HS nghe các chuyên gia giáo dục tư vấn tại lớp
|
Hơn 2.000 học sinh (HS) ba khối lớp 10, 11, 12 của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM) vừa có buổi tìm hiểu ngành nghề do Ban đại diện cha mẹ HS và Hội cựu HS tổ chức đã đem lại thành công hơn cả mong đợi.
Ngày hội chia sẻ
Tại ngày hội, nhiều HS đã không ngại đưa ra suy nghĩ của mình như: “Lớp 12 là một thử thách đối với tất cả HS cuối cấp. Những áp lực từ các phía cứ đè nặng trên vai. Em phải làm sao để cho ba mẹ hạnh phúc?” hay “Em muốn thi vào trường mình mơ ước nhưng gia đình nhất quyết không cho, bởi trường đó học hành tốn kém, rồi sau khi học xong ra trường liệu có được việc làm đúng với chuyên ngành đã học”…
Chia sẻ cùng các em HS trong việc lựa chọn ngành nghề cho tương lai, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, thành viên Hội đồng tuyển sinh Bộ GD-ĐT tâm sự: “Các em phải thật sự bình tĩnh, phải suy đi tính lại, tâm tình với cha mẹ những mong ước của mình, chia sẻ với bạn bè. Đậu ĐH là điều quan trọng nhưng nếu lỡ không đậu thì cũng không có nghĩa là cánh cửa học hành bị đóng sập. Thất bại chỉ là sự “thành công bị trì hoãn” mà thôi”. Đây cũng chính là thông điệp mà nhiều thành viên Ban tư vấn gửi gắm các bậc phụ huynh, bởi “nếu các em thi vào hệ ĐH không đậu thì cứ mạnh dạn học hệ CĐ hay trung cấp, vì hiện nay gần như tất cả các trường đều có hệ liên thông từ trung cấp lên ĐH”.
Chị Hồ Thị Quỳnh Hạnh có con học lớp 12, tâm sự: “Năm nay Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền và Ban đại diện cha mẹ HS tổ chức ngày hội hướng nghiệp sớm như thế này là rất tốt, ngoài HS còn có phụ huynh cùng tham gia. Trong đó có cả phụ huynh có con lớp 10 và 11. Qua buổi tư vấn tại sân trường và ở các lớp, chúng tôi đã được giải đáp những thắc mắc về việc định hướng nghề nghiệp cho con cái và được lắng nghe những nguyện vọng của con em mình để qua đó định hướng và động viên các em có cách lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của mình”.
Muốn làm bác sĩ thì không được… sợ máu
Sau khi nghe đại diện các trường ĐH giới thiệu các ngành nghề đào tạo trong kỳ tuyển sinh 2011, em Nguyễn Hoàng Minh (HS lớp 12A3) đặt câu hỏi: “Em chưa chọn được ngành và trường để đăng ký dự thi (ĐKDT) một cách chính xác, vậy em có thể nộp nhiều hơn một hồ sơ trong mỗi đợt thi không?”. Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Đức Nghĩa khẳng định: “Không có bất kỳ giới hạn nào về số lượng hồ sơ ĐKDT có thể nộp. Tuy nhiên, các em cần chú ý tới lịch thi của từng đợt để tránh lãng phí tiền bạc”. TS. Lý Văn Xuân – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM nhắn nhủ: “Thí sinh nộp nhiều hồ sơ sẽ gây ra tình trạng thí sinh ảo, tốn kém cho nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, xét về góc độ quyền lợi thí sinh, tôi thực lòng khuyên các em nên làm nhiều bộ hồ sơ. Bởi ngay thời điểm này, các em chưa có đủ thông tin để có sự lựa chọn chính xác nhất về ngành nghề mà mình sẽ theo đuổi suốt đời”. Em Trần Đình Khang (HS lớp 11A5) lại lo xa: “Em đang học lớp 11 và có mong muốn sẽ thi vào ngành sư phạm, vậy khối ngành sư phạm và khối ngành công nghệ của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM khác nhau như thế nào về cơ hội việc làm và học phí?”. Đại diện Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trả lời: “Sự khác nhau trước hết là thời gian đào tạo, khối ngành công nghệ học 4 năm, trong khi khối sư phạm học 4 năm rưỡi. Sinh viên khối sư phạm không phải đóng học phí, trong khi khối công nghệ phải đóng học phí theo quy định của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt, khi tốt nghiệp, ngoài việc nhận bằng kỹ sư như khối công nghệ, sinh viên khối sư phạm còn được nhận thêm chứng chỉ sư phạm bậc 2”. Em Thái Sinh Nguyên (HS lớp 12A3) băn khoăn: “Để làm bác sĩ nhi khoa, em cần phải học bao lâu, ra trường có thể chọn lựa bệnh viện mình muốn không?”. TS. Lý Văn Xuân giải đáp ngay: “Em phải trải qua thời gian học tập 8 năm, trong đó chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa 6 năm và học chuyên khoa nhi thêm 2 năm. Ra trường, sinh viên phải tự tìm việc làm. Tuy nhiên, nếu tốt nghiệp loại khá trở lên và thi đậu nội trú, trường sẽ giữ lại làm giảng viên, và bên cạnh đó là rất nhiều lời mời về làm việc từ các bệnh viện”. TS. Xuân còn lưu ý những HS muốn đăng ký thi vào ngành y: “Học ngành y thì phải có những đức tính cần cù – nhẫn nại, đặc biệt những ai muốn làm bác sĩ đa khoa thì tuyệt đối không được… sợ máu”.
Lê Quang Huy
“Chúng tôi rất vui mừng và hãnh diện khi có Ban đại diện cha mẹ HS và Hội cựu HS luôn quan tâm và có tấm lòng đối với con em mình. Ngày hội hướng nghiệp cho HS của trường đã thành công tốt đẹp với sự tham gia của hơn 40 trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM, trong đó có nhiều trường ĐH quốc tế”, cô Hồ Cam Thanh, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ.
|
Bình luận (0)