Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2009: Giật mình với… học phí trên trời

Tạp Chí Giáo Dục

Tư vấn tuyển sinh đại học tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Ảnh: MÊ TÂM

Ngày 8-3-2009, Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 ra “lò” trong sự chờ đợi của thí sinh. Năm nay, lần đầu tiên người học biết được mức học phí của trường ngoài công lập mà mình lựa chọn thi. Tuy nhiên, nhìn vào bảng học phí này, nhiều gia đình không khỏi giật mình: làm sao để có tiền cho con đi học?
Trường ta thu học phí… Tây!
Mức học phí của ĐH Tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị (Cầu Giấy – Hà Nội) là 5.000 USD/năm/sinh viên. Trường này xét tuyển 300 chỉ tiêu cho các ngành học quản trị kinh doanh, kỹ thuật phần mềm. Học phí của ĐH Quốc tế Bắc Hà có hai mức, đối với ngành kinh tế là 18 triệu đồng/năm/sinh viên (hơn 1.000 USD) và ngành kỹ thuật là 20 triệu đồng/năm/sinh viên. Đối với hệ CĐ, ngành kinh tế: 9 triệu/năm, ngành kỹ thuật: 10 triệu/năm. ĐH FPT tuyển 1.200 chỉ tiêu, điều kiện trúng tuyển: Đỗ sơ tuyển và đạt từ điểm sàn trở lên kỳ thi tuyển sinh ĐH 2009. Học phí trọn gói toàn bộ khóa đào tạo kỹ sư CNTT là 8.800 USD (bốn năm tương đương 1.200 USD/năm/sinh viên). ĐH Quốc tế Sài Gòn (xét tuyển 500 chỉ tiêu) có mức học phí cũng rất cao: hệ ĐH, sinh viên phải đóng 2.000 – 3.000 USD/năm đối với chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt. Nếu học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, sinh viên phải đóng 5.200 – 5.700 USD/năm. ĐHTư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị có mức học phí là 5.000 USD/năm/sinh viên. ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (xét tuyển 500 chỉ tiêu) cũng có mức học phí bình quân lên tới 45 triệu đồng/năm. Một khóa học bốn năm, sinh viên phải đóng từ 180 triệu – 215 triệu đồng/năm. ĐH Hoa Sen (tuyển 1.560 chỉ tiêu), học phí ĐH: 19,5 triệu/năm; CĐ: 17 triệu đồng/năm. ĐH Kiến trúc Đà Nẵng (xét tuyển 2.550 chỉ tiêu), học phí hệ ĐH: 6 triệu đến 7,5 triệu đồng/năm.
Con em nông dân chỉ đứng nhìn
Không kể đến các trường tính học phí bằng tiền đô mỗi năm, ở các trường ĐH ngoài công lập khác, với mức học phí theo như thông báo thì học sinh vùng nông thôn chắc chắn chỉ còn cách thi vào các trường công lập mới mong đủ tiền học ĐH. Hiện nay, mức cho vay của nhà nước đối với sinh viên nghèo là 800.000đ/tháng/sinh viên, tương đương với 8 triệu đồng/năm học/sinh viên. Tuy nhiên, với mức tiền này, sinh viên vẫn chưa đủ tiền đóng học phí ở một số trường, chưa nói đến tiền sinh hoạt. Học phí của ĐH Công nghệ Vạn Xuân từ 6 triệu – 9 triệu đồng/sinh viên/năm. ĐH Dân lập Hải Phòng mức học phí dự kiến 790.000 đồng/tháng (khoảng 7,9 triệu/năm học/sinh viên). ĐH Đại Nam học phí là 800.000đ/tháng. ĐH Thăng Long thi tuyển với 1.900 chỉ tiêu, học phí: 11 – 12 triệu đồng/năm tùy ngành học. ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức thi tuyển với 3.100 chỉ tiêu các khối A, C, D1, V. Mức học phí của trường này là 7 triệu đồng/năm. ĐH Nguyễn Trãi xét tuyển 400 chỉ tiêu, học phí dự kiến 1,5 triệu đồng/tháng (tương đương 15 triệu đồng/năm). ĐH Dân lập Hồng Bàng xét tuyển 3.750 chỉ tiêu, học phí từ 6.980.000 – 13.980.000/năm. ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM (xét tuyển 2.000 chỉ tiêu), học phí ngành công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh: 10 triệu đồng/năm, các ngành khác: 9,8 triệu đồng/năm. ĐH Dân lập Văn Lang (xét tuyển 2.600 chỉ tiêu thí sinh dự thi các khối A, B, C, V, H, D1,3), học phí dự kiến từ 8 – 9 triệu đồng/năm. Trong khi đó, mức trần học phí hiện nay áp dụng đối với sinh viên các trường ĐH công lập là 180.000 đồng/tháng; CĐ không quá 1,5 triệu đồng.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)