Nhu cầu chọn trường điểm, trường chuẩn của PH cao khiến công tác tuyển sinh đầu cấp luôn “nóng”. Trong ảnh, các em HS đang làm bài thi vào Trường Trần Đại Nghĩa năm học 2012-2013
|
Chạy chọt xin xỏ khắp nơi để cho con được vào trường chuyên, trường điểm, trường đạt chuẩn luôn là vấn đề “nóng” vào đầu năm học. Thậm chí để có được một chỗ học cho con ở trường mình ưng ý, nhiều phụ huynh (PH) còn “chạy” trước cả vài năm.
Tăng tốc “kịch trần” học thêm
Nguyên cả năm trời cho con học thêm toán, tiếng Anh tại Cơ sở bồi dưỡng văn hóa Việt Học với hy vọng con trai thi đậu lớp 6, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) nhưng anh M. vẫn chưa yên tâm. Vừa nghỉ hè, anh đăng ký tiếp cho con khóa ôn cấp tốc tại Trường Trần Đại Nghĩa để củng cố thêm hy vọng. Vậy là cứ mỗi sáng anh chở con trai đến trường ôn. Trước khi ra về, anh không quên đưa cho con hộp sữa uống tăng cường sức khỏe. Anh M. thổ lộ: “Muốn vào được Trường Trần Đại Nghĩa thì phải chấp nhận khổ cực thôi. Ở đây cháu được củng cố kiến thức căn bản, giải các dạng bài nâng cao và được làm quen với các dạng đề thi năm trước, phần nào không bỡ ngỡ với đề thi mới. Đặc biệt giáo viên (GV) giảng dạy là chính GV trong trường nên tôi yên tâm hơn”.
Trước đó con anh M. học ở trung tâm, cứ một môn học 2 buổi/tuần. Mỗi buổi 1 tiếng rưỡi, học phí khoảng 700 ngàn đồng/tháng. Các lớp mở ra từ đầu năm và mở rộng lớp cấp tốc cuối năm, HS đến học đông đảo, trung bình mỗi lớp khoảng 20 em.
Trường hợp chị Hồng Th. có con gái học lớp 5, Trường TH Lê Ngọc Hân (Q.1), không cho con đến trung tâm nhưng cũng mời hẳn GV dạy toán, tiếng Việt “chính chủ” THPT chuyên Trần Đại Nghĩa về nhà kèm cặp cho con từ đầu năm lớp 5. Đều đặn mỗi môn học 2 buổi/tuần với học phí 350 ngàn đồng cho môn tiếng Việt, 500 ngàn đồng cho môn toán. Chị Th. cho biết: “Nhờ người quen giới thiệu tôi thuê được ngay GV trong trường về dạy. Đề thi lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa hàng năm luôn có những câu đánh đố để phân loại HS, đòi hỏi HS phải vận dụng kiến thức tổng hợp, kiến thức thực tế khi làm bài. Điểm số hơn thua là ở đó, và ít ra các thầy cô trong trường ôn tập cũng sát kiến thức hơn”.
Hàng năm Trường Trần Đại Nghĩa chỉ tuyển khoảng 320 HS lớp 6 nhưng số hồ sơ nộp vào luôn hơn 4.000 bộ, đồng nghĩa mỗi HS phải chọi khoảng 13 HS khác mới có tấm vé vào trường. Học thêm, học với chính GV trong trường như tấm bùa hộ mệnh mà PH hy vọng giúp con đạt đểm cao. Bản thân nhà trường, vào khoảng ngày 20-5 hàng năm luôn mở lớp ôn tập vào các buổi sáng trong tuần, theo đó không ít HS tham gia. Một hiệu phó nhà trường chia sẻ, số HS tham gia ôn tập tại trường khoảng vài trăm em nhưng chưa phải là nhiều vì các em còn ôn luyện ở nhiều trung tâm khác. Ôn trước đó cả năm chứ không đợi đến ngày thi mới ôn.
Lên kế hoạch “chạy” từ 1, 2 năm
Phụ huynh nộp hồ sơ xin học cho con tại Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM. Ảnh: A.Khôi |
Một buổi sáng cuối tuần, dẫn con trai là An N. (lớp 3/1) và An T. (lớp 2/1, Trường TH Lê Ngọc Hân, Q.1) ra Công viên Tao Đàn chơi, chị X. mừng như bắt được vàng vì vô tình gặp được cô bảo mẫu Trường THCS Trần Quốc Toản (Q.1). Chẳng là nghe cô bảo mẫu nói Trường Trần Quốc Toản có chương trình Cambridge, đúng mong muốn của chị là “nhờ ai đó thân quen với các trường” để tiếp tục xin cho con vào trường tốp đầu của quận và là trường có chương trình tiếng Anh Cambridge. Sau một hồi xã giao, hai chị trao đổi số điện thoại, cô bảo mẫu hứa hẹn sẽ cố gắng “xin” 1 suất cho bé An N., còn chị X. thì mắt sáng rỡ: “Chị phải cố gắng giúp em nhé. Hai năm nữa là cháu lên cấp 2 rồi, không lo trước thì đến lúc đó lo sợ không được. Em không để chị thiệt đâu…”.
Được biết nhà chị X. ở Q.Tân Bình. Chị muốn con được học môi trường tiếng Anh tốt nhất, lại tiện đường đi làm nên ngay từ khi các bé học cấp 1, tận dụng quan hệ chị xin được 2 suất vào Trường Lê Ngọc Hân. Hai năm nữa bé An N. bước sang cấp 2 khiến chị lo lắng bị xét vào trường bình thường và không có chương trình tiếng Anh Cambridge để cháu học nên chị không ngần ngại tạo và tận dụng quan hệ thật sớm.
Tương tự, chị H. (cũng ở Q.Tân Bình) có con đang học lớp 4 trong quận, có cơ hội vào Trường THCS Nguyễn Gia Thiều khá cao nhưng chị vẫn không yên tâm. Để chắc chắn, nhiều năm trở lại đây chị luôn giữ mối quan hệ thật tốt với cô bạn làm trong ngành giáo dục nhằm mục đích nhờ gửi. Chị H. cho biết: “Cháu thuộc trường hợp nộp hồ sơ theo nguyện vọng 1, xét điểm từ cao xuống nhưng chưa chắc đã vào được trường này. Vì nghe nói hàng năm có những HS đạt 20 điểm vẫn rớt. Nên mình cứ lo trước vẫn yên tâm hơn”.
Theo thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (Q.1): “Những ngày này có không ít PH đến hỏi công tác tuyển sinh. Trái tuyến có, gửi gắm có hay muốn vào lớp có chương trình Cambridge cũng có…”. Theo thầy Khoa, hồ sơ trái tuyến nộp vào mỗi năm đến cả hơn 300 bộ, phần lớn HS từ Q.Bình Thạnh, Q.2 nộp vào. Nhưng trường chỉ giải quyết khoảng 50 bộ và chỉ giải quyết sau khi kế hoạch tuyển sinh đúng tuyến đã xong, ưu tiên cho con em cán bộ công tác ở Q.1, trong trường, hoặc những HS có anh chị đang học tại trường. Năm nay trường có 8 lớp 9 ra trường, theo đó trường dự định chỉ xin tuyển 6 lớp 6 để giảm dần sĩ số trong các lớp, khoảng 40 em, nâng cao chất lượng dạy học, như vậy cơ hội trái tuyến ngày càng khó hơn.
Tại Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Văn Vượng cũng khẳng định: “Cơ hội trái tuyến trúng tuyển rất khó. Theo quy định công tác tuyển sinh của quận thì, trường tuyển HS lớp 6 theo hai nguyện vọng: Nguyện vọng 1 giải quyết cho 20% HS có nhu cầu nộp hồ sơ vào trường và xét điểm từ cao xuống thấp. Nhưng cũng có em đạt 20 điểm vẫn rớt vì quá chỉ tiêu, chỉ khi các em đạt thêm những danh hiệu, thành tích học tập khác mới có cơ hội vào. Còn lại dành cho nguyện vọng 2, tức là xét theo diện đúng tuyến. Các trường hợp trái tuyến chỉ may mắn khi có HS nào đó đậu Trường Trần Đại Nghĩa hoặc có gia đình HS nào đó chuyển đi nơi khác sinh sống”.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Bình luận (0)