Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh ĐH – CĐ 2011: Những lưu ý trước ngày thi

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh cần xác định làm theo đề chuẩn hay nâng cao, quy chế mới đối với bài thi trắc nghiệm, yêu cầu cán bộ ký tên vào cả giấy nháp…
Hôm nay (3-7), các trường ĐH làm thủ tục dự thi đợt một vào khối A và V cho hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi, chiếm hơn 55% tổng số hồ sơ đăng ký dự thi năm nay.
PGS-TS Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), nhấn mạnh: “Đây là thời điểm cuối cùng để thí sinh kiểm tra lại thông tin cá nhân và đề nghị điều chỉnh sai sót. Thí sinh lưu ý khi điều chỉnh sai sót trong giấy báo dự thi phải yêu cầu cán bộ của trường ghi xác nhận và ký tên vào phiếu số 2”.
Xác định theo đề chuẩn hay nâng cao
Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ thi trắc nghiệm hoàn toàn đối với các môn vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ; các môn khác thi theo hình thức tự luận. Đề thi có hai phần: phần chung cho tất cả thí sinh được ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao; phần riêng (phần tự chọn) được ra theo từng chương trình chuẩn và nâng cao (riêng đề thi các môn ngoại ngữ chỉ có phần chung). Thí sinh chỉ được làm một phần riêng thích hợp. Thí sinh nào làm cả hai phần riêng (dù làm hết hay không hết, dù làm đúng hay không đúng), bài làm coi như phạm quy, chỉ được chấm điểm phần chung và không được chấm điểm phần riêng.
PGS-TS Ngô Kim Khôi khuyên: “Hai phần riêng trong đề thi thí sinh được chọn một trong hai, đó là phần mình thấy phù hợp để làm bài. Phần này không bắt buộc thí sinh học theo chương trình chuẩn hay nâng cao phải chọn phần riêng tương ứng theo chương trình đó. Do đó trước ngày thi, thí sinh nên xác định mình sẽ làm theo phần riêng của chương trình nào để tập trung ôn tập theo chương trình đó. Nếu không xác định trước điều này, thí sinh dễ bị lúng túng khi lựa chọn đề, dẫn đến thiếu kiến thức để làm bài”.
Cán bộ coi thi kiểm tra giấy chứng minh nhân dân, giấy báo dự thi trước khi cho thí sinh vào phòng thi năm 2010. Ảnh: QUỐC DŨNG
Cẩn trọng với bài thi trắc nghiệm
ThS Tạ Quang Lâm, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Kỳ thi năm nay có một điểm mới là Bộ GD&ĐT có quy chế khi dự thi các môn trắc nghiệm. Thí sinh phải chú ý, nếu không sẽ phạm quy. Điều quan trọng nữa là thí sinh nên mang theo đồng hồ để theo dõi giờ làm bài, vì thời gian ngắn nhưng số câu trắc nghiệm lại rất nhiều”.
Khi thi các môn trắc nghiệm thí sinh phải làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm được in sẵn. Trên phiếu này chỉ được viết một thứ mực, không phải là mực đỏ. Các ô số báo danh, ô mã đề thi, ô trả lời chỉ được tô bằng bút chì đen. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh phải tẩy sạch chì ở ô cũ, rồi tô kín ô khác mà mình lựa chọn. Thí sinh phải điền chính xác và đủ thông tin vào các mục trống ở phía trên phiếu, đối với số báo danh phải tô đủ cả sáu ô (kể cả các số 0 phía trước); điền chính xác mã đề thi vào hai phiếu thu bài thi.
Ông Lâm lưu ý: “Khi nhận đề thi phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm; không được xem đề thi khi cán bộ coi thi chưa cho phép. Khi xem đề phải kiểm tra đề thi rồi mới bắt đầu làm bài, điều này nhằm đảm bảo đề thi có đủ số lượng câu trắc nghiệm như đã ghi trong đề; nội dung đề được in rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét; tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi. Nếu có những chi tiết bất thường trong đề thi hoặc có hai đề thi trở lên, thí sinh phải báo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý”.
Khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm, có lệnh thu bài thí sinh phải ngừng làm bài, đặt phiếu trả lời trắc nghiệm lên trên đề thi và chờ nộp phiếu theo hướng dẫn của cán bộ coi thi. Thí sinh không làm được bài vẫn phải nộp phiếu. Khi nộp phiếu, thí sinh phải ký tên vào hai phiếu thu bài thi. “Thí sinh phải luôn nhớ: Bài làm phải có hai chữ ký của hai cán bộ coi thi, nếu không sẽ không được chấm. Thí sinh chỉ được rời phòng thi sau khi cán bộ coi thi đã kiểm đủ số phiếu trả lời trắc nghiệm của cả phòng thi và cho phép thí sinh ra về” – ông Lâm nói.

Yêu cầu cán bộ coi thi ký tên vào giấy nháp
Những năm trước cán bộ coi thi chỉ ký tên vào giấy thi. Từ kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu thí sinh trước khi làm bài thi phải ghi đầy đủ số báo danh (cả phần chữ và phần số) vào giấy thi, giấy nháp và thí sinh phải yêu cầu cả hai cán bộ coi thi ký và ghi rõ họ tên vào giấy thi lẫn giấy nháp.
Thí sinh không được mang bảng tuần hoàn Mendeleev vào phòng thi trong buổi thi môn hóa học và không được mang điện thoại di động. Một số thí sinh không để ý dù điện thoại đã tắt nguồn nhưng vẫn có thể phát báo thức theo giờ hẹn.
Tuyệt đối không được mang vào khu vực thi và phòng thi giấy than, bút xóa, tài liệu, phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi và các vật dụng khác. Thí sinh không làm bài bằng hai thứ mực, mực đỏ, bút chì (trừ hình tròn vẽ bằng compa được dùng bút chì). Các phần làm sai nếu muốn bỏ thí sinh phải dùng thước gạch chéo, không dùng bút xóa.
Ngày 2-7, Ban tuyển sinh ĐH Đà Nẵng cho biết đã cấp lại hơn 350 giấy báo dự thi sai sót, kịp thời sửa chữa nhiều hồ sơ có lỗi về họ tên, khối thi cho các thí sinh. Riêng các trường hợp sai sót còn lại chưa đến chỉnh sửa sẽ được các cán bộ coi thi và hội đồng thi sửa chữa ngay trong ngày thí sinh làm thủ tục.
Hàng ngàn thí sinh phải về trường huyện dự thi
Theo Ban Chỉ đạo cụm thi Vinh (Nghệ An), kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 có tới 75.699 hồ sơ (TS) đăng ký dự thi (tăng hơn 10.000 hồ sơ với năm 2010) vào ĐH Vinh và 39 trường ĐH ở Hà Nội. Do đó, các trường trên địa bàn TP Vinh không đủ phòng thi nên Cụm thi Vinh phải bố trí nhiều điểm thi tại huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò (Nghệ An).
QUỐC DŨNG – LÊ PHI
Theo phapluattp

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)