Mặc dù được dự báo “dễ thở” hơn so với năm học 2018-2019, nhưng tuyển sinh đầu cấp vẫn là bài toán khó đặt ra cho các địa phương khi năm học mới đã cận kề.
Ghi nhận chung từ 24 quận huyện ở TPHCM cho thấy nhiều công trình trường, lớp đang được khẩn trương hoàn thiện để kịp đưa vào sử dụng trước năm học mới.
Dốc sức xây trường
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP vào sáng 14-5, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, phấn khởi cho biết năm học 2019-2020, huyện sẽ đưa thêm vào sử dụng Trường Tiểu học Bình Chánh 2 tại xã Bình Chánh. Đây là công trình xây mới với quy mô 30 phòng học, đáp ứng tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia.
Tương tự, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12, chia sẻ năm học tới quận có 3 trường mới xây dựng được đưa vào sử dụng gồm các trường: Mầm non Mai Vàng (phường Thạnh Xuân), Tiểu học Trần Văn Ơn (phường Tân Hưng Thuận) và THCS Trần Phú (phường Tân Thới Nhất).
Ngoài ra, cũng trong năm học này, toàn quận có 6 công trình trường học được nâng cấp, cải tạo và tăng thêm quy mô tuyển sinh gồm 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 2 trường THCS và 1 trường chuyên biệt.
Nhìn chung, “số lượng học sinh tham gia tuyển sinh đầu cấp vào lớp 1 và lớp 6 trên địa bàn quận năm học tới đây không biến động nhiều so với năm học vừa rồi. Dự báo tình hình tuyển sinh tương đối ổn định, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở các trường tiểu học có tăng nhưng không đáng kể”, đại diện Phòng GD-ĐT quận 12 bày tỏ.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình, thông tin năm học 2019-2020, quận có công trình Trường Tiểu học Phan Huy Ích (phường 15) mới xây và đưa vào sử dụng, nâng tổng số trường tiểu học công lập trên toàn quận lên 25 trường. Ngoài ra, còn có một trường mầm non ở phường 4 vừa được xây lại trên nền cũ.
Đánh giá về tình hình phân bổ học sinh đầu năm học tới, ông Trần Khắc Huy cho biết, số lượng học sinh chuẩn bị vào lớp 1 và lớp 6 có giảm nhẹ so với năm học 2018-2019, qua đó kéo giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp. Tình hình nhu cầu về chỗ học không tăng, trong khi quy mô trường lớp có tăng nhẹ so với năm học trước, giúp giảm sĩ số học sinh/lớp và tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày.
Riêng ở quận Tân Phú, năm học 2019-2020, nhu cầu về chỗ học tiếp tục căng thẳng do tổng quy mô học sinh ở các bậc mầm non, tiểu học và THCS đều tăng. Theo kế hoạch tuyển sinh vừa được công bố, quận này cố gắng duy trì số lớp bán trú, lớp học 2 buổi/ngày so với năm học trước chứ chưa nghĩ đến việc gia tăng.
Cần giải pháp căn cơ
Thống kê số lượng học sinh trong năm học 2018-2019, quận Bình Tân có 29.971 học sinh mầm non, 51.680 học sinh tiểu học và 27.426 học sinh THCS. Một cán bộ phòng GD-ĐT quận này so sánh vui, một bậc học của Bình Tân có số lượng học sinh nhiều hơn tổng số học sinh ở các bậc mầm non, tiểu học và THCS của địa phương khác cộng lại.
Đơn cử, phường Bình Trị Đông A có 1.000 trẻ chuẩn bị vào lớp 1 (6 tuổi) nhưng chỉ tuyển 6 lớp 1 với 300 học sinh, 700 em còn lại sẽ được phân tuyến vào trường khác trên địa bàn các phường lân cận. Nhiều năm qua, phòng GD-ĐT phải thực hiện phân tuyến theo hình thức thủ công, tức họp hiệu trưởng ở các cụm phường để phân tuyến vào lớp 1.
Riêng tuyển sinh lớp 6 sẽ tổ chức theo hình thức cho học sinh đăng ký nguyện vọng theo trường, sau đó phòng GD-ĐT điều chỉnh lại lần nữa để có danh sách phân tuyến. Do đó, dù năm học nào địa phương cũng nỗ lực xây thêm trường, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, nhưng để đáp ứng tối đa nhu cầu cần có giải pháp căn cơ hơn về mặt quản lý và phân bổ dân số.
Trước tình trạng đó, nhiều quận, huyện buộc phải siết chặt tuyển sinh trái tuyến thông qua các giải pháp như rà soát kỹ hộ khẩu (kể cả thường trú và tạm trú), hồ sơ tuyển sinh phải có bản sao giấy khai sinh, bản sao hộ khẩu hoặc bản sao sổ tạm trú hợp lệ.
Tuy nhiên, với mục tiêu đến năm học 2020-2021, đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày (theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới), nhiều quận, huyện cho biết sẽ gánh thêm áp lực không nhỏ. Trong đó, giải pháp xây thêm trường chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ.
Để giải quyết căn cơ hơn bài toán về chỗ học, trưởng phòng GD-ĐT một quận ở vùng ven kiến nghị TP nghiên cứu thêm nhiều giải pháp, trong đó có việc mạnh dạn thí điểm hình thức học tập trực tuyến qua mạng, học theo tín chỉ, kết hợp song song hai hình thức tuyển sinh theo phân tuyến và liên tuyến quận, huyện; đồng thời thực hiện có hiệu quả các mô hình xã hội hóa nhằm giảm áp lực cho hệ thống trường công, giúp người dân có thêm nhiều lựa chọn về chỗ học cho con em.
Theo Thu Tâm/SGGP
Bình luận (0)