Chuẩn bị vào năm học mới, không chỉ thị trường sách giáo khoa, đồ dùng học tập “nóng” mà có một cuộc chiến “nóng” hơn tại Hà Nội, đó là cuộc chạy đua vào các trường đầu cấp. Và đây thực sự là “cuộc chiến” của các phụ huynh.
Nhộn nhịp mua bán suất “trái tuyến”
Bé Minh, con chị Thu Hường (phố Nhà Thờ – Hà Nội) năm nay lên lớp 6. Nếu đúng tuyến bé Minh sẽ học tại một trường gần nhà và tất nhiên nộp hồ sơ là được nhận. Nhưng nghe nói môi trường ở đấy không tốt lắm, cộng thêm việc mấy cô bạn rỉ tai ở Trường THCS T.V có nhiều giáo viên dạy giỏi, giàu kinh nghiệm, kỷ luật tốt… thế là chị Hường tìm mọi cách “chạy” bằng được cho con. Chị đã nhờ một giáo viên trong trường xin cho con chị vào học. Nhưng giáo viên này đã có người “đặt cọc” từ trước nên giới thiệu chị cho cô giáo khác. Và cô giáo này đã đồng ý “bán” cho chị Hường suất của mình.
Việc mua – bán suất học trái tuyến là chuyện “thường thấy” hàng năm tại các trường của Hà Nội đặc biệt là những trường có “thương hiệu”. Do đó, dù thường đến ngày 1-7 mới bắt đầu nộp hồ sơ tuyển sinh nhưng thực tế, các suất trái tuyến tại các trường này đều đã kín chỗ. Nhiều phụ huynh ở Hà Nội “nhắm chỗ” trước cho con có khi từ 1 – 2 năm trước. Chính vì vậy, những ngày nghỉ hè, giáo viên các trường “có chút tiếng tăm” lẽ ra được nghỉ ngơi thì điện thoại của họ lại luôn bận. Một hiệu trưởng tâm sự: “Đến những ngày này tôi thực sự sợ nghe điện thoại. Cứ thấy chuông reo là giật mình”. Có thể thông cảm cho nỗi lo của người hiệu trưởng trên, vì phần lớn các cuộc gọi thường chỉ xoay quanh chuyện “nhờ vả”.
Không chỉ muốn con học ở trường điểm mà nhiều phụ huynh còn muốn con phải vào học được ở lớp chất lượng cao. Đầu vào của những lớp này không đơn giản. Đối với THCS, học sinh phải đạt 10 kỳ học giỏi ở bậc tiểu học, đối với THPT, ngoài điểm thi vào “cao chót vót”, học sinh còn phải qua một kỳ tuyển chọn khác của trường. Nhiều phụ huynh vì muốn con mình có điều kiện tốt nhất để học tập nên đã không ngại tốn kém thời gian và tiền của để đưa con em mình vào bằng được lớp chất lượng cao. Một phụ huynh có con năm nay học trái tuyến tại Trường T.L không đạt đủ 10 kỳ học sinh giỏi ở bậc tiểu học, phụ huynh này đã tìm mọi cách xoay xở và kết quả là trước một ngày khóa sổ học sinh đó đã có tên trong danh sách lớp chất lượng cao của trường!
Nộp hồ sơ lúc nửa đêm!
Đến hẹn lại lên, ở Hà Nội, không ít phụ huynh phải thức đêm thức hôm xếp hàng để nộp hồ sơ cho con. Năm học 2008 – 2009, Trường THPT DL Lương Thế Vinh có 675 chỉ tiêu nhưng trường bán ra 6.100 hồ sơ đã hết sạch và điểm lấy vào trường cũng không hề thấp 51 điểm, tương đương với trường công lập điểm của thành phố (như Trường THPT Kim Liên). Để mua được một trong 6.100 bộ hồ sơ kia, nhiều phụ huynh đã đứng đợi từ đêm hôm trước. Kinh nghiệm của một phụ huynh đã từng có con học tại THPT Lương Thế Vinh thì: nếu cứ đến đúng như lịch của trường thì chỉ có thể chờ đến mùa tuyển sinh… năm sau. Chính vì vậy, để mua được một bộ hồ sơ vào trường này cho con, nhiều phụ huynh đã phải “ăn ngủ” tại trường từ đêm trước. 7 giờ 30 sáng ngày 14-7-2008 mới chính thức nhận hồ sơ, nhưng từ 3 giờ chiều ngày 13-7-2008, một số phụ huynh đã tới trường… đặt chỗ ngồi. Số người đông thêm từ lúc 11,12 giờ đêm, 1, 2 giờ sáng lại thêm tốp nữa và đến 6 giờ sáng nay danh sách đã có tới 210 hồ sơ xin học tại Trường Lương Thế Vinh. Nhiều học sinh đã được cả bố và mẹ thay phiên nhau “canh” để mong nộp được hồ sơ vào trường. Dựa vào danh sách này, nhà trường sẽ gọi phụ huynh vào nộp hồ sơ cho con. Chính vì thế, trong danh sách này còn có một cột đặc biệt: nộp hồ sơ lúc mấy giờ, thậm chí còn ghi chi tiết cụ thể tới từng phút. Ví dụ: Nguyễn Văn A: 1 giờ 45 phút!
Sở dĩ năm nào, Trường THPT DL Lương Thế Vinh cũng “hút” được lượng lớn hồ sơ là do hai năm nay, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của trường đạt 100%, tỉ lệ đỗ ĐH năm ngoái là 97%. Rất nhiều học sinh đã thành đạt từ ngôi trường này. Dù là trường ngoài công lập nhưng Trường THPT DL Lương Thế Vinh thực sự có sức cạnh tranh “ngang ngửa” với các trường công lập chất lượng cao của Hà Nội. Trong khi đó, tại một số trường công lập của Hà Nội, số thí sinh đăng ký rất thấp, thậm chí có trường thấp hơn số chỉ tiêu được giao như Trường THPT Minh Phú lấy 28 điểm nhưng vẫn có nhu cầu tuyển nguyện vọng 3.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)