Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội: Trường “điểm” quá tải

Tạp Chí Giáo Dục

Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, từ ngày 1/7 các trường phổ thông trên địa bàn mới bắt đầu nhận hồ sơ. Nhưng tới giờ này, “cuộc đua” của những phụ huynh mong tìm trường “như ý” cho con đã lên đến đỉnh điểm. Tại những quận đóng trên địa bàn có mật độ dân cư đông, trường học chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu lại càng “nóng”. Công tác quy hoạch đô thị chưa song hành với quy hoạch trường lớp khiến những nhà quản lý giáo dục đau đầu tìm giải pháp.   

Để cho con được học trường điểm, các bậc phụ huynh phải "chạy đua" từ bây giờ. Ảnh: Lê Phú

Chỉ tiêu tuyển sinh của những trường công lập được gắn mác trường “điểm” trên địa bàn các quận tại Hà Nội thực ra phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, số lượng giáo viên… Nhưng năm nào cũng vậy, số lượng hồ sơ đăng ký vào học những ngôi trường này thường gấp ba, bốn lần so với chỉ tiêu được phân của nhà trường.
Đăng ký vượt chỉ tiêu là bình thường
Theo thông tin từ trường tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa), năm học 2011, trường sẽ tuyển sinh các em học sinh 6 tuổi (sinh năm 2005) trên 3 khu vực là phường Cát Linh, phường Quốc Tử Giám và 16 tổ phường Ô Chợ Dừa.
Theo ông Đỗ Quang Hợp, hiệu trưởng nhà trường, mỗi năm nhà trường thường tuyển khoảng 350 – 360 chỉ tiêu vào lớp 1 với sĩ số trung bình khoảng 50 học sinh/lớp. Xung quanh khu vực trường có các trường tiểu học như tiểu học Văn Chương, tiểu học Tô Vĩnh Diện, tiểu học Lý Thường Kiệt đều đã đạt chuẩn quốc gia với khuôn viên rộng nhưng phụ huynh vẫn mong muốn cho con học tại trường Cát Linh. Đã nhiều lần nhà trường đề nghị chuyển một bộ phận học sinh sang trường tiểu học Lý Thường Kiệt để "giảm tải" cho nhà trường nhưng phụ huynh vẫn một mực xin cho con ở lại học.
Trường tiểu học Cát Linh đã sử dụng tối đa phòng học để đủ chỗ học cho học sinh.
Cũng trong tình trạng nhu cầu học cao nhưng chỗ học có hạn, trường tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa) năm nay phải giảm chỉ tiêu so với năm ngoái. Cô Phan Kim Anh, hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm trước trường tuyển sinh hơn 600 học sinh nhưng năm nay sẽ tuyển sinh ít hơn vì không có phòng học.
Còn trường tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình) cũng chỉ tuyển sinh những học sinh có hộ khẩu tại khu tập thể cao tầng Giảng Võ nhưng đại diện lãnh đạo trường cho biết, trung bình mỗi năm nhà trường phải tuyển sinh khoảng 400 học sinh. Cá biệt, có năm bùng nổ dân số, nhà trường đã phải tuyển tới 600 học sinh vào lớp 1.
Theo ghi nhận, càng những trường “điểm” được nhiều phụ huynh tín nhiệm thì số lượng hồ sơ càng vượt xa với chỉ tiêu đề ra. Lãnh đạo nhiều trường tiểu học tại Hà Nội tâm sự, mùa tuyển sinh vào lớp 1 của nhiều trường diễn ra nóng không kém gì kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Và không chỉ lớp 1, cuộc đua vào những lớp chọn, trường chuyên từ ngay đầu cấp (lớp 6 và lớp 10) cũng "nóng" không kém, khiến nhiều phụ huynh đau đầu.
Cơn sốt cho con học trường “như ý”
Công khai chia sẻ những băn khoăn, trăn trở tại các diễn đàn trên mạng internet, nhiều bậc phụ huynh chuẩn bị có con vào lớp 1 không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm “chạy” trường.
Mong muốn được cho con vào trường học như ý, một bộ phận phụ huynh đã “chạy” hộ khẩu cho con. Với hình thức nhập hộ khẩu “nhờ” vào họ hàng, người quen, những phụ huynh này cho biết, họ “kê cao gối” vì không phải lo “chạy” trái tuyến. Theo khảo sát của phòng giáo dục tại một số quận thì hầu hết ở những khu vực mà phụ huynh cho là trường “điểm”, trước mùa tuyển sinh đều có biến động về việc đăng ký hộ khẩu thường trú. Một lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, là một địa bàn có mật độ dân cư đông đúc, diện tích nhà ở cũng khá hẹp, thậm chí có gia đình nhà 30 m2 nhưng điều tra hộ khẩu có tới gần chục trẻ nhỏ?!
Theo ghi nhận, để tìm giải pháp tình thế trước tình trạng chuyển hộ khẩu một số trường đã đặt ra quy định như không tuyển những học sinh mới chuyển hộ khẩu đến trong 1 hoặc 2 năm.
Chia sẻ về vấn đề phụ huynh còn chạy theo “tâm lý” trường lớp, ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bày tỏ, xã hội và ngay chính bản thân phụ huynh cần có sự đánh giá đúng và nhìn nhận khách quan về việc cho con em mình học ở trường nào. Nhiều giáo viên và những hiệu trưởng có kinh nghiệm đã chỉ ra rằng tại những trường có quy mô nhỏ, sĩ số học sinh/lớp ít thì giáo viên có nhiều điều kiện quan tâm đến từng học sinh hơn ở những lớp chen chúc đến trên 50 học sinh, lại ngồi trong những phòng chỉ thiết kế cho 35 – 40 học sinh. Vì vậy, không phải cứ vào được trường như ý là mọi học sinh đều học giỏi. Điều mà phụ huynh nên quan tâm là khả năng, ý thức của con em mình và sự quan tâm của giáo viên với việc rèn luyện cho các cháu. Đừng vì hiệu ứng về “trường điểm”, “lớp chọn” mà mất thêm thời gian, công sức, tiền bạc.

Học đúng tuyến cũng lo thiếu chỗ

Công tác quy hoạch đô thị chưa song hành với quy hoạch trường lớp là vấn đề được nhiều nhà quản lý giáo dục đưa ra trong mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay.

Từ những năm trước, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có chủ trương "3 giảm": Sĩ số học sinh/lớp, số lớp ở những trường có quy mô quá lớn, số học sinh học trái tuyến. Đến nay, theo đánh giá của ngành giáo dục Thủ đô, chủ trương này đã tạo nên những bước cải thiện đáng kể về chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội cho hay, thành phố vẫn luôn đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh tiểu học và THCS với tỷ lệ trung bình chỉ khoảng trên dưới 40 học sinh/lớp. Nhưng do mật độ dân cư và sự khác nhau về quy mô của từng trường nên tỷ lệ này không đồng đều. Mặt khác, nhu cầu của cha mẹ học sinh đa dạng khiến cho việc tuyển sinh không chỉ là áp lực cho phụ huynh mà cho cả ngành giáo dục và các cấp quản lý.

Ví dụ như ở quận Đống Đa, hiện nay đã có hàng loạt các khu chung cư cao tầng vừa hoàn thành và đã đưa vào sử dụng. Điều này đồng nghĩa với việc dân ở ở khu vực này sẽ tăng. Tuy nhiên, số lượng trường học vẫn giữ nguyên. Vì vậy tình trạng thiếu trường lớp lại càng lên mức báo động. Đại diện ban giám hiệu trường tiểu học Nam Thành Công chia sẻ, việc tăng số lượng học sinh học đúng tuyến đã được trường triển khai từ hai năm trước. Do số lượng học sinh đăng ký vào trường đông lại đáp ứng đủ những điều kiện của ngành giáo dục nên để đủ chỗ học, trường phải sử dụng cả những phòng chức năng để mở lớp.

Tại khu tập thể Kim Liên cũ sau khi được đập đi xây mới và đưa vào sử dụng, số lượng trẻ trong độ tuổi đến trường cũng tăng vọt. Ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa cho biết, năm học 2010 – 2011 số trẻ vào lớp 1 lên tới gần 550 em, tăng hơn 2 lần so với năm ngoái (năm học 2009 – 2010 là 250 em). Học sinh học đúng tuyến vào một số trường tiểu học tăng vọt đều nằm trong các khu vực nội thành và khu đô thị mới.

Trong một trao đổi về hiện tượng quá tải đầu vào lớp Một diễn ra từ một vài năm trở lại đây, GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội chỉ ra việc quá tải đầu vào này nguyên nhân một phần là bất hợp lý trong việc quy hoạch đô thị. Việc xây dựng nhà ở đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân ở thành phố nhưng lại không tính đến việc xây dựng trường lớp sẽ dẫn đến những bức xúc trong xã hội mà chính những người dân sẽ phải gánh chịu. Thiết nghĩ, công tác quy hoạch đô thị cũng nên tính đến các vấn đề khác như xây dựng trường học để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Quy định của Sở GD – ĐT Hà Nội về tuyển sinh đầu cấp: Các trường chỉ được phép tuyển sinh từ ngày 1/7 đến ngày 15/7. Sau ngày 15/7, những trường chưa đủ chỉ tiêu tuyển sinh được giao phải báo cáo với Phòng GD – ĐT và căn cứ vào tình hình cụ thể UBND quận huyện, Phòng GD – ĐT cho phép trường được tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu từ ngày 17/7 đến ngày 20/7. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD – ĐT Hà Nội cho hay, Sở đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với các trường phải đảm bảo thực hiện quy chế công khai theo quy định tại Thông tư 09 của Bộ GD – ĐT để xã hội cùng giám sát công tác này. Theo phân cấp, các trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc quận huyện, thị xã quản lý và vì thế việc kiểm tra công tác tuyển sinh hàng năm do các địa phương thực hiện. Để khắc phục tình trạng này, trong 2 năm 2009 và 2010, thành phố đã đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng cho ngành giáo dục để xóa 5.523 phòng học tạm, phòng học cấp 4, và xuống cấp. Ngoài ra, thành phố còn chi hàng trăm tỷ đồng cho chương trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, chương trình chiếu sáng học đường, xây nhà vệ sinh, mua sắm rất nhiều trang thiết bị khác nhằm nâng cao chất lượng cơ sở vật chất… Những động thái này nhằm cải thiện chất lượng dạy và học của các trường và tạo cơ hội công bằng cho học sinh giữa các trường khác nhau, góp phần giảm sức ép của "trường điểm".

Lê Vân

(Theo Tin tức)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)