Mỗi năm Trường TH Trần Quang Khải – Q.1 chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu vào lớp 1 (ảnh chụp tại lễ khai giảng năm học 2008-2009) |
“Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tuyển sinh là ban giám hiệu, giáo viên lại lo lắng không biết có tuyển đủ học sinh không. Nếu không tuyển đủ thì giáo viên sẽ phải ra dự khuyết, hoạt động của nhà trường có nhiều xáo trộn”, ông Lê Công Minh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quang Khải, quận 1 tâm tư.
Chỉ tuyển được 50 – 70% chỉ tiêu
Do vẫn còn tới 3 phường không có trường tiểu học (TH) nên tình trạng quá tải ở Q.Gò Vấp càng trở nên trầm trọng. Tuy nhiên, theo ông Đặng Thanh Tuấn – Trưởng phòng GD-ĐT quận thì: “Gò Vấp có tới 4 trường bị phụ huynh “chê”, đó là Trường TH Trần Quốc Toản, Trường TH Phạm Ngũ Lão, Trường TH Lam Sơn, Trường TH Chi Lăng. Theo đó, những trường này đều không tuyển đủ chỉ tiêu học sinh…”.
Còn ở Q.1, trong khi nhiều trường như Trường TH Đinh Tiên Hoàng, Trường TH Hòa Bình, Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường TH Trần Hưng Đạo… không còn chỗ để tiếp nhận học sinh, thì Trường TH Trần Quang Khải lại chỉ tuyển được trên 50% học sinh so với chỉ tiêu. Năm học 2008-2009, mặc dù chỉ tiêu của trường là 3 lớp 1 (105 học sinh) nhưng trầy trật mãi mới tuyển được 80 học sinh. Năm học 2009-2010 còn thê thảm hơn. Theo chỉ đạo của Phòng GD-ĐT Q.1 thì Trường TH Trần Quảng Khải sẽ tiếp nhận trẻ của khu phố 5, 6 – P.Tân Định. “Theo danh sách mà UBND P.Tân Định gửi cho trường thì có trên 100 trẻ trong độ tuổi ra lớp 1. Song, trong đợt tuyển sinh vừa qua (từ 22 đến 27-6), nhà trường mới chỉ tiếp nhận được 60 hồ sơ. Tuy vậy, chưa hẳn những trẻ có hồ sơ đã học ở đây. Bởi phụ huynh nộp hồ sơ là để giữ chỗ, trên thực tế họ vẫn đang “chạy trường” khác”, ông Lê Công Minh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Chỉ cách nhau vài km nhưng Trường TH Chính Nghĩa và Trường TH Nguyễn Viết Xuân ở Q.5 lại rất “ế ẩm” trong việc tuyển sinh, hoàn toàn trái ngược với sự quá tải, “chạy trường” ở Trường TH Minh Đạo. Nhiều phụ huynh ở P.11 có con trong độ tuổi vào lớp 1 khi nhận được giấy gọi vào Trường TH Chính Nghĩa hay Trường TH Nguyễn Viết Xuân đều tỏ vẻ không hài lòng. Trong đó không ít phụ huynh đã tìm cách “chạy” cho con vào Trường TH Minh Đạo, Trường TH Bàu Sen…
Ông Nguyễn Trọng Cường – Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức thừa nhận: “Thủ Đức đang rất bức xúc về chỗ học cho trẻ lớp 1. Năm học 2009-2010, số trẻ ra lớp 1 tăng tới 2.400 trẻ so với năm học trước. Để có đủ chỗ cho trẻ học, nhiều trường đã phải giảm lớp bán trú, 2 buổi/ngày, tăng sĩ số học sinh”. Song, cũng trên địa bàn Thủ Đức lại có những trường bị phụ huynh “từ chối”. Đó là Trường TH Đặng Văn Bất, P.Linh Đông.
Vì đâu nên nỗi?
Nói về nguyên nhân có tới 4 trường TH bị phụ huynh “chê”, ông Đặng Thanh Tuấn khẳng định là do cơ sở vật chất yếu kém. Đặc biệt là Trường TH Lam Sơn có tới 3 cơ sở, số phòng học ở mỗi cơ sở lại quá ít – có cơ sở chỉ có 2 phòng học.
Và đây cũng là nguyên nhân khiến Trường TH Trần Quang Khải, Q.1 không tuyển đủ học sinh. “Trường có tới 2 cơ sở, cơ sở nào cũng nhỏ nhưng quan trọng hơn là trường đóng trên địa bàn dân cư nghèo. Thường chỉ những phụ huynh buôn bán nhỏ, lao động chân tay mới cho con học ở đây. Còn những phụ huynh khá giả một chút, hay là cán bộ, công chức nhà nước thì cố gắng “chạy” cho con sang các trường khác. Không chỉ có vậy, chỉ riêng P. Tân Định đã có tới 3 trường tiểu học (gồm Đuốc Sống, Trần Khánh Dư và Trần Quang Khải) nên cơ hội “chạy trường” của phụ huynh cũng lớn”, Hiệu trưởng nhà trường Lê Công Minh cho biết.
P.11, Q.5 cũng có tới 3 trường TH là Minh Đạo, Chính Nghĩa và Nguyễn Viết Xuân. Trong khi cơ sở vật chất ở Trường TH Minh Đạo khang trang thì Trường TH Chính Nghĩa và Nguyễn Viết Xuân lại có phần khiêm tốn. Bởi vậy nên phụ huynh cứ đổ xô “chạy” cho con vào Trường TH Minh Đạo…
Ông Nguyễn Xuân Bảo – Hiệu trưởng Trường TH Bàu Sen, một trong hai trường “nóng” về tuyển sinh đầu cấp ở quận 5 hiến kế: “Theo tôi, nguyên nhân chính khiến phụ huynh “chê” trường này mà “chạy” trường kia không phải vì chất lượng giáo dục, hay cơ sở vật chất mà do “thương hiệu” của trường. Bây giờ Q.1 cứ đổi tên các trường thành Hòa Bình, Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Đinh Tiên Hoàng, còn Q.5 thì đổi tên thành Bàu Sen, Minh Đạo. Lúc đó, dù học sinh có giấy gọi vào cơ sở nào thì cũng là Đinh Tiên Hoàng, Hòa Bình hay Bàu Sen, Minh Đạo. Và họ không còn lý do gì để “chạy” trường nữa… |
Để giảm việc “chạy trường”, quá tải cục bộ, “Trong năm học 2009-2010, Phòng GD-ĐT quận đã đầu tư kinh phí cho các trường khó khăn nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học”, ông Tuấn – Trưởng phòng GD-ĐT Gò Vấp nhấn mạnh.
“Mấy năm nay chúng tôi luôn cố gắng nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Kết quả là không có học sinh rớt tốt nghiệp, 98% học sinh tốt nghiệp đủ và dư điểm vào các trường THCS công lập. Tôi có thể khẳng định là chất lượng ở đây không thua kém bất kỳ một trường “điểm” nào trong quận. Ngoài ra, cứ đến mùa tuyển sinh, nhà trường lại phối hợp với chính quyền địa phương gửi thư mời trẻ ra lớp tới tận hộ dân. Mặc dù vậy vẫn chưa thể thu hút được học sinh”, ông Minh – Trường TH Trần Quang Khải tâm sự.
Trái ngược với cơ sở vật chất khiêm tốn ở Trường TH Trần Quang Khải – Q.1, Trường TH Lam Sơn – Q.Gò Vấp, cơ sở vật chất của Trường TH Đặng Văn Bất – Q.Thủ Đức rất khang trang. Thậm chí, trường còn chuẩn bị được công nhận là trường chuẩn quốc gia, thế nhưng vẫn “ế”…
Hòa Triều
Bình luận (0)