Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2010: Chọn ngành phù hợp sở thích

Tạp Chí Giáo Dục

Trước hàng chục ngành mới trong mùa tuyển sinh năm nay, các chuyên gia vẫn khuyên thí sinh cần căn cứ vào sở thích nghề nghiệp, năng lực bản thân và dự báo nhu cầu xã hội
Dù tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 sẽ có thêm đối tượng dự thi là học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề, tuy nhiên, thí sinh cũng không nên vì thế mà quá lo lắng. Năm nay, các trường đã dự kiến mở rộng khối thi và đặc biệt là mở thêm nhiều ngành, chuyên ngành mới tạo thêm cơ hội cho thí sinh.

Học sinh TPHCM tham gia chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” năm 2009 của Báo NLĐ. Ảnh: N.HỮU
Những ngành mới
Đến thời điểm này, đã có hàng chục trường ĐH công bố dự kiến sẽ tuyển thêm trên 30 ngành và chuyên ngành mới.
Đứng đầu trong khối các trường nông lâm mở nhiều ngành mới năm nay là Trường ĐH Nông Lâm TPHCM với 5 ngành, chuyên ngành: thiết kế đồ gỗ nội thất, kỹ thuật thông tin lâm nghiệp, kinh tế – quản lý nuôi trồng thủy sản, công nghệ sinh học môi trường và hệ thống thông tin môi trường.
Cùng trong khối ngành nông lâm, Trường ĐH Lâm nghiệp cũng dự kiến mở 2 ngành mới là kỹ thuật cơ điện và thiết kế cảnh quan. 
Nếu được cho phép, Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TPHCM cũng là trường có nhiều ngành mới năm nay với 5 ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật.
Ngoài ra, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TPHCM cũng dự kiến mở ngành kiến trúc dân dụng và công nghiệp.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có thêm 2 ngành mới là sư phạm kỹ thuật công nghệ điện tử viễn thông và sư phạm kỹ thuật xây dựng dân dụng – công nghiệp.
Trường ĐH Giao thông Vận tải (cơ sở TPHCM) mở chuyên ngành mới: địa kỹ thuật công trình giao thông, vật liệu và công nghệ xây dựng giao thông.
Trường ĐH Mở TPHCM có thêm chuyên ngành cơ điện.
Trường ĐH Nha Trang mở ngành mới: điều khiển tàu biển, kỹ thuật tàu thủy, hệ thống thông tin kinh tế.
Trường ĐH Hàng hải đang xin mở ngành mới logistic, quản trị chuỗi cung ứng…
Khối ngành kinh tế cũng có thêm nhiều ngành mới, như Trường ĐH Tài chính Marketing mở thêm 2 chuyên ngành: quản trị bán hàng và quản trị khách sạn; Trường ĐH Thương mại có thêm 3 chuyên ngành: quản trị thương hiệu, thương mại dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, quản trị kinh doanh tổng hợp; Trường ĐH Ngoại thương có thêm chuyên ngành quản trị du lịch khách sạn…
Thí sinh yêu thích khối ngành xã hội sẽ có thêm cơ hội thi vào các ngành mới đang được các trường dự kiến mở, như: ngữ văn Tây Ban Nha, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, du lịch, truyền thông quốc tế, quan hệ quốc tế…
Từ yêu cầu thực tế
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, giải thích việc mở thêm chuyên ngành nhằm giúp sinh viên nắm chắc hơn về một lĩnh vực để có cơ hội áp dụng cụ thể hơn. Ví dụ: Chuyên ngành kỹ thuật thông tin lâm nghiệp, sinh viên sẽ được học chủ yếu về lâm nghiệp nhưng ở năm học cuối sẽ được trang bị thêm thông tin liên quan hiện trạng rừng… mang tính cảnh báo, giúp cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ rừng.
Với chuyên ngành công nghệ sinh học môi trường, sinh viên sẽ được học chủ yếu về công nghệ sinh học nhưng năm cuối sẽ trang bị thêm kiến thức môi trường để có thể xử lý môi trường… Đây đều là những chuyên ngành xuất phát từ yêu cầu thực tế của thị trường lao động.
PGS – TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TPHCM, cũng cho biết xuất phát từ tình hình phát triển kinh tế – xã hội, trường đang xin mở 5 ngành mới bên cạnh 2 ngành vừa được mở là kỹ thuật hệ thống công nghiệp và kỹ thuật y sinh.
4 bước chọn ngành
Trong tuyển sinh hằng năm, do thí sinh có ít thông tin cũng như còn e dè, lo ngại nên thông thường tỉ lệ “chọi” và điểm chuẩn các ngành, chuyên ngành mới không quá cao. Đây cũng là cơ hội cho các thí sinh.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, khuyên rằng thí sinh cần cân nhắc giữa mong muốn của bản thân và sự phù hợp ngành nghề, năng lực của mình, cũng như nhu cầu xã hội…  
Ở góc độ hướng nghiệp, thạc sĩ Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Công tác Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho rằng đối với thí sinh, gốc của vấn đề chọn ngành chính là sự yêu thích. Nghĩa là yếu tố đầu tiên trong việc chọn ngành là phải phù hợp với sở thích nghề nghiệp của bản thân.
Kế đến là xem ngành đó được đào tạo ở những trường nào. Sau đó, cân nhắc năng lực bản thân bằng cách tham khảo điểm chuẩn qua các năm của các trường đó để quyết định nộp hồ sơ dự thi. Đồng thời, cũng cần xem xét dự báo nhu cầu  của ngành nghề đó 4 năm sau (khi tốt nghiệp) để có quyết định đúng đắn.
Hồng Ân /NLĐ 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)