Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh đầu vào năm học 2011-2012 Nơi thừa, nơi thiếu học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Còn khoảng 20 ngày nữa mới đến thời điểm các trường tiểu học và trung học cơ sở tại các thành phố, thị xã… mở cửa tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh các lớp đầu cấp, nhưng không khí “chạy đua” vào trường điểm đã “nóng” trong giới phụ huynh. Cũng như mọi năm, tình trạng nơi thừa, nơi thiếu học sinh sẽ diễn ra…
"Chạy" trường và hệ lụy
Lâu nay, ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… trường học được các bậc phụ huynh phân định thành 3 nhóm: Tốp trên, tốp giữa và tốp dưới. "Tốp trên" là những trường có số học sinh giỏi nhiều, “thi đâu trúng đấy” nên thường thu hút rất đông học sinh muốn nhập học, người ta vẫn gọi đó là những trường điểm. "Tốp dưới" là những trường có ít học sinh giỏi, thường không huy động đủ số học sinh theo chỉ tiêu.
Với quan niệm “gần đèn thì rạng”, không ít bậc phụ huynh cố tìm mọi cách để con mình được vào học một trong những trường thuộc "tốp trên". Thậm chí, những năm gần đây, không ít người sẵn sàng “gửi” hộ khẩu con mình cho người quen có hộ khẩu đúng tuyến của các trường điểm để được ưu tiên xét tuyển. “Em gái tôi có hộ khẩu đúng tuyến của Trường Tiểu học CL. Nghe mọi người nói đây là một trong những trường tiểu học nổi tiếng nhất ở Hà Nội nên tôi nhờ làm thủ tục nhập hộ khẩu cho con trai về với cô để đủ điều kiện vào học tại trường này”, một phụ huynh nói với chúng tôi.

Học sinh Trường Tiểu học Thịnh Quang (Đống Đa, Hà Nội) trong ngày khai giảng năm học 2010-2011. Ảnh: Trường Giang

Theo quy định của pháp luật về hộ khẩu, trẻ em dưới 18 tuổi có thể được nhập hộ khẩu cùng ông, bà, anh, chị, em, cô, dì, chú, bác ruột hoặc người giám hộ nếu không còn bố mẹ, hoặc bố mẹ không còn khả năng nuôi dưỡng. Không khó để người ta chứng minh tình trạng “không còn khả năng nuôi dưỡng” con dưới 18 tuổi. Vì thế, đây trở thành kẽ hở của luật pháp để các bậc phụ huynh lợi dụng với hy vọng con mình sẽ được vào học trường điểm theo diện đúng tuyến. 
Để chiến thắng trong “cuộc đua” đưa con về học tại trường điểm, nhiều bậc phụ huynh còn nghĩ ra rất nhiều cách thức khác, thậm chí có cả hiện tượng “chạy chọt” theo diện trái tuyến, hoặc tìm xin những “suất ngoại giao”. Điều này đang gây ra những hệ lụy không nhỏ.
Trong khi những trường thuộc "tốp trên" mệt mỏi vì công tác tuyển sinh, thì phần lớn những trường thuộc "tốp dưới" luôn nằm trong tình trạng thiếu học sinh. Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn những trường thuộc "tốp trên" đều có số học sinh trong mỗi lớp học cao hơn tiêu chuẩn (35 học sinh/lớp). Thậm chí, có những trường vượt chuẩn tới hàng chục học sinh, chẳng hạn Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Trường Tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh. Trong khi đó, nhiều trường thuộc "tốp dưới" có sĩ số mỗi lớp chỉ xoay quanh 20 học sinh. Thậm chí, Trường Tiểu học Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) thiếu học sinh tới mức phải đề nghị Phòng Giáo dục -Đào tạo quận can thiệp, yêu cầu các trường khác không tiếp nhận học sinh có hộ khẩu thường trú tại phường Phương Liên, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện là bao.
Sẽ siết chặt công tác tuyển sinh
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, bày tỏ: “Việc chọn trường không những gây mệt mỏi cho học sinh và gia đình mà còn gây nhiều khó khăn cho các nhà quản lý, từ việc "góp phần" làm ùn tắc giao thông, xáo trộn quy hoạch trường lớp, giáo viên, phân bổ kinh phí và thậm chí làm ảnh hưởng cả đến những em học sinh đang học đúng tuyến vì lớp trở nên đông hơn, sự quan tâm của giáo viên đến từng học sinh vì thế sẽ bị giảm đi”.
Theo ông Thống, trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các trường, do vậy, học sinh càng ngày càng được hưởng thụ những điều kiện giáo dục công bằng.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giảng viên, một trong những giải pháp quan trọng khác mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiến hành trong thời gian qua là mạnh dạn luân chuyển cán bộ, đề bạt và điều động các giáo viên trẻ có năng lực, có phẩm chất về công tác tại các trường khó khăn để xây dựng phong trào, nâng cao chất lượng dạy và học. “Kết quả là những năm gần đây đã có rất nhiều giáo viên và học sinh đạt giải cấp thành phố trong các kỳ thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi đến từ các trường vốn trước đây có nhiều khó khăn. Rõ ràng là không phải cứ vào được trường vừa ý là mọi học sinh đều học giỏi mà điều căn bản là khả năng, ý thức của học sinh, sự quan tâm của giáo viên đến mỗi học sinh, sự chú ý của phụ huynh với việc rèn luyện các cháu. Đừng vì hiệu ứng về “trường điểm”, “lớp chọn” mà phải mất thời gian, tiền bạc cho một số kẻ “môi giới” hứa hẹn xin cho con theo học trái tuyến”, ông Thống nói.
Theo kế hoạch, năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ áp dụng nhiều điểm mới trong công tác tuyển sinh để hạn chế tình trạng chọn trường của phụ huynh và học sinh. Cụ thể, UBND các quận, huyện, thị xã, các phòng giáo dục và đào tạo được phân cấp triệt để trong việc xây dựng kế hoạch, lên phương án tuyển sinh sao cho phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, khả năng cơ sở vật chất của mỗi trường trên từng địa bàn; yêu cầu nhà trường phối hợp với ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn trong công tác rà soát chính xác số học sinh trong độ tuổi cư trú trên địa bàn để tổ chức tuyển sinh.
Như vậy, với việc rà soát học sinh thực sự cư trú trên địa bàn để phục vụ công tác tuyển sinh, có thể thấy, năm nay, công tác tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội sẽ được siết chặt hơn. Mong rằng, các bậc phụ huynh sẽ sáng suốt lựa chọn được trường học phù hợp nhất với con mình, tránh trường hợp nghe theo "cò mồi" mà "tiền mất, tật mang".
Theo Minh Thắng   
QĐND
Ngày 15-6, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam năm học 2011-2012 sẽ tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2011-2012. Năm học này, trường chỉ tuyển 200 học sinh, nhưng đã có hơn 1000 hồ sơ dự tuyển hợp lệ (hồ sơ hợp lệ của trường này là học sinh phải có từ 4 năm trở lên ở cấp tiểu học xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt; có tổng điểm hai môn Tiếng Việt và Toán cuối học kỳ hai lớp 5 đạt từ 19,0 trở lên).
 

Bình luận (0)