Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tuyển sinh ĐH 2022: Vì sao lắm thí sinh ảo?

Tạp Chí Giáo Dục

Lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức lọc ảo tất cả phương thức xét tuyển của các trường đại học trong lần xét tuyển đợt 1. Một số chuyên gia cho rằng Bộ đang “ôm” việc của trường và hiệu quả không cao vì vẫn ảo.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2022 cả nước 941.580 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng sư phạm trên Hệ thống chung trong thời gian đăng ký thi tốt nghiệp THPT.

Tuyển sinh ĐH 2022: Vì sao lắm thí sinh ảo? ảnh 1

Đến khi đăng ký nguyện vọng sau khi biết điểm thi, có trên 620.000 thí sinh nhập nguyện vọng với hơn 3 triệu nguyện vọng (trung bình mỗi thí sinh có 5,03 nguyện vọng). Như vậy, số thí sinh đăng ký nguyện vọng năm 2022 đạt gần 66%, thấp hơn so với các năm trước.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT khẳng định đây là điều bình thường bởi so với các năm trước, năm nay việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH có điểm mới nên giúp giảm số “thí sinh ảo”.

Mọi năm khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh phải cùng lúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH (sau đó, có thể điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định) và nộp lệ phí xét tuyển ngay. Do đó, thí sinh sẽ có xu hướng và tâm lý “cứ đăng ký trước, đăng ký thật nhiều nguyện vọng” vì cho rằng, đây là cơ hội trúng tuyển, sau đó mới dần điều chỉnh.

Năm nay, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chưa phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, mà chỉ cần tích vào một ô trên phiếu đăng ký dự thi với nội dung “có ý định đăng ký xét tuyển ĐH hay không”. Tới khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới thực sự đăng ký nguyện vọng xét tuyển cụ thể và nộp lệ phí.

Khi nhận kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ biết mình đang ở đâu, biết được năng lực, thực lực đạt được của mình như thế nào. Nhiều thí sinh khi có kết quả điểm không cao và nhận thấy rằng, không đủ khả năng cạnh tranh khi xét tuyển ĐH nên các em đã không đăng ký nữa. Nhiều em khác đã có kết quả và quyết định đi du học…

Bởi vậy, việc năm nay có khá nhiều thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống là chuyện bình thường.

Lọc ảo chỉ là kỹ thuật

Trong số hơn 620.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, có trên 400.000 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Điểm mới của xét tuyển năm nay là Bộ GD&ĐT lọc ảo đối với tất cả các phương thức xét tuyển (trừ phương thức tuyển thẳng theo quy chế) với mục đích giảm ảo cho các trường và tạo sự bình đẳng, công bằng cho thí sinh.

Tuy nhiên, dù ngày 30/9 mới hết thời gian xác nhận nhập học, nhưng hiện đã có gần 100 trường ĐH công bố xét tuyển bổ sung do chưa tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1 xét tuyển.

Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM đã tổ chức khai giảng năm học mới dù kết quả tuyển sinh mới đạt 50%, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trên hệ thống đạt khoảng 60%, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại trường gần 50%.

Trường ĐH ĐH Hùng Vương TPHCM vừa thông báo tuyển bổ sung với số chỉ tiêu bằng đúng chỉ tiêu trường đã đưa ra trong đề án tuyển sinh, 2.045 chỉ tiêu.

Các chuyên gia cho rằng việc lọc ảo tất cả các phương thức không đạt được kết quả như kỳ vọng, các trường vẫn bị ảo.

Tuy nhiên, việc ảo này thực tế không liên quan đến kỹ thuật lọc ảo của Bộ GD&ĐT. Mà xuất phát từ chính nhu cầu của thí sinh.

Hiện nay có tỷ lệ không nhỏ thí sinh trúng tuyển ĐH nhưng không có nhu cầu xác nhận nhập học. Nguyên nhân do thí sinh trúng tuyển không phải ngành yêu thích nhất; do học phí; do thí sinh tham gia xét tuyển ĐH chỉ để lấy thành tích cho trường hoặc thí sinh đã có hướng lựa chọn khác như xuất khẩu lao động, học nghề.

Nghệ An là địa phương có tỷ lệ lao động xuất khẩu cao nhất nước những năm qua. Trong số này có nhiều thí sinh đã không lựa chọn con đường học ĐH. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH cao nhất nước.

Tại thời điểm đăng ký thi tốt nghiệp THPT, Nghệ An có 36.000 thí sinh dự thi. Trong số này có trên 32.000 thí sinh có nhu cầu xét tuyển ĐH. Tuy nhiên, đến khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển chính thức, số thí sinh không đăng ký lên đến trên 14.000 em.

Tương tự tại Hà Nội, ban đầu có 91.043/97.999 thí sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH. Như sau khi hệ thống đăng ký nguyện vọng xét tuyển mở, chỉ có 68.856 thí sinh đăng ký.

Theo Bộ GD&ĐT, điểm khác biệt căn bản trong việc đăng ký xét tuyển năm 2022 là thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Số liệu năm 2022 thể hiện con số thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào ĐH, mong muốn vào học sau khi đã có đầy đủ thông tin về kết quả thi tốt nghiệp THPT (kể cả điểm sau phúc khảo). Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện các định hướng và quyết định chủ động của thí sinh khi có đủ thông tin.

Ghi nhận cho thấy, ảo trong tuyển sinh thực chất không phụ thuộc vào việc Bộ GD&ĐT có lọc ảo hay không. Lọc ảo chỉ là kỹ thuật để giúp các trường tránh tình trạng 1 thí sinh trúng tuyển vào quá nhiều trường, mất cơ hội của những thí sinh khác.

Năm nay, ngành Y học dự phòng của Trường ĐH Y dược Hải Phòng tuyển 60 chỉ tiêu với điểm chuẩn 19,1, trong khi điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định là 19. Có 249 thí sinh đăng ký xét tuyển và chỉ có 47 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.

Tương tự ngành Điều dưỡng của Trường có điểm chuẩn 19,05 (điểm sàn 19), có 618 thí sinh đăng ký nguyện vọng. Kết quả lọc ảo trả về số thí sinh trúng tuyển đến sát mức điểm sàn 19 điểm chỉ từ 140-160/200 chỉ tiêu của ngành này.

Những năm trước, khi Bộ GD&ĐT chỉ lọc ảo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường ĐH vẫn thiếu chỉ tiêu và phải xét tuyển bổ sung. Năm 2021, số trường tuyển sinh đợt 1 đạt chỉ tiêu từ 70% trở xuống chiếm 24,45%. Trong đó có tới 17,78% số trường tuyển sinh đạt dưới 50% chỉ tiêu.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)