Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2009: Lấy điểm thi ĐH xét tuyển vào CĐ

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh làm thủ tục dự thi vào Trường CĐ Kinh tế TP.HCM. Năm 2009, kỳ thi này sẽ không còn nữa – Ảnh: NHƯ HÙNG

Đã đủ điều kiện để các trường CĐ xét tuyển mà không phải tổ chức thi – đó là nhận định của Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long.

Trao đổi với chúng tôi về những điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2009, ông Long cho rằng:

– Cách đây mấy năm, vấn đề các trường CĐ không tổ chức thi tuyển sinh mà sử dụng kết quả thi ĐH bằng đề thi chung của Bộ GD-ĐT để xét tuyển đã được đưa ra. Nhưng vào thời điểm đó, Bộ GD-ĐT quyết định chưa thực hiện. Đến nay sau một thời gian nghiên cứu, cân nhắc, bộ có chủ trương đến kỳ thi tuyển sinh năm 2009 chỉ tổ chức hai đợt thi ĐH, còn các trường CĐ sẽ không tổ chức thi và đang đưa ra lấy ý kiến của các trường CĐ trong cả nước.

Theo tôi, thời điểm này đặt ra vấn đề này là hợp lý, khả thi, đã có đủ điều kiện để thực hiện. Phương thức tuyển sinh “ba chung”, trong đó có việc sử dụng chung kết quả thi để xét tuyển, đã rất ổn định. Kỳ thi tuyển sinh năm 2008, tuy các trường CĐ có đợt thi riêng nhưng đã có hơn 100 trường không tổ chức thi, sử dụng kết quả thi theo đề chung của bộ để xét tuyển.

* Thưa ông, nếu không tổ chức thi, các trường CĐ sẽ xét tuyển như thế nào?

– Bộ GD-ĐT dự định chỉ tổ chức hai đợt thi ĐH, đợt 1 vào ngày 4 và 5-7-2009 dành cho khối A và khối V, đợt hai vào ngày 9 và 10-7-2009 dành cho khối B, C, D và các khối năng khiếu. Tất cả các trường CĐ sẽ không tổ chức thi tuyển sinh mà chỉ xét tuyển trên cơ sở kết quả thi ĐH của thí sinh đã dự thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT có cùng khối thi.

Riêng các trường CĐ thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật, các trường CĐ có đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật được sử dụng kết quả thi ĐH cùng khối thi để xét tuyển theo một trong hai phương thức: các môn văn hóa theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT và các môn năng khiếu, nghệ thuật theo đề thi riêng của các trường ĐH hoặc chỉ sử dụng kết quả thi ĐH theo đề thi chung của bộ để xét tuyển các môn văn hóa và  thi tuyển các môn năng khiếu.

Không tổ chức thi tuyển sinh riêng cho các trường CĐ, nhưng Bộ GD-ĐT vẫn sẽ quy định mức điểm sàn riêng cho từng khối thi đối với hệ CĐ. Các trường CĐ, hệ CĐ trong các trường ĐH sẽ xét tuyển theo mức điểm sàn này.

* Nếu kết quả thi ĐH được dùng để xét tuyển đại trà vào mấy trăm trường CĐ thì bộ có điều chỉnh cấu trúc, mức độ yêu cầu, thang điểm… đối với đề thi tuyển sinh ĐH để phù hợp với yêu cầu “hai trong một” không, thưa ông?

 

– Về cơ bản, theo tôi, sẽ không có sự điều chỉnh nào lớn về đề thi. Đề thi của hai đợt thi tuyển sinh ĐH sẽ vẫn ra theo định hướng như mọi năm. Để phù hợp với yêu cầu xét tuyển của các trường CĐ sẽ chủ yếu phụ thuộc mức điểm sàn đối với hệ CĐ. Căn cứ trên mặt bằng kết quả thi cụ thể của thí sinh, nhất là số thí sinh đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường CĐ và chỉ tiêu tuyển mới của hệ CĐ, bộ sẽ xác định điểm sàn phù hợp, thấp hơn của ĐH nhưng ở mức nào là hợp lý.

Như vậy, yếu tố đóng vai trò quan trọng và trực tiếp trong việc thực hiện xét tuyển bằng kết quả thi ĐH của các trường CĐ sẽ là điểm sàn chứ không phải đề thi. Đề thi tuyển sinh ĐH nếu đảm bảo các nguyên tắc: nằm trong chương trình phổ thông, có sự phân hóa cao như mọi năm sẽ thỏa mãn được đồng thời yêu cầu xét tuyển của các trường ĐH và các trường CĐ. 

* Thưa ông, năm 2008 đã xảy ra nhiều sai phạm tại các trường ĐH, CĐ do vận dụng điều 33 của quy chế tuyển sinh (cho phép nới rộng khoảng cách mức điểm ưu tiên giữa các đối tượng và khu vực). Vậy năm tới bộ có tiếp tục áp dụng điều 33 không?

– Để tránh tình trạng một số trường tìm cách lách quy chế, sắp tới trong quy chế sẽ bổ sung quy định rõ các trường sau khi công bố điểm trúng tuyển, nếu tuyển còn thiếu chỉ tiêu phải xét tuyển NV2, NV3, không được hạ điểm chuẩn. Quy định về đối tượng dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ cũng có sự điều chỉnh, sẽ không có đối tượng trung cấp nghề vì người học tốt nghiệp trung cấp nghề chưa đủ điều kiện về trình độ văn hóa để dự thi vào ĐH, CĐ…

Nội dung sửa đổi, bổ sung lớn nhất trong quy chế tuyển sinh là liên quan đến điều 33. Trong quy chế tuyển sinh sẽ vẫn phải tiếp tục áp dụng điều 33 vì khi tuyển sinh phải tính đến điều kiện đặc thù của một số trường đóng tại các vùng miền, địa phương có nhiều khó khăn. Chỉ những trường đóng trên các địa bàn này mới được bộ xem xét, cho phép vận dụng điều 33, tránh tình trạng các trường tùy tiện vận dụng.

Bộ cũng sẽ quy định những trường hợp được nới rộng điểm ưu tiên khu vực, những trường hợp nào được nới rộng điểm ưu tiên đối tượng, mức tối đa cho từng trường hợp. Đồng thời quy định mức điểm trúng tuyển tối thiểu, sau khi vận dụng điều 33, chỉ được thấp hơn điểm sàn chung của bộ là bao nhiêu, để hạn chế tình trạng các trường nâng điểm ưu tiên cả khu vực và đối tượng khiến điểm trúng tuyển quá thấp, khi chỉ còn 5-6 điểm/ba môn, ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào.

THANH HÀ thực hiện (TTO)

Lộ trình tiến tới còn một kỳ thi quốc gia

Việc các trường CĐ không tổ chức thi và sử dụng kết quả thi ĐH để xét tuyển có nhiều ưu điểm: tiết kiệm, giảm bớt một đợt thi là giảm bớt nhiều căng thẳng, tốn kém cho xã hội, thí sinh và các trường. Phương thức xét tuyển như vậy cũng làm giảm lượng thí sinh ảo gây khó khăn cho các trường như trong mùa tuyển sinh năm vừa rồi…

Việc không tổ chức thi tuyển sinh đối với các trường CĐ là một bước tiếp theo trong lộ trình cải tiến công tác thi cử, tuyển sinh theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả. Các trường trung cấp đã không tổ chức thi và năm tới là đến các trường CĐ thực hiện như vậy. Đây cũng là một giải pháp kỹ thuật, một bước đi phù hợp để chuẩn bị tiến tới thực hiện chỉ có một kỳ thi quốc gia vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp.

Thứ trưởng BÀNH TIẾN LONG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)