Năm học 2024-2025, TP.HCM sẽ mở rộng tuyển sinh vào lớp 6 theo hình thức khảo sát năng lực đầu vào, dự kiến tổ chức ở 6 trường THCS tại TP.Thủ Đức, quận 7, quận 1 và huyện Hóc Môn.
Dù không là trường tiên tiến, hội nhập, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) hàng năm vẫn có số lượng lớn học sinh nộp hồ sơ vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học tới TP.HCM có khoảng 128.000 học sinh lớp 6, giảm 24.000 học sinh so với năm học trước. Việc số học sinh đầu cấp giảm tác động đến phương án tuyển sinh đầu cấp của các địa phương, đảm bảo đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh trên địa bàn và thực hiện tốt mục tiêu Chương trình GDPT 2018.
Trong kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của các quận, huyện, năm học 2024-2025 sẽ có 6 trường THCS trên địa bàn quận 7, quận 1, TP.Thủ Đức và huyện Hóc Môn thực hiện khảo sát năng lực đầu vào lớp 6, cụ thể: Trường THCS Trần Quốc Toản 1, THCS Hoa Lư và THCS Bình Thọ tại TP.Thủ Đức; THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn); Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (quận 1, tách ra từ Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) dự kiến, hiện đang xây dựng đề án. Đây đều là những trường đang thực hiện mô hình trường chương trình chất lượng cao “trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”.
Theo ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, việc nhiều trường THCS tại TP.HCM mở rộng thực hiện khảo sát đầu vào lớp 6 trong năm học 2024-2025 được UBND TP.HCM cho phép, dựa theo văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT ngày 3-5-2019 của Bộ GD-ĐT. Theo đó, các trường THCS có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh thì được tuyển sinh theo hình thức tổ chức khảo sát đánh giá năng lực đầu vào lớp 6.
Từ năm học 2023-2024, UBND TP.HCM cho phép thực hiện khảo sát lớp 6 trong tuyển sinh đầu cấp ở các trường tiên tiến hiện đại. Trong đó Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP.Thủ Đức) đã tổ chức thực hiện. Năm nay các địa phương tiếp tục mở rộng hình thức này đối với các trường thực hiện mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế.
“Sở GD-ĐT chỉ đóng vai trò định hướng, còn các quận, huyện tùy theo đặc thù của từng địa phương sẽ xây dựng kế hoạch tuyển sinh riêng của địa phương mình cho phù hợp, làm sao đảm bảo nguyên tắc tất cả học sinh đều có chỗ học, đảm bảo việc thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đối tượng tuyển sinh, hình thức khảo sát, bài khảo sát, thời gian khảo sát và một số nội dung liên quan thực hiện theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM và kế hoạch tuyển sinh của Phòng GD-ĐT. Nếu không trúng tuyển vào lớp 6 theo hình thức khảo sát đánh giá năng lực thì học sinh vẫn được xét tuyển vào lớp 6 theo quy định của ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp quận, huyện” – ông Lê Hoài Nam thông tin.
Nhà trường, phụ huynh đều băn khoăn
Có con đang học lớp 5 tại một trường tiểu học theo mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế trên địa bàn TP.Thủ Đức, anh Nguyễn Hồng Tuấn (ngụ TP.Thủ Đức) cho biết, từ khi con học lớp 3 gia đình đã xác định lộ trình để con học lớp 6 tại trường THCS thực hiện mô hình trường tiên tiến, hội nhập trên địa bàn TP.Thủ Đức. Đến thời điểm này, con anh đã có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng như chứng chỉ tin học quốc tế – những tiêu chí hàng năm được sử dụng làm ưu tiên xét tuyển vào các trường thực hiện mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế.
“Bây giờ các trường THCS thực hiện theo mô hình này trên địa bàn TP.Thủ Đức đều tổ chức khảo sát đầu vào lớp 6 thì rất thiệt thòi cho những học sinh như con tôi đã có sự đầu tư từ rất sớm để đảm bảo điều kiện tuyển sinh vào trường. Không những vậy, việc ồ ạt tuyển sinh theo hình thức khảo sát còn khiến việc dạy thêm, học thêm, ôn luyện nở rộ, tạo thêm áp lực không đáng có cho học sinh trong giai đoạn chuyển cấp từ tiểu học lên THCS” – anh Hồng Tuấn băn khoăn.
Xét tuyển kèm ưu tiên xét tuyển vẫn đảm bảo công bằng, khách quan Theo thống kê, TP.HCM hiện có 295 trường THCS trên toàn thành phố. Thành phố phấn đầu xây dựng ít nhất mỗi quận, huyện 1 trường THCS thực hiện theo mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế ở mỗi bậc học, cấp học. Riêng ở bậc THCS, tính đến năm học 2023-2024, số trường THCS thực hiện mô hình trường tiên tiến hội nhập quốc tế là 12 trường. Trong khi quận 7, 1, TP.Thủ Đức và huyện Hóc Môn áp dụng hình thức tuyển sinh lớp 6 bằng hình thức khảo sát đánh giá năng lực đầu vào ở 6 trường THCS thực hiện mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế trong năm học 2024-2025, thì các địa phương còn lại vẫn tiếp tục sử dụng hình thức xét tuyển kết hợp với tiêu chí ưu tiên xét tuyển trong tuyển sinh lớp 6, với quy định cụ thể tùy theo đặc thù riêng của từng địa phương. Theo các địa phương này, hiện tại hình thức xét tuyển vẫn đảm bảo sàng lọc được đối tượng học sinh, đảm bảo tính công bằng, khách quan trong xét tuyển vào trường.
|
Hiệu trưởng một trường THCS thực hiện mô hình trường tiên tiến hội nhập thẳng thắn cho hay: khác với các trường THCS công lập khác, trường thực hiện theo mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế sẽ phải đóng mức học phí cao hơn nhiều lần. Theo quy định của HĐND TP.HCM thì mức thu hàng tháng của trường tiên tiến hội nhập tối đa là 1.725.000 đồng/tháng/học sinh. Không chỉ vậy, môi trường của trường cũng chú trọng nhiều về rèn luyện kỹ năng cho học sinh, bao gồm cả kỹ năng ngoại ngữ, tin học, đòi hỏi học sinh phải có năng lực tiếng Anh, tin học thì mới có thể theo học một cách dễ dàng…
Theo bà, trước đây, nhà trường tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển về kết quả học tập lớp 5 của học sinh và kết hợp với các tiêu chí ưu tiên xét tuyển như chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế… Do đó, chỉ những học sinh mà gia đình thực sự có mong muốn theo học thì mới đầu tư để tham gia xét tuyển vào trường, đồng nghĩa với việc phụ huynh học sinh phải nghiên cứu tìm hiểu kỹ về mô hình của trường. Vì vậy, việc dạy và học nhẹ nhàng.
“Nếu khảo sát đánh giá năng lực đầu vào học sinh lớp 6, nhiều học sinh khi đậu vào trường sẽ không theo học vì mức học phí không phù hợp với điều kiện gia đình. Cạnh đó, nhiều học sinh cũng có thể gặp khó về năng lực ngoại ngữ… Vì vậy, việc địa phương cân nhắc tổ chức khảo sát đầu vào lớp 6 là điều hết sức cần thiết”.
Khương Yến
Bình luận (0)