Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2011: Bức tranh “cũ vẫn cũ”…

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 5 và 7-5 tới, các sở GD-ĐT sẽ tiến hành bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi cho các trường ĐH-CĐ. Tại đây, các trường sẽ nhận được những con số chính xác về lượng hồ sơ thí sinh “đầu quân” vào trường mình để từ đó chuẩn bị cho công tác tổ chức thi – xét tuyển. Ghi nhận tại một số sở, đến thời điểm này, lượng hồ sơ có tăng hơn năm trước, dao động trong khoảng vài ngàn bộ.
Hồ sơ đăng ký tăng, nhưng xu hướng chọn trường của thí sinh dường như không mới so với mùa tuyển sinh 2010 và cả mùa tuyển sinh trước đó. Mùa tuyển sinh 2010, những trường như ĐH Sài Gòn, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Tài chính Marketing… luôn dẫn đầu về lượng hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh các tỉnh thì năm nay những cái tên này vẫn tiếp tục được các em lựa chọn. Chỉ tính riêng tại Sở GD-ĐT TP.HCM, trong hơn 150.000 hồ sơ nhận được năm nay đã có đến hơn 10.000 em lựa chọn Trường ĐH Sài Gòn (chiếm khoảng 10%). Các trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Tài chính – Marketing nhận được lượng hồ sơ ít hơn nhưng cũng dao động ở mức khoảng gần 9.000 đến gần 10.000 bộ. Ở khối CĐ, Trường CĐ Kinh tế đối ngoại vẫn được thí sinh “để mắt” tới với gần 7.000 hồ sơ…
Ngay cả với hồ sơ nhận được tại Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT, xu hướng chọn ngành của thí sinh cũng chủ yếu rơi vào các ngành kinh tế, tài chính. Các ngành sư phạm, kỹ thuật, ngành xã hội… tiếp tục ế ẩm, hẩm hiu và đây cũng là tình trạng thường diễn ra những năm gần đây. Chưa thể đưa ra cái nhìn toàn cảnh, nhưng có thể thấy bức tranh tuyển sinh năm nay vẫn không có điểm gì mới so với mọi năm. Các trường dồi dào thí sinh thì vẫn tiếp tục phấn khởi với nhiều cơ hội lựa chọn; những trường thiếu vắng người thi thì vẫn cứ thấp thỏm hy vọng; riêng những ngành ít được quan tâm thì chỉ còn biết trông chờ may rủi, tìm kiếm thí sinh thông qua tất cả các nguyện vọng (1, 2, 3).
Sau mỗi mùa tuyển sinh, những trường tuyển không đủ chỉ tiêu lại “kêu”; các ngành đào tạo nhân lực cho địa phương cũng lại phải “miễn cưỡng” đào tạo trong điều kiện khan hiếm người học, phải bù chi phí. Nhưng đó chỉ là một trong những bất lợi trước mắt. Về lâu dài, có nhiều lo ngại rằng, sự mất cân đối trong tuyển sinh – đào tạo như thế này sẽ gây ra khủng hoảng thiếu – thừa lao động giữa các ngành nghề. Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM Trần Anh Tuấn dự báo, với thực tế hiện nay, tương lai có thể một số ngành kỹ thuật công nghệ sẽ phải nhập khẩu lao động trình độ cao, trong khi đó, số đông sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành kinh tế phải xếp hàng chờ việc. Ông Tuấn cũng cho rằng, công tác hướng nghiệp cho thế hệ trẻ cần được làm tốt hơn. Thời gian qua, hoạt động này chưa thực sự đi sâu vào chất lượng. Học sinh ở các thành phố lớn bị rối do có quá nhiều thông tin chọn ngành nghề trong khi học sinh các tỉnh lại hiểu rất mù mờ. Vì vậy, các em thiên về chọn ngành theo phong trào chứ chưa căn cứ vào sở trường cá nhân, năng lực, sức khỏe và sự phát triển của thị trường lao động.
Thực tế, nhiều hoạt động tư vấn tại chỗ, “liên tỉnh” được thực hiện các năm qua, nhưng lại chủ yếu hướng vào việc thu hút thí sinh đến với ngành nghề đào tạo của chính những trường trực tiếp tham gia tư vấn, trong khi đó chưa thực sự giúp các em nắm bắt rõ, bao quát thông tin ngành nghề, cơ hội trúng tuyển, thị trường lao động… để các em chủ động lựa chọn.
Nếu bức tranh tuyển sinh cứ “cũ vẫn cũ”, tình trạng mất cân đối trong tuyển sinh – đào tạo cứ “tái diễn” thì năm nào các trường hẳn cũng sẽ có lại chuyện để mà lo…
Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)