Chỉ trong một tối, nhóm Zalo do cô Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội thiết lập đã thu hút gần 400 học sinh lớp 12 trong trường tham gia. Cô Yến cho hay, học sinh quan tâm Kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội và Bài thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Năm 2023, nhiều lựa chọn cho thí sinh xét tuyển ĐH. Ảnh: Nghiêm Huê
“Tất cả băn khoăn, thắc mắc của các em đều được trường tổng hợp và gửi đến các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Ngoài ra, chúng tôi hướng dẫn học sinh liên hệ đến trường ĐH – nơi các em dự định đăng ký xét tuyển nguyện vọng để được giải đáp chi tiết, đúng trọng tâm. Hoặc các em có thể tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh và đặt câu hỏi với chuyên gia để được hướng dẫn tận tình”, cô Yến chia sẻ.
Nguyễn Duy Tuấn, học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, cho hay vừa tham gia thi thử kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. Theo Tuấn, đề thi thử kiến thức chủ yếu trong chương trình lớp 12, trong đó có nhiều kiến thức của học kỳ II. Năm nay, Tuấn dự kiến xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và một số trường kinh tế khác. Những trường này có xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội nên Tuấn băn khoăn không biết nên lựa chọn tham gia kỳ thi nào.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2022 có trên 60 cơ sở đào tạo ĐH tuyên bố sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Năm nay, các trường đang xây dựng đề án thi nên chưa có số liệu tổng hợp. Cũng trong năm 2022, kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022 cũng có 20 trường sử dụng kết quả để xét tuyển; gần 100 trường ĐH sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM xét tuyển.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, cho biết, năm 2023, nhà trường giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm trước, trong đó có phương thức lấy kết quả thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia. Theo bà Hiền, kết quả học tập của sinh viên xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia so với nhóm sinh viên xét tuyển bằng các phương thức khác cho chất lượng tương đương nhau.
Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên dự hội thảo của 2 ĐH Quốc gia để nắm bắt thông tin về kỳ thi như phổ điểm, kết quả đối sánh giữa điểm thi năng lực và điểm học tập của thí sinh tại trường THPT. Bà Hiền khẳng định đây là những căn cứ quan trọng trước mỗi mùa tuyển sinh để nhà trường quyết định lựa chọn phương thức xét tuyển.
Cần định hướng tuyển sinh từ năm 2025
Trái với các trường ĐH khu vực phía Bắc, hiện nhiều trường khu vực phía Nam bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển ĐH năm 2023. Là một trong những cơ sở giáo dục ĐH thông báo nhận hồ sơ xét tuyển vào ĐH chính quy theo phương thức xét học bạ sớm nhất cả nước, Trường ĐH Thái Bình Dương đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ của thí sinh đến khi đủ chỉ tiêu tuyển sinh từ ngày 3/1.
Tương tự, từ ngày 6/1, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng nhận hồ sơ xét tuyển tất cả các ngành ĐH chính quy theo kết quả học bạ THPT của 5 học kỳ (không tính học kỳ 2 lớp 12). Trường ĐH Văn Hiến cũng đang trong thời gian nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 theo kết quả học bạ THPT đến hết ngày 30/5. Trường ĐH Công nghệ TPHCM nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 1 từ ngày 31/1 đến 31/3. Nhà trường lưu ý với những thí sinh đang là học sinh lớp 12 chưa có kết quả xét tốt nghiệp THPT năm 2023 vẫn có thể đăng ký xét tuyển học bạ trong đợt đầu tiên bằng cách nộp trước phiếu đăng ký xét tuyển và bản photo công chứng học bạ THPT.
Ngay từ bây giờ, thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH năm 2023 đã có thể nộp hồ sơ “giữ chỗ” để thêm cơ hội vào ĐH, kể cả với học sinh còn đang học lớp 12, chưa thi tốt nghiệp THPT. Bởi với phương thức xét tuyển học bạ, đa số các trường đều lấy điểm 5 học kỳ đầu của học sinh THPT, không xét điểm học kỳ 2 lớp 12. Dẫu vậy, theo các chuyên gia, thí sinh cần cân nhắc về ngành học, trường học.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lưu ý, các cơ sở đào tạo cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, khó khăn cho thí sinh.
Bộ GD&ĐT đề nghị, cơ sở đào tạo cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông mới. Các phương thức tuyển sinh cần phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Năm 2023, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh. |
Theo Nghiêm Huê/TPO
Bình luận (0)