Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2011: Khối ngành xã hội “thất thu”

Tạp Chí Giáo Dục

Hướng dẫn TS điền thông tin vào hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ tại Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT ngày 14-4. Ảnh: Mê Tâm
Rất đông thí sinh (TS) tự do tập trung về các điểm thu nhận để nộp hồ sơ đăng ký dự thi trong hai ngày cuối (13 và 14-4). Nhiều TS đã cân nhắc trong việc lựa chọn ngành nghề tuy nhiên cũng có những em còn đang do dự, cứ phải “rải” hồ sơ tại nhiều điểm cho… yên tâm.
Vẫn còn hồ sơ ảo
Sau khi Bộ Tài chính có quyết định điều chỉnh lệ phí dự thi và yêu cầu nộp gộp lệ phí dự thi và lệ phí thu hồ sơ, số lượng hồ sơ ảo cũng giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, vẫn có những TS “vượt” khá xa. Chị Phạm Thị Hạnh, cán bộ thu hồ sơ Phòng Giáo dục quận Đống Đa cho biết trung bình mỗi TS đến phòng Đống Đa nộp 2 bộ HS nhưng cũng có TS nộp 3 bộ. Chị Phan Ngọc Anh, cán bộ thu hồ sơ của TTGDTX quận Hai Bà Trưng cho biết, TS nộp nhiều nhất tại đây là 8 bộ, có 10 TS nộp từ 5-6 bộ, còn lại trung bình 2 bộ HS/TS. Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng có 320 học sinh lớp 12, trường thu được 470 bộ hồ sơ. Chị Nguyễn Thu Hà, cán bộ thu hồ sơ của trường cho biết, TS nộp nhiều nhất là 5 bộ hồ sơ. Còn tại Trường THPT DL Lương Thế Vinh, PGS. Văn Như Cương, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay có 2.000 hồ sơ/700 học sinh. Tính trung bình mỗi học sinh của trường nộp 3 bộ hồ sơ. Tuy nhiên, con số này theo PGS. Văn Như Cương là ít hơn mọi năm rất nhiều.
Tại điểm thu nhận hồ sơ Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT (TP.HCM), ông Nguyễn Quốc Cường (chuyên viên tuyển sinh) cho biết, lượng TS đến nộp trong những ngày cuối đông hẳn. Cùng thời điểm cận hạn chót, năm ngoái, lượng hồ sơ thu được khoảng 3.000 thì con số này năm nay lên tới 6.000. Trung bình mỗi TS nộp từ 2-3 bộ hồ sơ. Việc bộ tiếp tục thực hiện quy định thu đồng thời lệ phí đăng ký dự thi với lệ phí thi như năm vừa qua giúp hạn chế bớt tình trạng TS “rải” hồ sơ tại nhiều ngành/trường. Tuy nhiên, cá biệt vẫn có trường hợp TS nộp đến 6 bộ hồ sơ vì chưa chắc chắn được nguyện vọng. Cô Nguyễn Thị Sương Mai (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) cho biết, trong 6 bộ hồ sơ của TS trên có đến 3 bộ cùng nộp vào khối D Trường ĐH Hoa Sen. Lý do là TS này chưa biết lựa chọn ngành học nào. Tương tự, tại điểm thu nhận hồ sơ Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT cũng ghi nhận một số trường hợp TS “ôm” đến 5-6 hồ sơ.
Những sai sót trong hồ sơ đăng ký dự thi của TS không nhiều, chủ yếu ở việc nhầm lẫn giữa chọn trường thi nhờ và trường có nguyện vọng học, thiếu ảnh… Ông Nguyễn Quốc Cường lưu ý, TS hết sức cẩn trọng, tránh sai sót trong việc điền thông tin vào hồ sơ đăng ký dự thi vì việc chỉnh sửa vào thời điểm hiện nay rất khó khăn và tốn kém thời gian; nhất là với những sở GD-ĐT có lượng hồ sơ lên đến hàng chục ngàn và hầu hết đang trong quá trình nhập liệu. Tại cơ sở, có những trường rất chu đáo, cẩn thận nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sai sót cho TS. Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh (Cần Giờ) Lê Hữu Hân, chia sẻ cách làm, sau khi thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi của 220 học sinh, trường tiến hành lập danh sách TS dự thi và chuyển về tận lớp để soát lần cuối trước khi chuyển toàn bộ về Sở GD-ĐT. Theo đó, trường nhập dữ liệu và in ra cho các em trực tiếp chỉnh dò lại thông tin cho chắc chắn. Cô Huỳnh Thị Liễu (Phòng Giáo vụ Trường THPT Lê Quý Đôn) cho hay, trong 955 hồ sơ nhận được không phát hiện sai sót. Trước đó, để tránh những lỗi thường gặp, trường đã cho giáo viên phụ trách bộ phận tuyển sinh lên tận lớp để hướng dẫn; đồng thời còn photo hai mẫu đơn hướng dẫn cách ghi mục 2 và 3 tạo thuận tiện cho TS nắm bắt.
Khối C “thất thu”
Dù TS đã ngày càng có sự cân nhắc, nhất là trong điều kiện công tác tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp được quan tâm đẩy mạnh như hiện nay, tuy nhiên xu hướng chọn trường của TS hiện vẫn không “mới” hơn những năm trước. Khối ngành kinh tế, tài chính… vẫn thu hút rất đông hồ sơ. Ngược lại, nhóm ngành sư phạm, kỹ thuật, đặc biệt khối ngành xã hội thi tuyển bằng khối C lại tiếp tục rơi vào tình trạng khan hiếm TS. Trường THPT Võ Thị Sáu thống kê gần 140 hồ sơ TS đăng ký vào Trường ĐH Tài chính Marketing, Trường ĐH Hoa Sen 149 hồ sơ. Các trường ĐH Công nghiệp, ĐH Sài Gòn… cũng được nhiều em quan tâm. Cô Nguyễn Thị Phượng (Phòng Học vụ Trường THPT Gia Định) nêu cụ thể, trong đợt 1 trường thu được trên 2.000 bộ hồ sơ của hơn 1.000 TS. Trong đó, những trường chiếm số lượng hồ sơ áp đảo nhất vẫn là: ĐH Kinh tế TP.HCM (với 170 bộ), ĐH Tài chính Marketing (158 bộ), ĐH Tôn Đức Thắng (144 bộ), ĐH Hoa Sen (120 bộ)… Bên cạnh đó, khoảng 500 hồ sơ dự thi CĐ nhận được, hầu hết TS vẫn lựa chọn những trường lớn như: CĐ Kinh tế đối ngoại, CĐ Tài chính hải quan…
Thực tế, những mùa tuyển sinh gần đây, lượng TS đổ xô vào khối ngành kinh tế, tài chính… rất đông và đây cũng là một trong những nhân tố góp phần “đẩy” mức điểm chuẩn của các ngành này lên cao. Đơn cử, năm 2010, điểm chuẩn ngành tài chính – ngân hàng, ngành kinh tế đối ngoại, kế toán – kiểm toán, quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM đều ở mức 19-21 điểm. Các trường khác, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, điểm chuẩn các ngành cũng dao động từ 17-20 điểm; ĐH Kinh tế TP.HCM cũng lấy mức 19 điểm; Trường ĐH Sài Gòn, các ngành kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng cũng ở nhóm dẫn đầu với điểm chuẩn 16,5-18,5… Với mức điểm chuẩn cao, các nhà giáo dục khuyến cáo, TS phải biết lượng sức trước khi chọn thi và theo học những ngành này.
Những mùa tuyển sinh gần đây, việc đảm bảo chỉ tiêu khối ngành khoa học xã hội nhân văn nói chung luôn khiến các trường “đau đầu”. Riêng ở khối C, lượng hồ sơ đăng ký mỗi năm cũng làm buồn lòng những nhà giáo dục. Năm nay, số lượng hồ sơ khối C lại giảm đi so với năm ngoái. Có trường chỉ nhận được rải rác vài bộ. Điển hình, trong số hơn 2.700 hồ sơ của Trường THPT Gia Định, chỉ có khoảng 10 bộ hồ sơ khối C. Trường THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Khuyến thì hầu như… không có hồ sơ khối C nào. Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM cũng thống kê thí điểm trên 1.400 hồ sơ dự thi của TS tự do, chỉ có 30 bộ hồ sơ khối C.
Nhóm PV

Bình luận (0)