Trong hai ngày 5 và 7.5, tại Hà Nội và TP.HCM, các sở GD – ĐT bàn giao hồ sơ (HS) đăng ký dự thi (ĐKDT) cho các trường ĐH, CĐ trên cả nước. So với mọi năm, HS ĐKDT ĐH-CĐ của các thí sinh (TS) năm nay không có nhiều biến động.
Bàn giao HS ĐKDT năm 2011 cho các trường ĐH-CĐ tại TP.HCM ngày 7-5 |
Hồ sơ “ảo” tăng
Năm nay, hầu hết lượng HS đăng ký theo tuyến sở GD-ĐT các tỉnh đều tăng, trong khoảng từ vài trăm đến vài ngàn bộ. Ở mức ít, Sở GD-ĐT Bình Phước năm nay nhận được 17.990 HS, chỉ tăng 200 bộ. Lượng HS Sở GD-ĐT Vĩnh Long nhận được cũng chỉ “nhỉnh” hơn năm trước 500 bộ. Con số này ở Sở GD-ĐT Hậu Giang là 700. Trong khi đó, Sở GD-ĐT Đồng Nai thông báo tăng đến 4.400 HS. Tương tự, Sở GD-ĐT Lâm Đồng và Bình Dương cùng tăng 2.000 HS; Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 2.700; Cần Thơ tăng 1.500 bộ; Phú Yên hơn 1.000… Theo ông Lê Văn Đức (Trưởng phòng GD chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đồng Nai), nguyên nhân HS tăng lên là do năm nay tỉnh tăng thêm khoảng 1.000 học sinh THPT. Bên cạnh đó, nhiều học sinh hệ CĐ-TC nghề cũng được dự thi ĐH nên đã đẩy số lượng HS ĐKDT tăng cao. Việc HS tăng khiến nhiều nhà giáo dục lo ngại rằng lượng HS “ảo” năm nay cũng sẽ tăng theo. Phó phòng GD chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu Phan Sơn Trường cho biết, trong số 2.700 HS được tăng lên năm nay đã có 1.000 bộ là của TS tự do, nhiều hơn năm trước. “HS tăng trong khi số lượng học sinh của tỉnh lại không tăng, do đó tôi nghĩ, tình trạng HS “ảo” năm nay có khả năng còn nhiều hơn năm trước”, ông Trường khẳng định.
Xu hướng lựa chọn ngành nghề của TS tiếp tục có sự phân hóa mạnh. ThS. Trần Ngọc Hiệp (Trưởng phòng GD thường xuyên và chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Phú Yên) nhận định, TS vẫn chủ yếu tập trung vào nhóm ngành kinh tế, riêng khối ngành nông lâm, sư phạm… mọi năm đã ít năm nay lại càng vắng.
ĐH vùng, ĐH top giữa thắng lớn
Bà Tạ Song Hà, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết năm nay Hà Nội có 165.502 HS (đây có lẽ là sở có số lượng HS lớn nhất cả nước), tăng 5.842 HS. Trong số này có tới 12.325 HS gửi đến Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Số lượng HS gửi về ĐH Công nghiệp Hà Nội của Sở GD-ĐT Quảng Ninh cũng khá lớn, tới 1.373/27.500 HS. Cán bộ thu HS của sở cho biết, năm nay, Quảng Ninh cũng tăng thêm 1.000 HS. Tại Thanh Hóa, số HS nộp vào ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng lên đến 9.000 HS, chiếm gần 10% tổng số HS của tỉnh. ĐH Hồng Đức cũng thu được 10.000 HS từ học sinh trong tỉnh mình. Cùng với ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Thương mại, các trường ĐH vùng cũng là điểm đến của rất nhiều TS các tỉnh ở khu vực phía Bắc. Cụ thể, Điện Biên năm nay có 7.445 HS (giảm 90 HS so với năm 2010) nhưng có tới 1.646 HS vào ĐH Tây Bắc. CĐ Sư phạm Điện Biên cũng chiếm tới 1.917 HS. Số lượng HS nộp vào ĐH Tây Bắc của Sơn La cũng lên tới con số 4.660/12.386 HS, chiếm 1/3 tổng số HS của TS toàn tỉnh. ĐH Tây Bắc cũng là lựa chọn của rất nhiều TS đến từ Lai Châu (546/2.925 HS). ĐH Thái Nguyên cũng là nơi thu hút được nhiều sự quan tâm của TS. Đại diện Sở Hà Giang cho biết, trong tổng số 6.652 HS của tỉnh thì số HS gửi về ĐH Thái Nguyên nhiều nhất. TS của tỉnh Vĩnh Phúc cũng dành nhiều ưu ái cho ĐH Thái Nguyên khi có tới 1.974/28.300 HS đăng ký dự thi vào trường.
Tại phía Nam, xu hướng chọn trường địa phương của TS cũng được thể hiện rõ. Trong số hơn 15.600 HS Sở GD-ĐT Bình Dương nhận được thì Trường ĐH Thủ Dầu Một vẫn được TS ưu ái lựa chọn nhất với trên 2.500 bộ. Tương tự, Trường ĐH Đồng Tháp chiếm số đông lượng HS ĐKDT nhất trong toàn bộ HS Sở GD-ĐT tỉnh này nhận được với hơn 5.000 bộ. Sở GD-ĐT Cần Thơ cũng thống kê được gần 19.000 HS đăng ký vào Trường ĐH Cần Thơ…
Lý giải về sự lựa chọn này của TS, một chuyên gia cho biết, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến đó là điểm chuẩn vào những trường này vừa sức với TS. Thứ hai, những trường này đều là những trường đa ngành, các TS học trung bình khá vẫn có thể thoải mái lựa chọn ngành mình thích. Thứ ba đó là lợi thế về khoảng cách. TS tại các tỉnh miền núi như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu như muốn xuống Hà Nội học tập. Trong khi đó, nếu học tại ĐH Tây Bắc, ĐH Thái Nguyên họ sẽ “giảm tiện” được rất nhiều chi phí, phù hợp với đời sống của phần lớn các gia đình miền núi khó khăn.
Khối A vẫn “đỉnh”, khối C mất giá
Tại hầu hết các sở GD-ĐT phía Bắc, khối lượng hồ sơ của các trường khối A đều chiếm trên 50% so với tổng số HS. Nam Định có 59.317 HS thì có tới 36.944 HS đăng ký thi khối A (chiếm 62%), còn khối C chỉ có 2.160 HS. Tại Hà Nội, số lượng thí sinh đăng ký dự thi khối A lên tới 53,12%, trong khi đó khối C chỉ chiếm 4,4%. Số TS dự thi khối A của Thanh Hóa cũng lên tới trên 58%.
Số lượng HS đăng ký vào khối A của Trường ĐH Cần Thơ chiếm gần phân nửa với gần 10.000 bộ. Số lượng HS đăng ký chọn khối C tại tỉnh Phú Yên năm nay giảm đến 20%. Con số này tại tỉnh Đồng Nai cũng chỉ không đầy 1.500 em trong tổng số trên 52.800 HS đăng ký, được xem là quá ít. Trong khi đó, lượng HS tập trung vào 2 khối A, B lại lên đến hơn 12.000 bộ. Ông Lê Văn Đức (Trưởng phòng GD chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đồng Nai) giải thích, tổng HS toàn tỉnh nhận được năm nay tăng lên trong khi khối lượng HS đăng ký khối C lại đi xuống. Nguyên nhân thí sinh không mặn với khối ngành này có thể do khả năng tìm việc sau khi tốt nghiệp không cao, nếu có việc làm thì thu nhập cũng ở mức khó “cạnh tranh” được với các khối khác. Khả năng chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động cũng không nhiều…
Cũng theo nhiều nhà làm công tác tuyển sinh, sự phát triển kinh tế đã kéo theo sự ra đời của rất nhiều ngành và rất nhiều trường. Những trường mới mở thường ít tập trung đào tạo khối các ngành khoa học xã hội. Họ cũng phải “chạy theo nhu cầu” của “thị trường” để đào tạo và để thu hút thí sinh. Còn các trường truyền thống, họ tuyển sinh các ngành xã hội nhưng không phải chỉ tuyển khối C, khối D mà còn tuyển cả khối A. Thế là vô hình trung, cánh cửa khối A cứ ngày càng mở rộng, còn khối C cứ hẹp dần.
Nghiêm Huê – Mê Tâm
Bình luận (0)