Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2011: Cảnh báo nhiều ngành đang “khát” nhân lực

Tạp Chí Giáo Dục

Tân sinh viên nộp hồ sơ nhập học tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM
Tình trạng ngành thừa nhân lực, ngành thiếu nhân lực đang là bài toán đặt ra đối với các nhà quản lý. Trong khi đó, các trung tâm dự báo nhân lực chưa hoàn thiện và hoạt động hiệu quả. Chính vì vậy, chọn ngành của thí sinh dựa vào sự định hướng của gia đình là chính hoặc thí sinh tự “mò”. Vậy trong thời gian tới, những ngành nào cần nhiều nhân lực?
Điện hạt nhân
Việc xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân 1 và 2 đã đặt ra vấn đề nguồn nhân lực cho ngành. Vì hiện tại, đội ngũ cán bộ được cử đi học trong chiến tranh về không có đất dụng võ đã chuyển ngành hoặc đã về hưu. Xây dựng nhân lực từ con số đầu tiên là những khó khăn mà ngành điện hạt nhân phải đối mặt. Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT, năm 2008 cả nước có 505 cán bộ khoa học và công nghệ hạt nhân, làm chủ yếu trong 10 cơ quan như: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Lạt, ĐH Điện lực, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội và TP.HCM)… Nguồn nhân lực này đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là thiếu các nhà khoa học đầu đàn. Trong số 505 cán bộ này, chỉ có 62 tiến sĩ, độ tuổi trung bình là 50. Trong số 12 GS, PGS ngành này thì có tới 4 người tuổi 60-62, số còn lại cũng ở độ tuổi 50-55. Và 5 trường đại học đào tạo về điện hạt nhân, hiện chỉ có 3 PGS.TS, 9 tiến sĩ, 21 thạc sĩ, 15 kỹ sư, cử nhân.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông qua đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”, với tổng kinh phí dự kiến 3.000 tỷ đồng. Theo đó, dự kiến đến năm 2020, Việt Nam có hơn 3.000 kỹ sư, 600 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành điện hạt nhân, quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh năng lượng nguyên tử được đào tạo ở trong và ngoài nước. Thời gian đầu, Chính phủ sẽ tập trung cho 6 trung tâm đào tạo là ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Lạt, ĐH Điện lực và Trung tâm Đào tạo hạt nhân tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN). Chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào hàng năm của các cơ sở này đạt tối thiểu 250 sinh viên. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ đào tạo mới 100 thạc sĩ và tiến sĩ làm công tác giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, và 500 lượt các nhà quản lý, khoa học được cử đi khảo sát, học tập kinh nghiệm và tham gia các khóa bồi dưỡng, thực tập ngắn hạn tại các nước phát triển về năng lượng nguyên tử.
Các ngành dịch vụ
Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu đi lại, giải trí, vui chơi của người dân ngày càng tăng. Kéo theo đó là sự phát triển của các dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay, các trường ĐH, CĐ chưa đào tạo nhân lực liên quan đến các ngành dịch vụ như thẩm mỹ mà chủ yếu là tại các lớp học nghề ngắn hạn của các trường nghề hoặc tại các cơ sở tư nhân. Điều này cho thấy chất lượng nhân lực của ngành này còn yếu và rất thiếu. Một ngành dịch vụ nữa hiện nay đang thiếu đó là du lịch. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, sẽ cần đến 505 ngàn người trong ngành này vào năm 2015 và 870 ngàn lao động trực tiếp đến năm 2020, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên các tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản…
Nhân lực chất lượng cao
Không ít bộ ngành mới đây đã lên tiếng về tình trạng thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có khối ngành nông – lâm – ngư nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện cả nước mới có 13 trường ĐH, CĐ có ngành đào tạo về nông, lâm nghiệp. Số cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ khối ngành nông, lâm nghiệp ra trường hằng năm không cung ứng đủ nhu cầu xã hội vốn đang tăng lên rất nhanh. Riêng lao động nông nghiệp, có đến gần 21 triệu người (chiếm 97,65%) chưa qua đào tạo và không có chứng chỉ chuyên môn. Ngành CNTT cũng trong tình trạng tương tự. Năm 2010, nhiều trường ĐH cho biết thí sinh không mặn mà với CNTT và rất khó tuyển sinh. Tuy nhiên, các trường cũng không thể khẳng định được mình đủ khả năng để đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao.
Như vậy, trong thời gian tới, tất cả các ngành đều cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhưng thực tế cho thấy, khả năng của các trường ĐH Việt Nam không thể đáp ứng được vấn đề này. Thị trường lao động chỉ có thể trông chờ vào nguồn lao động nhập khẩu hoặc đội ngũ lưu học sinh Việt Nam từ nước ngoài về.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)