Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2010: Nhiều ngành học mới

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2010, thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn những ngành học mới có nhu cầu cao về nhân lực trong lương lai.

Truyền thông quốc tế: Ngành học “hot”
Đây là ngành đào tạo mới của Học viện Ngoại giao năm 2010. Chương trình học được thiết kế theo mô hình ngành chính – phụ, trong đó ngành chính là truyền thông quốc tế và ngành phụ là quan hệ quốc tế.
Ông Ngô Huy Ngọ, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành học này có thể làm việc ở Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, Vụ Báo chí, Trung tâm Báo chí nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao; Bộ Thông tin và Truyền thông, cán bộ văn hóa, báo chí tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, có thể làm cán bộ nghiên cứu, hoạch định chính sách hoặc tác nghiệp thực tế tại các bộ phận phụ trách thông tin đối ngoại; cán bộ giảng dạy về truyền thông quốc tế, PR, văn hóa đối ngoại; làm việc tại các tòa soạn báo, đài phát thanh, truyền hình…
Điện hạt nhân: Nhu cầu nhân lực lớn
Năm 2010, ĐH Điện lực sẽ tuyển sinh ngành học mới là điện hạt nhân. Đây là ngành học có nhiều tiềm lực khi trong tương lai gần, Việt Nam cần khoảng 2.500 nhân lực phục vụ cho 2 nhà máy điện nguyên tử đầu tiên đang được xây dựng tại Ninh Thuận. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nguồn nhân lực hạt nhân hiện nay của Việt Nam chỉ khoảng 700 người, chủ yếu đang làm việc tại Viện Năng lượng nguyên tử và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân. Nếu Việt Nam đào tạo 70 người mỗi năm, phải sau 12-15 năm nữa mới có đủ số cán bộ chuyên môn cho ngành này.
Cuối năm 2009, ĐH Điện lực (EPU) và ĐH Kỹ thuật Praha (CTU) đã thỏa thuận hợp tác trong đào tạo nhân lực cho chương trình điện hạt nhân ở cả 3 trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ. Hai bên đã xây dựng chương trình liên kết đào tạo, đề cương chi tiết các môn học.
Bác sĩ gia đình: Xu hướng mới trong xã hội hiện đại
ĐH Y Hà Nội vừa mở thêm ngành học mới là bác sĩ gia đình. Theo PGS-TS Phạm Nhật An, Chủ nhiệm bộ môn y học gia đình, Đại học Y Hà Nội, đây là lần đầu tiên chương trình đào tạo bác sĩ y học gia đình được đưa vào trường ĐH. Trong tình trạng ngành y đang thiếu trầm trọng bác sĩ tuyến cơ sở thì bác sĩ y học gia đình là một trong nhiều nguồn tháo gỡ sự quá tải. Bác sĩ y học gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, công tác ở tuyến cơ sở, chịu trách nhiệm quản lý và chăm sóc sức khỏe của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng, các bác sĩ này phải có kiến thức cơ bản cần thiết cả về y học cơ sở, y học lâm sàng, y tế dự phòng và tâm lý y học…
PGS-TS Phạm Nhật An cũng cho biết năm nay mã ngành đào tạo mới này sẽ thấp hơn điểm đào tạo chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Dự kiến trung bình mỗi năm sẽ đào tạo khoảng hơn 200 bác sĩ.
Thiết kế cảnh quan: Nhiều cơ hội nghề nghiệp
ĐH Lâm nghiệp Hà Nội mở ngành học mới là thiết kế cảnh quan từ năm 2010. Sinh viên theo học ngành này được trang bị những kiến thức về quy hoạch, thiết kế, thực vật, sinh thái, kỹ thuật và nghệ thuật cũng như thiết kế, thi công các công trình phát triển mảng xanh ở các đô  thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch; chăm sóc, bảo dưỡng các loài cây trong các công trình cảnh quan hoa viên… Kỹ sư tốt nghiệp ngành học này có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp tại các cơ quan tư vấn, nghiên cứu hoặc thiết kế như: Văn phòng kiến trúc sư trưởng, sở quy hoạch – kiến trúc, sở GTVT, sở xây dựng, các công ty công viên  và cây xanh, công ty quản lý công trình công cộng ở các đô thị, các khu du lịch, khu chế xuất, khu công nghiệp, sân golf, các vườn quốc gia…
Yến Anh / NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)