Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh ĐH,CĐ 2011: Biết sai vẫn tuyển!

Tạp Chí Giáo Dục

Cứ đến mùa tuyển sinh, nhiều trường ĐH,CĐ tìm cách lách luật, sẵn sàng vi phạm quy chế tuyển sinh. Với các vi phạm, Bộ GD – ĐT chỉ xử phạt hành chính nên các trường tỏ ra “lờn thuốc”.
 
Theo quy định, những trường ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và những trường đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương nếu khó khăn trong tuyển sinh sẽ làm đề xuất gửi Bộ GD-ĐT xem xét để được áp dụng điểm c khoản 1 Điều 33 của Quy chế tuyển sinh. Tuy nhiên, hiện rất nhiều trường đã áp dụng điều 33, kể cả khi chưa nhận được quyết định của Bộ GD-ĐT.
Giãn hết cỡ!
Trong danh sách 284 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 của Trường ĐH Cửu Long, chỉ có hơn 40 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên. Tất cả các thí sinh còn lại đều đậu nhờ được cộng thêm điểm ưu tiên. Điều lạ là ĐH Cửu Long chỉ thông báo áp dụng giãn điểm khu vực với mức chênh lệch giữa các khu vực là 1 điểm. Như vậy, với điểm trúng tuyển là 13 điểm, bằng điểm sàn của Bộ GD – ĐT, thì mức điểm thấp nhất có thể trúng tuyển với thí sinh khu vực 3 phải là 10 điểm, nhưng có tới 26 thí sinh đạt từ 9 điểm trở xuống.
Vận dụng “lá bùa 33”, có thí sinh chỉ cần 4 điểm cũng đậu CĐ. Trong ảnh:  Thí sinh tham dự kỳ thi ĐH tại Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội. Ảnh: Kim Anh.
Do áp dụng việc giãn điểm vùng nên điểm chuẩn đầu vào của trường Đại học Đà Lạt đối với thí sinh thuộc khu vực 3 chỉ còn là 10 điểm. Tương tự, các trường Đại học Tây Bắc, Đại học Thái Nguyên, Đại học Dân lập Lương Thế Vinh cũng được Bộ cho phép giãn điểm khu vực đối với một số ngành khó tuyển.

Không chỉ giãn điểm khu vực, nhiều trường còn vừa giãn điểm vùng, vừa giãn điểm ưu tiên đối tượng. Chẳng hạn, điểm chuẩn đầu vào của trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Lâm Đồng bằng điểm sàn của Bộ là 10 điểm với khối A và 11 điểm với khối B. Tuy nhiên, do giãn điểm vùng nên với những thí sinh thuộc khu vực 2, điểm trúng tuyển khối A chỉ còn 9 điểm, thí sinh khu vực hai – nông thôn còn 8 điểm và đến đối tượng thí sinh khu vực 1 chỉ còn 7 điểm. Trường này còn giãn hết cỡ điểm ưu tiên giữa các đối tượng, từ mức chênh lệch 1 điểm lên 1,5 điểm. Thí sinh nhóm ưu tiên 1 được hưởng điểm ưu tiên là 3 điểm. Thế nên, nếu thí sinh thuộc nhóm đối tượng 1 và ở khu vực 1, chỉ cần bốn điểm là đã thành tân sinh viên. Đây cũng là phương thức được trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Kon Tum vận dụng. Theo đó, mức ưu tiên tối đa của thí sinh là 6 điểm.
Thậm chí nhiều trường dù chưa được sự cho phép của Bộ GD-ĐT vẫn ngang nhiên giãn điểm. Trên cổng thông tin điện tử của mình, trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Kiên Giang thông báo điểm trúng tuyển với mức chênh lệch giữa các khu vực kế tiếp là 1 điểm dù đề nghị giãn điểm này của trường vẫn đang bị Bộ treo chưa phê duyệt.
Sẵn sàng nộp phạt
Trong danh sách 15 trường ĐH, CĐ bị phạt vi phạm hành chính trong mùa tuyển sinh năm 2010 thì có đến 12 trường CĐ bị phạt vì tuyển vượt chỉ tiêu. Chẳng hạn: Trường CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội tuyển vượt 980 chỉ tiêu; Trường CĐ Viễn Đông tuyển vượt 293 chỉ tiêu; Trường CĐ Tài chính Hải quan tuyển vượt 278 chỉ tiêu…Theo lý giải của các trường, việc tuyển quá chỉ tiêu cho phép chỉ là lý do… “khách quan”. Bởi, đa phần thí sinh dự thi CĐ thường đã dự thi ĐH nên dù trúng tuyển CĐ nhưng nhiều thí sinh sẽ không học CĐ mà chọn học ĐH. Do vậy, để tránh tình trạng thí sinh trúng tuyển ảo, các trường sẽ xây dựng mức điểm chuẩn sao cho sẽ có khoảng  từ 150% – 200% thí sinh dự thi trúng tuyển so với chỉ tiêu, rồi sau đó thí sinh trúng tuyển nhưng không học “rớt dần” là vừa. Chính kiểu làm không khoa học này đã dẫn đến thực trạng, có năm, các trường tuyển vừa hoặc thiếu chút đỉnh so với chỉ tiêu cho phép nhưng có năm trường vượt quá chỉ tiêu do 100% thí sinh diện trúng tuyển đều nhập học.
Bên cạnh các trường đổ lỗi tuyển vượt là do khách quan, vẫn có nhiều trường, nhất là các trường ngoài công lập, dù biết sai nhưng vẫn tuyển. Lãnh đạo một trường ĐH ngoài công lập khu vực phía Nam, cho biết: “Chỉ sợ không tuyển được sinh viên thôi, chứ nếu tuyển được (dù vượt chỉ tiêu – PV) thì vẫn cứ tuyển, bởi nếu Bộ GD-ĐT có phạt thì trường vẫn mừng”. Theo tìm hiểu của Đất Việt, lý do mà các trường mừng vì khung phạt hành chính mà Bộ GD-ĐT áp dụng chỉ dao động khoảng từ 50 – 60 triệu đồng, trong khi đóng xong mức phạt thì đương nhiên các trường này sẽ được “hợp thức hóa” lượng SV trúng tuyển vượt chỉ tiêu. Và, mức học phí thu được của số sinh viên trúng tuyển vượt này lên đến hàng tỉ đồng, quá “hời” so với mức tiền nộp phạt.
Box: Vận dụng Điều 33 trong Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ về việc giãn điểm chênh lệch giữa các vùng, từ 0,5 điểm như bình thường lên 1 điểm và giãn điểm ưu tiên giữa các đối tượng từ 1 điểm lên 1,5 điểm. Điểm chênh lệch giữa khu vực 3 và khu vực 1 là 3 điểm, giữa đối tượng bình thường không được ưu tiên và đối tượng ưu tiên 1 là 3 điểm. Điểm chuẩn trúng tuyển theo đó giảm từ 1 đến 6 điểm, tùy trường hợp. Trong nhiều năm qua, đây đã là bùa hộ mệnh cho hàng loạt trường để chữa cháy tình trạng đói sinh viên.

Theo Quốc Hải-Như Quỳnh
(Đất Việt)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)