Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tuyển sinh ĐH – CĐ 2010: Băn khoăn chọn ngành thi

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng trăm ngành nghề mới được mở ra liên tục từ nhiều năm qua tại các trường ĐH-CĐ tạo ra một "ma trận" khiến nhiều thí sinh (TS) không biết chọn ngành học nào cho phù hợp.

Hồi hộp chờ thống kê
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ năm 2010 tại Sở GD-ĐT TP.HCM – Ảnh: Minh Tâm
Phải đến sau ngày 7.5 mới có thống kê chính xác số lượng TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH-CĐ năm 2010. Do đó với các TS nộp nhiều bộ hồ sơ ĐKDT thì đây là thời điểm hồi hộp để có quyết định cuối cùng: chọn ngành nào phù hợp hơn hết thảy để dự thi. Các trường cũng lo lắng vì không biết tình hình ĐKDT vào các ngành ra sao.
Theo thống kê sơ bộ, tình hình ĐKDT kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2010 không khác mấy so với năm 2009. Ông Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM – thông tin: "Năm nay, nhóm ngành Kinh tế vẫn được thí sinh chọn ĐKDT nhiều nhất. Tuy nhiên, phần lớn TS chọn những trường đa ngành, có điểm chuẩn nhiều năm liên tục không cao, thay vì chọn thi vào các trường đào tạo chuyên ngành Kinh tế". Ông Cường cho hay nơi này nhận được hơn 24.000 hồ sơ ĐKDT, trong đó khối A chiếm đến 14.000, khối B và D chỉ chiếm 4.000 mỗi khối, hơn 2.500 hồ sơ còn lại chia đều cho các khối khác, trong đó chưa đến một nửa của khối C! Tại điểm thu nhận hồ sơ của Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Phạm Hữu Tài – cán bộ thu nhận hồ sơ – nhận xét: "Nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ, Nông Lâm, Sư phạm, Khoa học xã hội – nhân văn năm nay chúng tôi vẫn nhận rất ít hồ sơ của TS. Lượng hồ sơ chủ yếu vẫn tập trung vào nhóm ngành Kinh tế".
Rối trước "ma trận" ngành nghề nên dù đã nộp hồ sơ ĐKDT, Trần Phước Tú – học sinh trường THPT Trần Hữu Trang, TP.HCM – vẫn không biết mình đã chọn đúng trường, đúng ngành dự thi hay chưa. Tú lo lắng nói: "Gia đình em bán hàng điện tử, anh trai học Công nghệ thông tin ở trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) nên em cũng đăng ký giống như vậy. Nhưng điểm chuẩn trường này cao quá, chắc em phải xét nguyện vọng sang trường khác". Còn Phan Nhật Hồng Nhung – học sinh trường THPT Phan Ngọc Hiển, TP Cần Thơ – chọn ngành Sinh học biển của trường ĐH Cần Thơ vì: "Thầy cô khuyên tụi em chọn ngành nào có điểm chuẩn thấp để dễ đậu!". Trong khi đó, dù đoạt giải ba học sinh giỏi cấp thành phố môn Địa lý nhưng Nguyễn Ngọc Công Danh – học sinh trường THPT Tân Phong, TP.HCM – lại chọn thi vào trường ĐH Kinh tế TP.HCM chứ không chọn trường liên quan đến khối C.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – nói: "Chúng tôi lo nhất là các ngành khoa học cơ bản như Toán – Tin, Vật lý, Hải dương học – Khí tượng – Thủy văn, Địa chất… không biết năm nay nhận được bao nhiêu hồ sơ. Tỷ lệ "chọi" và điểm chuẩn hằng năm của những ngành này không cao, nhưng vẫn khan hiếm TS".
Nghịch lý chọn ngành
Năm nay nhiều trường như: ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Huế… đẩy mạnh thông tin tuyển sinh qua mạng, đối thoại trực tiếp với TS nhằm cung cấp thông tin kịp thời, cụ thể, chính xác về tuyển sinh. Do đó TS có thể ngồi nhà "chat" với các trường để thu thập thông tin trước khi đặt bút chọn ngành, chọn trường. Thế nhưng dù biết nhiều thông tin, TS vẫn cứ chuộng nhóm ngành Kinh tế.
Hệ lụy của việc chọn ngành nghề theo trào lưu hơn là theo sở thích, năng lực của bản thân đã dẫn đến tình trạng thiếu người, thừa việc. Có ngành tìm không ra người, trong khi có rất nhiều người ở những ngành khác lại không tìm được việc làm. "Sinh viên các ngành Chế biến thủy sản, Chế biến lâm sản, Cơ khí nông lâm… chưa ra trường đã có việc làm, thậm chí khi làm đề tài tốt nghiệp tại các công ty, sinh viên vẫn được trả lương, nhưng vẫn ít TS chọn các ngành này. Mặc dù các ngành nói trên có đầu ra chờ sẵn, các công ty luôn sẵn sàng trả mức lương cao nhưng trường vẫn khó tuyển khi được các công ty nhờ", thạc sĩ Trần Đình Lý – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp trường ĐH Nông Lâm TP.HCM – cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang bức xúc cho hay suốt nhiều năm qua, nhóm ngành khoa học cơ bản của trường chưa bao giờ có được điểm chuẩn như mong muốn. "Điểm chuẩn nhóm ngành này chỉ bằng điểm sàn hoặc nhỉnh hơn 1-2 điểm. Học sinh giỏi đang quay lưng với nhóm ngành lẽ ra cần nhiều người giỏi nhất", tiến sĩ Quang than. Tuy nhiên, ông nói thêm: "Hình như ngoài nhóm ngành Kinh tế thì những ngành có gắn hai chữ "công nghệ" là TS thích. Bởi vậy hằng năm các ngành Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin, Khoa học môi trường luôn có tỷ lệ "chọi" và điểm chuẩn cao nhất".
Theo Thanh Niên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)