Các em học sinh đang được chuyên gia giáo dục tư vấn lựa chọn ngành nghề trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức tại Long An. Ảnh: M.Tâm
|
Nhiều người phấn đấu, thậm chí là tìm mọi cách để lấy tấm bằng đại học (ĐH). Nhìn những gương mặt rạng ngời, hạnh phúc khi biết mình trúng tuyển vào một trường ĐH nào đó cũng như trong ngày lễ trao bằng tốt nghiệp đã nói lên tất cả. Vậy mà, có nhiều người sau khi tốt nghiệp đã… không đến nhận bằng hay phải tiếp tục đi học ở… cấp thấp hơn.
Những tấm bằng… xuống đời
Tốt nghiệp ngành xã hội học – Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM đã gần 10 năm nhưng Lâm vẫn chưa nhìn thấy “mặt mũi” tấm bằng mà mình đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” dùi mài kinh sử suốt bốn năm trời. Trong khi bạn đồng môn ai cũng đã nhận bằng để đi tìm việc, ai cũng trân trọng tấm bằng mà mình đã dày công phấn đấu cũng như hãnh diện với nó. Lý do mà anh chưa nhận bằng cũng rất đơn giản: không sử dụng nó vào việc gì cả. Đúng vậy, sau khi tốt nghiệp ĐH, Lâm cũng “vác” giấy chứng nhận tốt nghiệp đi xin việc. Tốn hơn chục bộ hồ sơ và “lang thang” từ TP.HCM về đến tỉnh nhà nhưng không nơi nào nhận nên anh đành về quê mở tiệm kinh doanh. Ban đầu chỉ là cửa hàng nho nhỏ, kinh doanh đủ loại nhưng khi kiếm được số vốn kha khá, Lâm thành lập hẳn công ty và đầu tư hẳn một dây chuyền sản xuất nước tinh khiết. Công việc bận rộn suốt ngày khiến anh quên đi “mình cũng đã có bằng ĐH”.
Ngược lại, khi tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2006, Mai Phương hết sức vui mừng với hy vọng mình sẽ tìm được một việc làm phù hợp để có thể sống tự lập và phụ giúp gia đình. Phương cũng mang hồ sơ đi gõ cửa các cơ quan nhưng không nơi nào nhận. Sau một năm đi tìm việc, sống khấp khởi trong cảm giác đợi chờ. Không tìm được việc như ý định, Phương xin làm chân “tạp vụ” tại một doanh nghiệp tư nhân. Ngày đi làm, tối Phương đi học thêm… trung cấp dược nuôi hy vọng sau khi tốt nghiệp sẽ về quê mở một tiệm thuốc Tây nho nhỏ.
Cùng cảnh ngộ với Phương, Như Quỳnh cũng tốt nghiệp một trường ĐH danh tiếng và tìm được một chân thư ký phòng nhân sự của một khu công nghiệp sau gần hai năm “vác” bằng tốt nghiệp ĐH đi xin việc. Mang tiếng là thư ký nhưng công việc chẳng khác nào chân “sai vặt” ở trong phòng. Có “việc làm”, Như Quỳnh đăng ký học trung cấp kế toán vào buổi tối. Quỳnh tâm sự: “Dù là trung cấp kế toán nhưng cơ hội có được việc làm đúng chuyên môn vẫn cao hơn nhiều so với ngành học mà em đã học ở ĐH”.
“Thảm” hơn có lẽ phải kể đến trường hợp của Ngọc Hương. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Vinh chuyên ngành ngữ văn. Cũng giống như các bạn, “điệp khúc” gõ cửa các cơ quan nộp hồ sơ và chờ đợi theo cô gần hai năm trời. Không còn hy vọng, Hương khăn gói vào Nam và cô đã nhanh chóng kiếm được chân… công nhân giày da tại một khu công nghiệp ở Đồng Nai. Ngày ngày, Hương vẫn đồng phục, tăng ca, nhà trọ và vẫn hòa mình vào dòng người tấp nập mỗi khi tan tầm ở cổng khu công nghiệp như những lao động phổ thông khác. Vừa làm cô vừa “nhâm nhi” vị đắng của tấm bằng mà Hương đã phải nỗ lực phấn đấu để có được cũng như dành biết bao nhiêu kỳ vọng về nó trong một thời gian dài.
Có rất nhiều trường hợp sau khi tốt nghiệp ĐH không đến cơ sở đào tạo để nhận bằng và cũng có trường hợp vì không tìm được việc đúng chuyên môn đành phải rẽ sang một hướng khác nên tấm bằng dường như chỉ còn là… kỷ niệm.
Vai trò của công tác tư vấn tuyển sinh!
Vào mùa tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm, công tác tư vấn tuyển sinh cho học sinh lớp 12 được triển khai rầm rộ ở các trường THPT nhằm mục đích định hướng nghề nghiệp một cách tốt nhất cho các em. Tuy nhiên, công tác này chủ yếu được “phủ sóng” ở các trường đóng trên địa bàn trung tâm tỉnh, thành chứ chưa đến được với học sinh vùng sâu, vùng xa.
Cũng phải thừa nhận một thực tế là hầu hết các trường THPT hiện nay chưa có cán bộ chuyên trách về công tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh. Chính vì vậy, phần lớn các nhà trường chủ yếu dựa vào chương trình tư vấn tuyển sinh từ các cơ quan truyền thông, các trường ĐH hoặc thông qua các phương tiện truyền thông để định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Một số trường thì “chữa cháy” bằng cách đưa một số giáo viên giảng dạy lâu năm vào làm công tác này. Những hạn chế đó là một trong các nguyên nhân khiến nhiều học sinh lựa chọn ngành, nghề không phù hợp.
Bên cạnh đó, một số học sinh năng lực học tập tuy hạn chế nhưng vẫn thích “mác” ĐH nên đã chọn những ngành nghề “dễ” vào chứ nhất định không theo học CĐ hay trung cấp… dẫn đến phải làm việc trái ngành nghề hoặc phải học lại cấp thấp hơn như các trường hợp nêu trên.
Học và tốt nghiệp ĐH, tìm được một việc làm đúng với chuyên môn sau khi ra trường là điều mơ ước của rất nhiều bạn trẻ. Nhưng không phải ai cũng có được việc làm như ý sau khi tốt nghiệp bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như nhu cầu xã hội, năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp… Không tìm được việc làm, làm việc không đúng chuyên môn, chuyển nghề là những dấu hiệu cho thấy một thực tế rằng: việc lựa chọn ngành nghề của một số bộ phận học sinh chưa đạt đến độ “chín” nhất định, một số ngành nghề nhu cầu xã hội ít nhưng lại có nhiều cơ sở đào tạo với một lượng lớn sinh viên ra trường hàng năm hoặc “sản phẩm” ra lò chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của xã hội.
Nguyễn Quế Diệu
(Giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 2)
Bình luận (0)