Năm 2015, Bộ GD&ĐT quyết định chấm dứt sứ mạng lịch sử kỳ thi 3 chung, nhiều trường ĐH đưa ra phương thức xét kết quả học bạ THPT để tuyển sinh. Đến nay, khi kỳ thi THPT chỉ còn một mục tiêu xét tốt nghiệp, phương thức xét tuyển học bạ được sử dụng ngày càng nhiều. Tuy vậy, một số cơ sở giáo dục ĐH nhất quyết không sử dụng phương thức này để xét tuyển, trong đó có các trường ĐH, các khoa trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, điểm học bạ chưa được trường ĐH nhóm trên tin tưởng là do nhiều trường phổ thông chưa áp dụng các cơ chế đảm bảo chất lượng cho kiểm tra đánh giá lớp học. Ví dụ, nhiều nơi không xây dựng dạng thức chung cho bài thi, không đánh giá, phân tích độ giá trị và độ tin cậy của bài thi, không có phân tích về mức độ tuân thủ chuẩn đầu ra đối với môn học… Ngoài ra, việc chấm bài bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố con người, như kiểu thương học sinh. Vì vậy, việc cho điểm bài thi môn học rất dễ rơi vào tình trạng tùy biến. TS Nguyễn Thanh Bình, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận định, đánh giá qua học bạ đang bị vênh giữa các trường THPT, giữa các địa phương…
PGS.TS Trần Văn Tớp, nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, nêu thực tế, do được tự chủ tuyển sinh, các trường có quyền sử dụng các phương thức khác nhau, dựa trên thông tin đánh giá năng lực người học một cách khách quan (học bạ, thi…), chọn được sinh viên phù hợp. 20 năm trước đây, khi xét tuyển thẳng vào ĐH dựa trên kết quả 3 năm là học sinh giỏi, Bộ GD&ĐT triển khai được một số năm, nhưng sau phải bỏ vì nhiều trường phổ thông “mông má” học bạ.
Đến khi một số trường xét tuyển theo học bạ, PGS Tớp cho hay, đã cảnh báo dễ lặp lại tình trạng trên. Ngày đó, lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH khẳng định sử dụng học bạ điện tử, không thể sửa điểm vì sửa sẽ để lại dấu vết. Nhưng theo PGS Tớp, nếu có, các trường sẽ sửa điểm trước khi cập nhật trên học bạ điện tử. Từ năm 2020, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy để lấy kết quả xét tuyển và phương thức xét tuyển tài năng (kết quả học bạ theo tổ hợp xét tuyển + điểm thưởng học sinh giỏi, chứng chỉ ngoại ngữ + phỏng vấn). Nói thêm về việc sử dụng kết quả học bạ chỉ là một yếu tố cấu thành phương thức xét tuyển tài năng, PGS. TS Vũ Duy Hải, Phó trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay, điểm xét tuyển bao gồm điểm học bạ chiếm 40%, thành tích 40% và phỏng vấn 20%. Ba chỉ số này về cơ bản đánh giá được toàn diện thí sinh muốn theo học tại ĐH Bách khoa Hà Nội.
Năm 2022, kết quả đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ lớp 12 tại các địa phương đã cho ra các con số khá bất ngờ. Ví dụ với môn Ngữ văn, điểm trung bình học bạ của học sinh Tiền Giang cao nhất nước, nhưng điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ đứng thứ 11; còn của học sinh Bắc Kạn điểm thi xếp thứ 35 nhưng điểm học bạ đứng cuối bảng xếp hạng. Với môn Sinh học, Hà Nội có điểm trung bình học bạ cao nhất nước nhưng điểm thi lại tụt xuống vị trí 58/63 tỉnh, thành…
Một trong những nội dung được đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thay mặt cử tri tỉnh này gửi tới Bộ GD&ĐT liên quan đến kiến nghị bỏ phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ. Cử tri cho rằng hiện nay, nhiều tiêu cực nảy sinh trong việc “chạy điểm”, “làm đẹp” học bạ ở các trường. Liên quan đến kiến nghị này, Bộ GD&ĐT cho hay, Luật Giáo dục ĐH năm 2018 cho phép các trường ĐH tuyển sinh bằng các phương thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Năm 2022, cơ sở giáo dục ĐH dành khoảng 240.000 chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ và xét tuyển kết hợp học bạ với các tiêu chí khác, chiếm 40% tổng chỉ tiêu. Phương thức này chiếm tỷ trọng cao thứ hai trong 18 phương thức xét tuyển, sau phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. |
Quy chế tuyển sinh ĐH do Bộ ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, các cơ sở đào tạo; đồng thời để các cơ sở giáo dục ĐH thống nhất thực hiện trong việc tuyển sinh và quy định. Bộ chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế.
“Dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển ĐH hay không, trách nhiệm của các nhà trường là phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học”, Bộ GD&ĐT khẳng định.
Ở các cơ sở giáo dục ĐH tốp đầu, điểm học bạ chỉ có giá trị như một thành tố cấu thành phương thức xét tuyển hoặc không được sử dụng. Sắp tới, việc sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do các trung tâm khảo thí tổ chức sẽ giúp trường ĐH giảm phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp hay kết quả học tập ở phổ thông để tuyển sinh.
Theo Nghiêm Huê/TPO
Bình luận (0)