Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tuyển sinh đại học theo tiêu chí mới, thí sinh cần chuẩn bị gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều trường đại học ở TP.HCM đã có phương án tuyển sinh dự kiến cho năm 2022. Trong đó, ngày càng nhiều trường bổ sung tiêu chí xét tuyển mới theo hướng đánh giá toàn diện, đa dạng năng lực người học.

Không chỉ sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực dựa trên kiến thức tổng hợp nhiều môn học, có trường còn bổ sung các tiêu chí ngoài kết quả học tập.

Nhiều tiêu chí đánh giá mới

Từ năm 2021, một số hình thức tuyển sinh mới khác hẳn với truyền thống vốn chỉ dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, đã bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, các phương thức mới này mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm, áp dụng cho một phần nhỏ chỉ tiêu tuyển của các trường như: phỏng vấn, đánh giá qua video giới thiệu bản thân của thí sinh (TS)… Năm 2022, một số trường cho biết sẽ tiếp tục có điều chỉnh lớn trong cách thức tuyển sinh.

Mới đây, Trường ĐH Bách khoa công bố phương án tuyển sinh có nhiều điểm mới, dự kiến áp dụng cho năm 2022. Theo phương án này, trường kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực TS, gồm học tập, đóng góp xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu và phỏng vấn. Năng lực học tập có thể được đánh giá dựa vào kết quả học THPT, thi tốt nghiệp, kỳ thi đánh giá năng lực, các chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tuyển sinh quốc tế. Trong đó, điểm kỳ thi đánh giá năng lực được xem là thành tố quan trọng xét ở tiêu chí năng lực học tập.

Tuyển sinh đại học theo tiêu chí mới, thí sinh cần chuẩn bị gì? - ảnh 1

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021. ĐÀO NGỌC THẠCH

Trường ĐH Công nghệ thông tin cũng chỉ sử dụng 3 phương thức tuyển sinh chủ yếu gồm: tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét tuyển dựa trên điểm thi (tốt nghiệp THPT và thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM); xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế uy tín. Theo tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng nhà trường, điểm mới đáng chú ý là ở hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của trường. Cụ thể, các TS được ưu tiên xét tuyển vào trường khi đạt giải kỳ thi Olympic tin học sinh viên VN, Olympic phần mềm mã nguồn mở, kỳ thi Lập trình châu Á – ICPC Asia cấp quốc gia, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia…

Đặc biệt, năm tới lần đầu tiên trường xét tuyển thẳng TS tài năng thể thao, cụ thể là TS đạt huy chương vàng, bạc, đồng các giải thể thao quốc tế chính thức. Với các TS này, điểm trung bình học tập THPT theo tổ hợp môn xét tuyển cần đạt từ 7 trở lên.

Chỉ tạo thêm cơ hội cho thí sinh

Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa: “TS chuẩn bị xét tuyển vào trường không cần lo lắng, cứ chuẩn bị tốt nhất những gì mình có. Trường đang xây dựng phương án cụ thể, trong đó đánh giá chủ yếu vẫn dựa vào năng lực học tập. Tiêu chí đánh giá mới chỉ tạo thêm cơ hội cho những TS có thế mạnh về hoạt động tích cực khác ngoài học tập. Trường sẽ từng bước áp dụng để trong tương lai xa hơn góp phần làm thay đổi việc dạy học ở bậc phổ thông”.

Đánh giá về sự thay đổi này, ông Thắng nhìn nhận: “Những năm gần đây khi luật Giáo dục ĐH mới có hiệu lực, các trường ĐH đã áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh mới theo hướng đánh giá năng lực đa dạng người học. Thời gian tới đây các trường trong nước cũng sẽ theo khuynh hướng chung của thế giới là đánh giá năng lực tổng hợp của người học. Cách thức này còn góp phần tiết kiệm nhiều công sức của TS. Thay vì phải nộp 7 – 8 bộ hồ sơ khác nhau cho từng phương thức trong cùng một trường, TS tham gia xét tuyển chỉ cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ”.

Chia sẻ về điểm mới trong tuyển sinh của trường, tiến sĩ Minh Khang cũng nói: “Việc mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng này nhằm tạo thêm cơ hội học tập cho những tài năng thể thao, đặc biệt cơ hội để họ gặt hái nhiều thành công hơn sau khi giải nghệ”.

Giữ ổn định phương thức tuyển sinh

Trong khi đó, nhiều trường ĐH khác cơ bản giữ ổn định phương thức tuyển sinh năm 2021 cho năm 2022.

Trường ĐH Kinh tế cũng đã có phương án tuyển sinh dự kiến năm 2022. Theo PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng trường này, trường giữ ổn định các phương thức đã áp dụng trong năm 2021. Cụ thể gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế; xét tuyển học sinh giỏi; xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn; xét điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM; kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm cũng xét tuyển theo 4 phương thức. Trong đó, xét tuyển theo kết quả thi THPT chiếm 50% tổng chỉ tiêu. Các phương thức còn lại gồm: xét tuyển học bạ THPT, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM và xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT và học sinh giỏi THPT.

Trường ĐH Công nghiệp cũng có 4 phương thức tuyển gồm: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng, xét điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp môn, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong đó, chỉ tiêu dành xét điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, dự kiến 50% tổng chỉ tiêu.

Trong 6 phương thức tuyển sinh năm 2022, Trường ĐH Khoa học tự nhiên dự kiến chỉ dành 15 – 50% chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phương thức tuyển sinh chủ đạo của trường dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, chỉ tiêu dao động từ 40 – 70%.

Theo Hà Ánh/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)