Kiểm tra hồ sơ thí sinh trong phòng thi (Trường ĐHKH&CN Hà Nội) – kỳ thi ĐH, CĐ năm 2008 |
> Chiến lược phát triển giáo dục 2008-2020: Hội nhập với giáo dục thế giới
(Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Hà trả lời phỏng vấn Báo GD-TĐ về những chủ trương mới trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009)
Được biết, Bộ GD-ĐT đang tính tới việc bỏ kỳ thi cao đẳng trong năm tuyển sinh 2009, vậy chủ trương này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa bà?
Vụ trưởng Trần Thị Hà: Từ nhiều năm nay, quy chế tuyển sinh đã cho phép các trường cao đẳng sử dụng kết quả thi đại học để xét tuyển vào cao đẳng và xu hướng các trường cao đẳng sử dụng kết quả thi đại học để xét tuyển vào trường cao đẳng cũng tăng lên rõ ràng. Năm 2006 có 45 trường, năm 2007 có 85 trường.
Để tiếp tục thực hiện lộ trình cải tiến thi cử theo hướng gọn nhẹ, theo đề nghị của rất nhiều trường cao đẳng, chuẩn bị cho việc tuyển sinh năm 2009 Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các trường cao đẳng có tổ chức thi tuyển sinh năm 2008 về việc: chỉ tổ chức 2 đợt thi đại học gồm: Đợt 1 khối A và V (trong 2 ngày 4-5/7/2009); Đợt 2 thi khối B, C, D và các khối năng khiếu (trong 2 ngày 9-10/7/2009). Như vậy, thí sinh có nguyện vọng học các trường cao đẳng sẽ đăng ký thi theo các trường đại học để lấy kết quả xét tuyển.
Theo hướng này, thì tất cả các trường cao đẳng sẽ không tổ chức thi tuyển sinh mà chỉ xét tuyển trên cơ sở kết quả thi đại học của thí sinh theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, cùng khối thi. Chúng tôi đã tính hết những yếu tố cần thiết để thí sinh không ảnh hưởng, theo đó bỏ thi cao đẳng nhưng thí sinh vẫn có 3 cơ hội khi đăng ký vào các trường đại học hay cao đẳng như năm trước. Có thể hiểu là thí sinh nếu không có nguyện vọng học đại học mà chỉ học cao đẳng thì sẽ thi “nhờ” các trường đại học để lấy kết quả xét tuyển cao đẳng.
Chủ trương thực hiện bỏ thi cao đẳng, ngoài việc tiếp tục cải tiến công tác thi cử theo hướng gọn nhẹ thì nhiều nhà trường có tổ chức thi những năm qua cho rằng sẽ góp phần làm giảm gánh nặng thi cử và tiết kiệm cho xã hội. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng những tiết kiệm này là không đáng kể?
Vụ trưởng Trần Thị Hà: Giảm áp lực thi cử, góp phần tiết kiệm cho xã hội là mục đích chính của chủ trương này. Theo tôi, chủ trương trên nếu được đồng thuận thì sẽ góp phần giảm thêm gánh nặng thi cử rất lớn cho các nhà trường và người dân. Ví dụ, nếu theo số liệu thống kê của năm 2008, nếu không tổ chức kỳ thi cao đẳng thì sẽ giảm bớt được hơn 600.000 hồ sơ đăng ký dự thi và hơn 400.000 người không phải dự thi đợt 3. Như vậy, các trường sẽ đỡ tốn kém, vì không phải thuê mướn (địa điểm thi, cán bộ coi thi, cán bộ chấm thi…); không phải chi phí cho công tác chuẩn bị thi (giấy thi, giấy nháp, văn phòng phẩm, các loại phù hiệu); tránh được rủi ro, sai sót trong công tác tuyển sinh, đặc biệt là trong tổ chức thi (về đề thi, thất lạc bài thi, cán bộ tuyển sinh vi phạm quy chế phải bị xử lý, sai sót trong chấm thi, tổng hợp điểm,…). Về phía thí sinh và xã hội, số thí sinh ảo giảm, tránh được lãng phí cho thí sinh, gia đình và xã hội; Có tác động tích cực đến việc phân luồng học sinh sau trung học phổ thong; giảm đợt thi cao đẳng đồng nghĩa với việc giảm 1 đợt áp lực người đổ về các thành phố lớn (áp lực về giao thông, ăn ở, an toàn vệ sinh thực phẩm, tệ nạn xã hội,…).
Vậy bỏ thi tuyển sinh cao đẳng, Bộ GD-ĐT đã tính đến những khó khăn trong việc xét tuyển của các nhà trường?
Vụ trưởng Trần Thị Hà: Trên thực tế, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2008 đã có gần 90 trường cao đẳng không tổ chức thi mà sử dụng kết quả thi đại học theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT để xét tuyển, chỉ còn lại trên 100 trường là có tổ chức thi. Theo báo cáo của các trường cao đẳng có tổ chức xét tuyển trong năm 2008 thì đều đã tuyển đủ sinh viên theo chỉ tiêu được duyệt hoàn toàn không có khó khăn gì.
Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương bỏ kỳ thi cao đẳng trong mùa tuyển sinh 2009, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi trong các nhà trường, để sao cho nếu tất cả các trường cao đẳng đều không tổ chức thi, thì vẫn đảm bảo đủ nguồn tuyển. Chúng tôi cũng đã cân nhắc kỹ để việc cải tiến chủ trương này có lợi nhất cho xã hội và không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.
Thế còn những ảnh hưởng đối với thí sinh những ngành tuyển sinh nghệ thuật thì thế nào, thưa bà?
Vụ trưởng Trần Thị Hà: Riêng các trường cao đẳng có thi các môn năng khiếu, nghệ thuật và các trường cao đẳng có đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật, sẽ được sử dụng kết quả thi đại học cùng khối thi để xét tuyển (các môn văn hóa theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT và các môn năng khiếu, nghệ thuật theo đề thi riêng của các trường đại học) hoặc sử dụng kết quả thi đại học các môn văn hóa theo đề thi chung của Bộ và chỉ thi các môn năng khiếu”.
Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh có lựa chọn phù hợp với khả năng, Bộ sẽ tập hợp đề xuất của các trường cao đẳng và sẽ báo cáo, thảo luận trong Hội nghị tuyển sinh (sẽ được tổ chức vào đầu tháng 1/2009) và sẽ công bố quyết định chính thức. Từ đó sẽ có điều chỉnh sửa đổi quy chế thi tuyển sinh. Chỉ khi Quy chế tuyển sinh năm 2009 ban hành thì mới là quyết định cuối cùng tuyển sinh theo hướng nào.
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo năm 2009. Vậy chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng sẽ được giao theo hướng nào?
Vụ trưởng Trần Thị Hà: Chỉ tiêu tuyển sinh do các trường đại học, cao đẳng căn cứ vào năng lực để đăng ký, và Bộ GD-ĐT yêu cầu trường phải dự tính đăng ký cho 3 năm, từ 2009 tới 2011. Bộ GD-ĐT sẽ chấp thuận chỉ tiêu năm 2009 cho các trường, trên cơ sở tính toán kiểm tra năng lực của trường và chấp thuận chỉ tiêu dự tính cho năm 2010, 2011. Tinh thần là sẽ ưu tiên đào tạo theo địa chỉ đáp ứng nhu cầu xã hội, đào tạo cho các vùng khó khăn, chỉ tiêu liên kết đào tạo, chỉ tiêu đào tạo vừa làm vừa học, liên thông, văn bằng hai được xác định trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2009 của cơ sở đào tạo; phần chỉ tiêu tăng thêm hàng năm chủ yếu dành cho các cơ sở đào tạo có năng lực đội ngũ giảng viên được bổ sung trong năm qua, cơ sở đào tạo mới thành lập.
Trong tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy, các trường phải xác định rõ số lượng chỉ tiêu đào tạo cho các ngành ưu tiên phát triển như nông lâm, y dược, sư phạm. Với các ngành sẽ mở trong năm 2009, các trường chỉ được tuyển sinh những ngành mở trước tháng 3/2009, những ngày mở sau thời điểm này chỉ được xác định chỉ tiêu từ năm 2010. Với đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, Bộ GD-ĐT chủ trương ưu tiên tăng chỉ tiêu. Với tuyển sinh cao đẳng, trung cấp trong các trường đại học trọng điểm thì chỉ tiêu sẽ phải giảm dần.
Những trường nào năm 2008 đã tuyển sinh vượt quá 20% chỉ tiêu đăng ký ban đầu sẽ bị trừ vào chỉ tiêu đã xác định của năm 2009.
Để đảm bảo chất lượng tuyển sinh hệ tại chức, theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng cho hệ vừa làm vừa học mới được ban hành, sẽ có những quy định chặt chẽ hơn, thưa bà?
Vụ trưởng Trần Thị Hà: Quy chế tuyển sinh vừa học vừa làm (tại chức cũ) mới ban hành có nhiều điểm mới để vừa nâng cao chất lượng tuyển chọn, vừa phù hơp với điều kiện tuyển sinh của đối tượng VLVH. Theo như nội dung trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức vừa học vừa làm do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 25/11/2008. Việc tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức VHVL sẽ theo 4 đợt: Tháng 3, tháng 4, tháng 10 và tháng 11.
Theo đó, mỗi đợt sẽ thi trong 4 ngày (từ ngày 15 đến ngày 18). Đề thi với các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ lấy từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục. Lịch thi do Bộ GD-ĐT quy định. Điểm xét tuyển tối thiểu vào đại học là 12 điểm của 3 môn thi (không nhân hệ số) đối với thí sinh thuộc khu vực 3. Điểm xét tuyển tối thiểu vào cao đẳng là 9 điểm của 3 môn thi (không nhân hệ số) đối với thí sinh thuộc khu vực 3.
Trước kỳ thi 2 tháng, các trường có tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ vừa học vừa làm báo cáo Bộ GD-ĐT kế hoạch triển khai các đợt thi tuyển sinh; chỉ tiêu và ngành nghề dự kiến; số môn thi và tên các môn thi; ngày thi, địa điểm thi và địa điểm đặt lớp… Nếu có thay đổi, phải báo cáo Bộ GD-ĐT chậm nhất một tháng trước khi tổ chức tuyển sinh và thông báo công khai để thí sinh biết.
Mọi công tác tổ chức in sao, bảo quản, sử dụng đề thi; biên soạn đề thi các môn năng khiếu, nghệ thuật; tổ chức kỳ thi; chấm thi và phúc khảo; xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển sẽ do hiệu trưởng chịu trách nhiệm.
Về quyền lợi của thí sinh, Bộ cũng quy định, đối tượng được ưu tiên xét theo quy định của từng trường đại học, cao đẳng. Thời gian được tính để hưởng ưu tiên của những thí sinh đạt giải các ngành TDTT, năng khiếu nghệ thuật là không quá 5 năm tính đến ngày thi vào trường.
Điểm mới của Quy chế là đã quy định rất rõ từng quy trình tuyển sinh, trách nhiệm từng khâu, tránh tuyệt đối những sai sót trong tuyển sinh của hệ này mà thời gian qua xã hội có nhiều ý kiến.
Xin cám ơn bà!
Bạch Ngọc Dư (gdtđ)
Bình luận (0)