Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tuyển sinh đầu cấp tại TP.HCM: Không được học trường gần nhà!

Tạp Chí Giáo Dục

Cùng phường nhưng có người được cho con học trường gần nhà, trường tốt, người khác phải đưa con đến trường xa hơn, trường xuống cấp.
Phụ huynh nộp hồ sơ cho con vào học lớp 6 tại Trường THCS Hồng Bàng, Q.5, TP.HCM sáng 15-6-2009-Ảnh: NHƯ HÙNG
“Cả chục năm nay, con em cư trú tại P.Đa Kao (Q.1, TP.HCM) đều vào Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng. Con lớn của tôi cũng đang học lớp 4 ở đó. Năm nay, UBND P.Đa Kao thông báo các bé có hộ khẩu khu phố 7, P.Đa Kao phải học lớp 1 tại Trường Đuốc Sống. Điều bất hợp lý là từ nhà tôi đến Trường Đinh Tiên Hoàng chỉ khoảng 150m nhưng phải đi hơn 1km để đến Trường Đuốc Sống. Trong khi đó, rất nhiều bé khu vực đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (cũng thuộc P.Đa Kao) cách Trường Đinh Tiên Hoàng hơn 1km lại học ở Đinh Tiên Hoàng. Trong điều kiện kẹt xe diễn ra thường xuyên như hiện nay, tôi biết đưa đón con như thế nào khi hai đứa con học ở hai trường khác nhau?”.
Bức thư trên của chị T.P. là một trong nhiều thư của phụ huynh gửi báo Tuổi Trẻ ngày 17-6 cùng phản ảnh sự bức xúc về việc phân tuyến vào lớp 1 ở P.Đa Kao.
Chạy đường vòng
Không thể trách phụ huynh “chạy” trường
Sáng 19-6, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức hội nghị giao ban về tuyển sinh lớp 1 trên địa bàn TP.
Vấn đề HS 6 tuổi tăng đột biến là khó khăn của đa số quận, huyện khi thực hiện phân tuyến vào lớp 1. Đại diện Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú cho biết: “Chênh lệch đầu ra lớp 5 và đầu vào lớp 1 ở Tân Phú là 2.800 HS, tương đương 60 lớp. Nhưng cái khó nhất của chúng tôi là nhiều HS không được đi học ở trường gần nhà theo địa bàn. Ví dụ P.Tây Thạnh có hơn 1.000 trẻ 6 tuổi, trong khi Trường tiểu học Lê Lai chỉ nhận tối đa 480 em học 1 buổi/ngày. Chúng tôi phải chuyển số HS còn lại của P.Tây Thạnh sang các phường lân cận và cứ định tiến: một số HS phường lân cận Tây Thạnh lại chuyển sang phường kế bên nữa. Vì lý do này mà tính ra các trường tiểu học của Tân Phú chỉ nhận được 50% số HS trên địa bàn”.
Ông Lê Ngọc Điệp – trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP – nhấn mạnh: “Không thể trách việc phụ huynh “chạy” trường để cho con mình học trái tuyến. Vì bây giờ mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, ai cũng muốn con mình được học trường nổi tiếng để bé phát triển tốt nhất. Vấn đề các trường phải có biện pháp hạn chế tình trạng học trái tuyến, công khai việc tuyển sinh lớp 1 để phụ huynh không nghi ngờ”.
Về kinh nghiệm hạn chế tình trạng “chạy” trường, xin học trái tuyến, ông Đặng Thanh Tuấn – trưởng Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp – chia sẻ: “Chúng tôi thông báo trước: HS được học trái tuyến nhưng không được học bán trú. Thế là nhiều phụ huynh rút đơn lại”. Ông Phan Thành Lập – phó Phòng
GD-ĐT Q.Bình Tân – cũng khẳng định: “Năm nay Q.Bình Tân không giải quyết bất cứ một trường hợp trái tuyến nào, kể cả ở phường sát bên”.
Theo bà Trần Thị Kim Thanh – trưởng Phòng GD-ĐT Q.1: “Năm nay số trẻ 6 tuổi của P.Đa Kao lên đến 620 em trong khi Trường Đinh Tiên Hoàng chỉ nhận sáu lớp 1 học hai buổi/ngày. Phòng GD-ĐT đã họp bàn với lãnh đạo các phường và có xin ý kiến của UBND quận, căn cứ trên sơ đồ địa bàn, chúng tôi phân tuyến HS thuộc khu phố 1, 2A, 7 sẽ học Trường Đuốc Sống, số còn lại (431 HS) sẽ vào Trường  Đinh Tiên Hoàng.
Như vậy, trừ hai lớp tăng cường tiếng Anh học hai buổi, Trường Đinh Tiên Hoàng sẽ nhận tám lớp một buổi chứ không phải bốn lớp hai buổi như dự kiến ban đầu”. Về những bất hợp lý như nội dung thư của chị P., bà Thanh cho rằng: “Việc phân tuyến như trên có sự đồng ý của lãnh đạo P.Đa Kao. Sau giai đoạn 1, nếu còn chỗ chúng tôi sẽ giải quyết cho những phụ huynh nhà ở gần Trường Đinh Tiên Hoàng hoặc có con em đang học tại đây”. Trong khi đó sáng
17-6, sau khi lên Phòng GD-ĐT Q.1 đề đạt nguyện vọng, một số phụ huynh cho biết họ không hi vọng vào sự “còn chỗ”, tốt nhất mình tự lo cho con.
Chuyện bất cập ấy không chỉ xảy ra ở Q.1. Từ khi ngôi trường được xem là hiện đại nhất TP.HCM đi vào hoạt động, phụ huynh ở P.8, P.9 (Q.4) nao nức với cái tên: Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Nhưng niềm vui ấy đã vụt tắt trên môi nhiều người khi năm nay chỉ có 60 HS P.8 (và 205 HS P.9) được học Trường Nguyễn Văn Trỗi, số trẻ 6 tuổi còn lại của P.8 phải chuyển sang các trường tiểu học lân cận, trong đó có Trường Cây Bàng (một trường xuống cấp, trường lớp chật hẹp, không đúng quy cách, thiếu sân chơi…).
Đương nhiên các vị lãnh đạo có cái lý của họ khi phân tuyến vào lớp 1. Nhưng với người dân,  cùng một phường mà con mình phải học ở trường đang xuống cấp, còn con bà hàng xóm không hiểu sao lại được phân tuyến vào trường hiện đại nhất TP. Nói như nhiều phụ huynh ở đây: “Không được vào (Trường Nguyễn Văn Trỗi) bằng đường thẳng thì chạy đường vòng vậy”.
Điểm cao hơn nhà gần
Không phải ngẫu nhiên mà phụ huynh đua nhau “chạy” trường. Ai cũng muốn con mình được học trường tốt và phải “chạy” để đạt được mục tiêu ấy. Câu hỏi đặt ra ở đây là: tại sao quy định về tuyển sinh đầu cấp lại có khe hở để phụ huynh “chạy”? Điều này thấy rõ nhất trong việc tuyển sinh lớp 6 tại một số quận, huyện.
Gần hai tuần nay, nhiều phụ huynh ở P.8, Q.11 chưa ngớt xôn xao về việc tuyển sinh lớp 6 của Trường Chu Văn An. Theo họ, cách tuyển như hiện nay là “không công bằng” vì không có sự ưu tiên nào cho con em nhân dân trú đóng tại P.8, trong khi P.8 chỉ có duy nhất Trường Chu Văn An là trường THCS. Bởi nếu chiếu theo kế hoạch tuyển sinh của Phòng GD-ĐT Q.11: HS hoàn thành bậc tiểu học sẽ được vào lớp 6 công lập học ở gần nhà. Nhưng riêng Trường Chu Văn An, Phòng
GD-ĐT Q.11 cho phép tuyển HS của cả quận với điểm số đạt từ 19 trở lên. Đương nhiên với bối cảnh nêu trên, HS P.8 dưới 19 điểm sẽ phải đi xa hơn để qua học trường THCS thuộc phường khác.
TP.HCM đã bỏ loại hình trường THCS trọng điểm, trường THCS chất lượng cao từ nhiều năm nay, tức là không còn mô hình trường chuyên, lớp chọn ở cấp THCS. Như vậy, không có lý do gì để các trường THCS nổi tiếng có quyền chọn “đầu vào” cao hơn các trường khác. Thế nhưng, trên thực tế nhiều trường như: Nguyễn Du (Q.1), Nguyễn Du (Q.Gò Vấp), Chu Văn An (Q.11), Vân Đồn (Q.4), Cầu Kiệu (Q.Phú Nhuận), Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Văn Tố (Q.10)… vẫn tuyển chọn đầu vào với điểm chuẩn rất cao, HS của cả quận, thậm chí của các quận khác cũng được dự tuyển. Chẳng lẽ các trường đi ngược lại với chủ trương của Sở GD-ĐT TP: “HS ở quận nào học tại quận đó”?
Trong buổi họp báo về tuyển sinh đầu cấp năm học 2009-2010, khi PV Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về vấn đề trên, ông Huỳnh Công Minh – giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – nhìn nhận: “Trong bối cảnh như hiện nay, việc tuyển sinh với điểm chuẩn cao của một số trường THCS có thể chấp nhận ở mức tương đối với điều kiện các trường này phải nhận tối thiểu 50% số HS trên địa bàn trường trú đóng”.
Có lẽ vì lý do ấy mà chuyện “chạy” trường vẫn cứ diễn ra.
HOÀNG HƯƠNG (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)