đánh giá thêm về năng lực. Hay ngành tâm lý học, thí sinh có khả năng nhạy cảm, lắng nghe, phân tích, thấu cảm hay không.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
Đăng Nguyên (ghi)
|
Theo Trần Thắng – Chủ tịch Viện Văn hóa – giáo dục Việt Nam (Mỹ)/TNO
Bình luận (0)