Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh đại học vượt 3% chỉ tiêu là bị phạt tiền

Tạp Chí Giáo Dục

Không công bố đề án tuyển sinh, không công khai đề án tuyển sinh, tuyển sinh sai đối tượng, tuyển vượt chỉ tiêu… đều có thể bị xử phạt tiền, mức cao nhất lên đến 100 triệu đồng cho một vi phạm.
Thí sinh trúng tuyển đại học năm 2020 làm thủ tục nhập học /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Thí sinh trúng tuyển đại học năm 2020 làm thủ tục nhập học. ĐÀO NGỌC THẠCH
Đó là một trong những nội dung được quy định trong Nghị định 04/2021/NĐ-CP Chính phủ vừa ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 10.3.
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Về hình thức phạt tiền, mức phạt tối đa là 50 triệu đồng với cá nhân, 100 triệu đồng với tổ chức. Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả khác.
Làm không đúng đề án tuyển sinh, phạt từ 30 – 40 triệu đồng
Với vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh, các tổ chức, cá nhân bị phạt tiền từ 10 – 60 triệu đồng. Cụ thể, bên vi phạm sẽ bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng nếu thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành; thông báo tuyển sinh không đủ thời gian theo quy định của pháp luật hiện hành. Các hành vi công bố chỉ tiêu tuyển sinh vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, không thực hiện đúng quy trình tuyển sinh theo quy định của pháp luật hiện hành có thể bị phạt mức cao hơn, từ 20 – 30 triệu đồng. Không công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố bị phạt từ 30 – 40 triệu đồng. Tổ chức tuyển sinh đối với ngành, chuyên ngành hoặc chương trình giáo dục của nước ngoài khi chưa được phép thực hiện bị phạt từ 40 – 60 triệu đồng.
Với nhóm vi phạm quy định về chỉ tiêu tuyển sinh, mức phạt tiền cao dần lên theo cấp, bậc học. Vượt từ 3% chỉ tiêu trở lên là đã bị phạt.
Cấp THPT bị phạt nhẹ, từ 1 – 20 triệu đồng (mức 20 triệu đồng dành cho nơi tuyển vượt từ 20% chỉ tiêu trở lên). Ở trình độ trung cấp, cao đẳng nhóm ngành giáo viên, mức phạt từ 2 – 40 triệu đồng. Ở trình độ ĐH, mức phạt từ 5 – 70 triệu đồng, cụ thể: tuyển vượt từ 3% đến dưới 10% phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng; tuyển vượt từ 10% đến dưới 15% phạt từ 10 – 30 triệu đồng; tuyển vượt từ 15 đến dưới 20% phạt từ 30 – 50 triệu đồng; tuyển vượt từ 20% trở lên bị phạt từ 50 – 70 triệu đồng. Tuyển sinh để đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ vượt chỉ tiêu bị phạt nặng nhất, mức phạt tối đa lên đến 80 triệu đồng (tối thiểu 10 triệu đồng). Biện pháp khắc phục hậu quả chung với nhóm vi phạm này là buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Thi thay, thi hộ phạt tối đa 16 triệu đồng
Mức phạt tối đa 100 triệu đồng với vi phạm về thành lập, cho phép thành lập; sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình. Vi phạm về liên thông, liên kết phạt tối đa 60 triệu đồng. Vi phạm về thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập phạt tối đa 16 triệu đồng (mức này được áp dụng cho hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm).
Mức phạt tối đa 100 triệu đồng với hành vi vi phạm về tư vấn du học, hợp tác – đầu tư của nước ngoài. Vi phạm về quản lý, cấp và sử dụng văn bằng chứng chỉ phạt tối đa 50 triệu đồng. Vi phạm quy định đối với nhà giáo và người học, mức phạt tối đa 50 triệu đồng. Vi phạm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính, các điều kiện đảm bảo chất lượng, phạt tối đa 60 triệu đồng.
Có đủ sức răn đe ?
Sau khi nghị định được ban hành, có nhiều ý kiến xoay quanh mức phạt đối với các hành vi vi phạm, trong đó bao gồm các vi phạm về tuyển sinh.
PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Việc ban hành nghị định này rất có ý nghĩa ở chỗ ngăn chặn được khả năng tái phạm của các đơn vị, cá nhân bị xử phạt, vì thế mà có tính chất răn đe cao. Có ý kiến cho rằng phạt thế là nhẹ, nhưng cá nhân tôi thấy, trường công mà bị phạt 70 – 100 triệu đồng là cao. Bởi trường công thì liên quan tới ngân sách nhà nước, mà dùng ngân sách nhà nước để nộp phạt là một vấn đề lớn. Ngay như một trường công tự chủ như Bách khoa Hà Nội, giả sử bị phạt thì lấy tiền đâu để nộp phạt, dùng nguồn tiền trường tự kiếm được, hay người đứng đầu bỏ tiền túi ra, sẽ là một câu hỏi không dễ trả lời. Khó trả lời không phải vì không có tiền, mà là kiểm toán có chấp nhận không?”.
GS Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh công nghệ Hà Nội, cho biết nếu có thể thì nghị định cần được điều chỉnh một số nội dung, hoặc cần có hướng dẫn cụ thể hơn, chẳng hạn như quy định xử phạt việc vượt chỉ tiêu. “Cần phải xem xét vượt chỉ tiêu trong trường hợp nào. Cứ vượt chỉ tiêu mà phạt là không hợp lý”, GS Hóa nêu ý kiến.
Theo Quý Hiên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)