Hãy tìm hiểu kỹ các ngành học trước khi đặt bút đăng ký dự thi – Ảnh: Đ.N.T |
Bài viết này nhằm giúp học sinh xác định hướng đi tương lai của mình trong điều kiện phương thức thi tuyển sinh ĐH-CĐ còn dựa vào khối thi.
Bình tĩnh khi chọn ngành
Hiện nay, việc lựa chọn ngành học đối với học sinh ngày càng khó hơn do các nguyên nhân chính như số cơ sở đào tạo, số ngành đào tạo ngày càng nhiều (trên 300 cơ sở đào tạo ĐH-CĐ với trên 3.000 ngành đào tạo); khái niệm về việc làm, nhu cầu tuyển dụng thay đổi nhanh chóng; số người muốn học tiếp ĐH-CĐ gia tăng…
Trong thời gian qua, mặc dù các cấp, ban ngành đã có nhiều nỗ lực để phân luồng học sinh sau trung học để học sinh chọn ngành phù hợp với sở thích, sở trường, nhưng vẫn còn nhiều bạn quá bị ảnh hưởng bởi "tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi trên chỉ tiêu" và điểm chuẩn của năm trước dẫn đến tâm lý né những ngành có tỷ lệ đăng ký và điểm chuẩn cao, bỏ qua cơ hội vào ĐH với ngành có thể phù hợp nhất với mình. Hoặc có bạn đăng ký nhiều hồ sơ, cuối cùng thấy ngành học có tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi cao quá nên đã bỏ. Ví dụ, ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Công nghệ sinh học, Công nghệ môi trường, Vật lý kỹ thuật, Công nghệ dệt may – những ngành học rất hay và nước ta đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng năm 2008 tuyển không đủ chỉ tiêu. Và kết quả trúng tuyển của những trường này cho thấy điểm trung bình của các thí sinh trúng tuyển là không cao, như vậy nhiều học sinh đã bỏ qua cơ hội được học ngành mình thích và có đủ khả năng để vào.
Phải hiểu bản thân mình
Không nên quá chú trọng vào trường công hay trường tư
Theo chủ trương tuyển sinh, để nâng chất lượng đầu vào, các trường ĐH thường dành tỷ lệ nhất định để gọi trúng tuyển NV2. Năm 2007, có 68% thí sinh trúng tuyển NV1, 32% trúng tuyển NV2. Năm 2008, ĐH Quốc gia TP.HCM có 60% thí sinh trúng tuyển NV1, 40% trúng tuyển NV2. Thực tế, NV2 là cơ hội dành cho thí sinh có kết quả thi khá cao nhưng chưa trúng tuyển, do đó các bạn cần tận dụng cơ hội sau cùng này, và nên chọn trường có ngành học phù hợp với sở thích của mình, không nên quá chú trọng vào trường công hay trường tư.
|
Hiểu chính bản thân mình nghĩa là bạn cần biết sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp THPT, bằng cách tự trả lời các câu hỏi như: Mình quan tâm đến nghề nào và tại sao? Mình dự định sẽ làm gì để theo đuổi nghề yêu thích? Sở thích nghề nghiệp của mình phù hợp với những ngành nghề nào? Và năng lực học tập, hoàn cảnh cá nhân của mình có phù hợp ngành nghề dự định hay không?
Bạn có thể sử dụng những công cụ để tự khám phá sở thích nghề nghiệp của mình, có thể tham khảo tại website: aad.vnuhcm.edu.vn/ huongnghiep/.
Nắm rõ nhu cầu nhân lực
Người học có thể nắm được rất nhiều thông tin qua báo chí, các website. Để hiểu về nghề, bạn có thể tìm hiểu thông tin về dự báo nhu cầu nhân lực, về những lĩnh vực trọng điểm của địa phương; tốt hơn cả là nên vào website của địa phương mình để biết định hướng phát triển trong những năm tới. Ví dụ, bạn nào có dự định làm việc lâu dài tại TP.HCM, có thể truy cập vào website: http://www.hochiminhcity.gov.vn/index_cityweb để xem các thông tin về định hướng phát triển thành phố trong những năm tới hoặc vào trang việc làm của các báo để xem những ngành nào được tuyển dụng nhiều nhất và các nghề tương ứng với các ngành này đòi hỏi những tố chất nào; mình có đáp ứng được hay cần phấn đấu thêm. Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành đều có trường TCCN, CĐ, ĐH. Vì vậy, học sinh nên tìm hiểu trường tại địa phương mình trước, bởi các trường tại địa phương đều đào tạo theo nhu cầu của khu vực.
Xác định năng lực học tập
Cùng một ngành, nhưng có nhiều trường đào tạo với mức điểm đầu vào rất khác nhau, vì vậy điều quan trọng tiếp theo là bạn phải hiểu rõ thực lực của mình để chọn trường phù hợp. Thực lực ở đây có thể bao gồm năng lực học tập, hoàn cảnh cá nhân, hoàn cảnh gia đình. Để xác định năng lực học tập bạn có thể dựa vào kết quả học tập bậc THPT hoặc thử giải đề thi tuyển sinh ĐH, hay tìm hiểu xem sức học của thí sinh đăng ký ở các năm trước như thế nào. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá bi quan nếu kết quả học tập còn thấp so với mặt bằng điểm của các năm trước, bởi nếu đã xác định được mục tiêu cũng như sở thích, năng lực học tập của mình rồi, điều quan trọng là nếu có quyết tâm và kế hoạch cụ thể thì chắc chắn bạn sẽ đạt được mục tiêu.
Phải hiểu về nơi đào tạo
Để tìm hiểu thông tin về trường: ngành gì, học gì và ra trường làm được việc gì, học sinh truy cập vào website của các trường ĐH, CĐ. Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục ĐH năm học 2008 – 2009 quy định các cơ sở đào tạo phải triển khai "3 công khai": công khai cam kết mục tiêu và chất lượng đào tạo; công khai lực lượng giảng viên và các nguồn lực của trường; công khai tài chính của trường từ tháng 2.2009 trên tài liệu giới thiệu trường, trang web của trường và tại các khoa.
Bạn cũng đừng bỏ qua thông tin từ tài liệu của Bộ GD-ĐT; thông tin qua các buổi tư vấn mùa thi tại cộng đồng, tư vấn trực tuyến qua mạng và qua truyền hình như chương trình của Báo Thanh Niên.
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai
(Phó ban ĐH – sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM)
(Phó ban ĐH – sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Bình luận (0)