Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2009: Học sinh vùng sâu “mù tịt” thông tin

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh ĐBSCL tham gia ngày hội tư vấn tại Trường Đại học Cần Thơ

Những năm gần đây, việc tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp cho học sinh THPT được các trường đại học, cao đẳng, THPT quan tâm và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, khá rầm rộ. Tuy nhiên, các hoạt động này chỉ tập trung ở khu vực trung tâm thành phố. Trong khi học sinh ở những vùng sâu, vùng xa ĐBSCL thì rất “đói” thông tin về tư vấn hướng nghiệp.
Thiếu thông tin trầm trọng…
Những ngày cuối tháng 3, trong khi nhiều học sinh lớp 12 đang tìm kiếm thông tin về tuyển sinh đại học, cao đẳng để chọn ngành nghề đăng ký dự thi thì Ngũ Minh C., học lớp 12 Trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), vẫn bình chân như vại. Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, C. nói: “Chắc em chọn thi vào ngành kiến trúc của Trường Đại học Cần Thơ. Học ở Cần Thơ cho gần nhà. Tuy nhiên, em nghe nói học kiến trúc rất tốn kém”. Minh C. không hề biết rằng Trường Đại học Cần Thơ không có ngành kiến trúc và C. cũng không biết để thi vào ngành kiến trúc, phải thi môn năng khiếu. Theo C. tự đánh giá, em thuộc loại học sinh trung bình, khả năng đậu đại học không cao tuy nhiên cứ đăng ký thi cho biết với bạn bè. Ngoài Trường Đại học Cần Thơ ra, C. cũng chẳng biết thêm được trường cao đẳng, trung cấp nào, các ngành đào tạo, thời gian học ra sao để đăng ký dự thi.
Tương tự là trường hợp của Lại Chí T., học cùng trường với C. Nhà T. ở xã Trường Long, huyện Phong Điền. Đến thời điểm này, T. chưa biết mình sẽ đăng ký thi ngành nào và T. không hề có ý định tìm hiểu về các ngành nghề đào tạo ở bậc cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Nguyên nhân là T. không biết tìm hiểu thông tin về tuyển sinh ở đâu và cũng ngại hỏi thầy cô. Em Nguyễn Phi Luân, học sinh lớp 12B7 Trường THPT Thới Lai (huyện Thới Lai, Cần Thơ) cũng mù tịt về ngành, nghề đào tạo ở các bậc học. Luân nói: “Thấy mấy bạn mua hồ sơ đăng ký dự thi, em cũng mua một bộ nhưng chưa biết đăng ký thi ngành nào, khối nào. Em đang chờ mấy đứa bạn thân chọn ngành xong, em sẽ chọn thi chung cho vui. Không đậu đại học thì em nghỉ học ở nhà”.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những học sinh được tư vấn ngành nghề khá kỹ, ở các trường tại ĐBSCL, vẫn còn không ít học sinh thiếu thông tin tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp. Thông thường, một số trường chỉ tổ chức hướng dẫn cho học sinh cách làm hồ sơ đăng ký dự thi và giải đáp một số thắc mắc của học sinh, trước thời điểm kết thúc nhận hồ sơ đăng ký dự thi khoảng 2-3 tuần. Khoảng thời gian đó không đủ để học sinh có thể cân nhắc chọn lựa một hướng đi trong tương lai sao cho phù hợp giữa ý thích, năng lực bản thân, hoàn cảnh gia đình, nhu cầu xã hội… Thêm vào đó, phần lớn cán bộ phụ trách công tác tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp ở các trường đều là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm nên thiếu thông tin chuyên sâu để có thể tư vấn cụ thể, đầy đủ cho học sinh. Một số giáo viên còn quan niệm rằng mình chỉ có nhiệm vụ dạy cho học sinh đến hết lớp 12 còn việc thi ngành nào, trường nào là việc của học sinh và gia đình. Trong khi đó, do hạn chế về trình độ, về thông tin nên nhiều phụ huynh không hiểu rõ về ngành nghề, sức học của con em mình để hướng dẫn chọn lựa phù hợp.
Nên tự lực và chủ động
Những năm gần đây, trước mỗi mùa tuyển sinh, các trường đại học, cao đẳng thường xuyên tổ chức những chương trình tư vấn mùa thi, tư vấn tuyển sinh một cách khá rầm rộ. Điều đáng nói là hầu như những đợt tư vấn này đều tập trung vào các trường ở trung tâm thành phố, thị xã… Chẳng hạn chỉ trong ngày 3-3-2009, học sinh các trường THPT trên địa bàn quận Ninh Kiều, Bình Thủy (TP Cần Thơ) đã được dự 2 buổi tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp trực tiếp tại Trường Đại học Cần Thơ (do Báo Thanh Niên phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ tổ chức) và Trường THPT Châu Văn Liêm (do Khoa Quản lý công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM tổ chức). Trước đó, tại Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng phối hợp với Sở GD-ĐT Cần Thơ tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp trực tiếp cho học sinh Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng và các trường THPT lân cận… Đó là chưa kể các đợt tư vấn riêng của các trường đại học, cao đẳng phối hợp với các trường THPT để tổ chức tư vấn cho học sinh. Trong khi đó, cũng trên địa bàn TP Cần Thơ thì ở các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh… từ đầu năm đến nay, dường như chưa hề có một buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp nào được tổ chức với qui mô như vậy.
Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ cho biết: “Hầu như học sinh ở đây chỉ được tiếp nhận thông tin từ nhà trường, giáo viên chủ nhiệm. Còn những kênh thông tin khác thì hoàn toàn mù tịt”.
Thực tế công tác tuyển sinh nhiều năm qua cho thấy, đề thi đại học ngày càng gần với chương trình phổ thông. Chính vì vậy, hơn ai hết, giáo viên phổ thông chính là người tư vấn, định hướng cho học sinh chọn lựa được những ngành nghề phù hợp. Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc hướng nghiệp cho học sinh là hết sức cần thiết.
Thái Hải

Bình luận (0)